Tiếng Việt | English

21/09/2020 - 22:50

Thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn

Uống rượu, bia là thói quen của nhiều người. Tuy nhiên, lạm dụng rượu, bia lại vô cùng nguy hiểm, nhất là khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) do “ma men” gây ra đã để lại những hệ lụy đau lòng.

Tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm

Tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm

Trước những diễn biến phức tạp của nạn “ma men” cầm lái, Nghị định (NĐ) 100/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt ra đời có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 được xem là biện pháp rất mạnh để hạn chế tình trạng gây TNGT do uống rượu, bia. 9 tháng năm 2020, trên toàn địa bàn tỉnh, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đã lập biên bản xử lý hơn 1.600 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn, ra quyết định xử phạt với số tiền gần 6 tỉ đồng.

Điều đáng mừng, NĐ 100/2019 của Chính phủ được đông đảo người dân đồng tình, ủng hộ, góp phần tác động tích cực đến ý thức “đã uống rượu, bia thì không lái xe”. Theo Ủy viên Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh - Phùng Văn On, để NĐ100 vào cuộc sống, thời gian qua, Ban đã phối hợp các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân với nhiều hình thức khác nhau để nắm bắt, chấp hành.

NĐ 100/2019/NĐ-CP thay thế hoàn toàn NĐ 46/2016/NĐ-CP và có hiệu lực từ ngày 01/01/2020, có nhiều điểm mới; trong đó, một trong những quy định được chú ý nhất là tăng mức xử phạt đối với các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn. Cụ thể, người điều khiển xe ôtô vi phạm nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (mức cao nhất) sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng (quy định cũ tại NĐ46 thì mức xử phạt từ 16-18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 4-6 tháng), cùng với hành vi vi phạm như trên nếu là người điều khiển xe môtô sẽ phải chịu mức xử phạt từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng (quy định cũ tại NĐ46 thì mức xử phạt từ 3-4 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 3-5 tháng); người điều khiển xe đạp, xe thô sơ sẽ bị phạt từ 400-600 ngàn đồng (trước đây chưa quy định xử phạt về nội dung này);...

Anh Nguyễn Văn Lâm, ngụ phường 1, TP.Tân An, cho rằng: “Quy định tăng mức xử phạt và những hình thức bổ sung cũng nặng hơn đã góp phần tác động mạnh đến ý thức, trách nhiệm của người tham gia giao thông để hạn chế TNGT”. Thông tin từ Phòng CSGT, từ khi NĐ100 có hiệu lực, người điều khiển phương tiện giao thông đã cập nhật, nắm bắt được. Đặc biệt là quy định xử lý nặng vi phạm nồng độ cồn. Qua số liệu theo dõi, nhìn chung, vi phạm nồng độ cồn cũng như các vụ TNGT liên quan đến rượu, bia giảm mạnh.

Từ việc quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn nên cũng góp phần kéo giảm TNGT trên địa bàn tỉnh cả 3 mặt là số vụ, người chết và bị thương. Cụ thể, 9 tháng năm 2020, toàn tỉnh đã xảy ra 119 vụ TNGT, làm chết 73 người, bị thương 75 người. So với cùng kỳ năm 2019, tỉnh đã giảm 27 vụ, giảm 10 người chết và 61 người bị thương.

Để đạt hiệu quả cao hơn nữa, lực lượng CSGT luôn tăng cường kiểm tra, xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn, để những tài xế không lơ là, chủ quan. Theo đó, từ đầu đầu năm 2020 đến nay, Phòng CSGT đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là tiến hành nhiều đợt cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn.

Mặc dù có chuyển biến tốt theo chiều hướng giảm nhưng vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm. Điều này dễ thấy, ở các quán nhậu, nhiều người sau khi đã uống bia, rượu nhưng khi ra về vẫn điều khiển xe tham gia giao thông. Vì vậy, để xử lý nghiêm và tạo ý thức chấp hành tốt trong cộng đồng thì lực lượng chức năng cần thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông ở các tuyến đường, địa điểm gần các quán ăn, uống có phục vụ rượu, bia./.

Lam Hồng

Chia sẻ bài viết