"Bước đệm" từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội
Gia đình bà Vũ Thị Xuân (ấp Bình Sơn, xã Bình Quới) là một trong những trường hợp thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Gia đình bà trước đây thuộc diện hộ cận nghèo, kinh tế chính chủ yếu dựa vào việc làm thuê của vợ chồng bà. Khi con trai ông bà vào đại học, gánh nặng tài chính càng thêm nặng.
Nhờ sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Quới, gia đình bà được tiếp cận chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn từ NHCSXH.
Nhờ nguồn vốn vay này, gia đình bà Xuân phần nào vơi bớt gánh nặng chi phí cho con trai học đại học; đồng thời, có thêm động lực phát triển kinh tế gia đình.
“Nhờ có nguồn vốn vay học sinh, sinh viên mà vợ chồng tôi nhẹ phần lo. Con tôi vừa tốt nghiệp, đi làm được vài tháng rồi. Bây giờ, vợ chồng tôi tập trung chăm sóc vườn hoa màu để có thu nhập. Trả hết các khoản vay của ngân hàng là có thể yên tâm rồi” - bà Xuân chia sẻ.
Nhờ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình bà Vũ Thị Xuân (ấp Bình Sơn, xã Bình Quới, huyện Châu Thành) sửa lại nhà vệ sinh và hệ thống nước dẫn vào nhà
Được biết, ngoài nguồn vốn vay học sinh, sinh viên, gia đình bà Xuân còn được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ các nguồn vốn vay đó, vợ chồng bà đầu tư trồng hơn 2.000m2 hoa màu, sửa sang lại khu vực nhà vệ sinh, hệ thống nước dẫn vào nhà,...
Đến nay, gia đình bà Xuân trả gần hết các khoản vay và chính thức thoát nghèo. Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Quới - Võ Thị Lệ Mi, tính đến nay, tổng dư nợ nguồn vốn vay của NHCSXH mà Hội quản lý là hơn 8 tỉ đồng với 163 hộ vay, trong đó có 29 hộ mới thoát nghèo, 18 hộ nghèo.
Tạo điều kiện giúp hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận nguồn vốn vay của NHCSXH là một trong những hoạt động góp phần nâng cao đời sống người dân, giảm nghèo hiệu quả tại huyện Châu Thành thời gian qua.
Thống kê từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Châu Thành, giai đoạn 2014-2024, doanh số cho vay của đơn vị đạt hơn 769 tỉ đồng với 24.272 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.
Từ năm 2014 đến nay, có hơn 1.300 lượt hộ nghèo, gần 5.000 lượt hộ cận nghèo được vay vốn NHCSXH để phát triển sản xuất, thoát nghèo; gần 4.000 lượt hộ gia đình học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để các em có điều kiện tiếp tục đến trường; 214 hộ nghèo vay vốn xây mới hoặc sửa chữa nhà ở. Nguồn vốn vay từ NHCSXH góp phần cải thiện đời sống của người dân, kịp thời bổ sung nguồn vốn để phục hồi sản xuất, giúp hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách khác có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.
Đa dạng hình thức hỗ trợ hộ nghèo
Bên cạnh nguồn vốn vay từ NHCSXH, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Châu Thành còn có nhiều cơ hội tiếp cận các hỗ trợ khác như nguồn vốn vay từ các hội, đoàn thể; nguồn vốn từ các mô hình góp vốn xoay vòng; tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất;... Khi đã thoát nghèo, các hộ gia đình vẫn tiếp tục được tạo điều kiện tiếp cận vốn vay để có cơ hội phát triển sinh kế trong gia đình.
Các tổ vay vốn do hội, đoàn thể quản lý là “cầu nối” giúp hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội (Trong ảnh: Tổ vay vốn của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Quới, huyện Châu Thành họp lệ hàng tháng)
Vốn là hộ cận nghèo, ít đất sản xuất, gia đình ông Điều Văn Phận (ấp Song Tân, xã An Lục Long) thường xuyên được Chi hội Nông dân ấp tạo điều kiện vay vốn từ Tổ góp vốn tương trợ nông dân. Số tiền vay được, ông Phận đầu tư trồng thanh long, nuôi các con ăn học. Đến nay, 2 người con của ông Phận đều có việc làm, vườn thanh long của gia đình phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Gia đình ông Phận có cuộc sống tốt hơn, chính thức thoát nghèo.
Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Song Tân - Phan Quốc Chinh cho biết, tổ góp vốn của Chi hội hoạt động từ năm 2005 đến nay với nguồn quỹ quản lý hiện khoảng 300 triệu đồng. Để hỗ trợ hội viên (HV), đặc biệt là HV có hoàn cảnh khó khăn, cận nghèo, tổ xét cho HV vay vốn theo nhu cầu với mức vay khoảng 10 triệu đồng, trong vòng 4 tháng. Sau khi hoàn trả vốn vay, nếu có nhu cầu, HV tiếp tục được xét cho vay lại.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã An Lục Long - Ngô Nguyễn Duy Linh, ngoài nguồn vốn vay từ tổ vay vốn tại chi hội, HV nông dân còn có thể tiếp cận nguồn vốn vay NHCSXH hay nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân.
Ngoài ra, Hội Nông dân xã còn thường xuyên phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng thanh long cho HV nông dân. “Các hoạt động như tập huấn kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ vốn, hỗ trợ pháp lý và trợ giúp an sinh xã hội cho HV là hoạt động thường xuyên của Hội.
Qua các hoạt động đó, HV có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng” - ông Ngô Nguyễn Duy Linh cho biết.
Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể cùng sự nỗ lực của người dân, công tác giảm nghèo tại huyện Châu Thành đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, nguồn vốn vay từ NHCSXH cùng các chương trình hỗ trợ khác đóng vai trò quan trọng, góp phần tiếp sức cho người nghèo vươn lên ổn định cuộc sống./.
Đến cuối năm 2023, hộ nghèo toàn huyện Châu Thành từ 1,02% (306 hộ) giảm xuống còn 0,36% (108 hộ); hộ cận nghèo từ 2,67% (797 hộ ) giảm xuống còn 1,61% (481 hộ). Năm 2023, không có hộ phát sinh và tái nghèo, không có hộ tái cận nghèo. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện năm 2023 khu vực nông thôn đạt 71,09 triệu đồng.
|
|
Thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn huyện Thủ Thừa quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo về nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội.
|
Quế Lâm