Tại Long An, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần chủ trì hội nghị
Tại Long An, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần chủ trì hội nghị.
Theo Ban Chỉ đạo, KTTT với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, là thành phần kinh tế quan trọng trong 5 thành phần kinh tế đã được Đảng và Nhà nước xác định tại các Nghị quyết Đại hội Đảng. Phát triển KTTT trở thành chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đặc biệt, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa IX) lần đầu tiên có chuyên đề về KTTT (Nghị quyết số 13/NQ-TW, ngày 18/03/2002) với mục tiêu đến năm 2010 đưa KTTT thoát khỏi những yếu kém hiện nay, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, tiến tới có tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong GDP của nền kinh tế.
Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết, KTTT từng bước có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Nhận thức về các quan điểm KTTT, HTX, bản chất HTX bước đầu dần khẳng định và thống nhất trong toàn xã hội. Công tác quản lý nhà nước đối với KTTT được các địa phương quan tâm, bộ máy quản lý KTTT, HTX bước đầu được kiện toàn. Nhân dân ngày càng nâng cao nhận thức, tham gia HTX trên tinh thần tự nguyện, cùng góp vốn, chịu trách nhiệm về hoạt động của HTX.
KTTT, HTX phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, quy mô lớn hơn. Trình độ cán bộ quản lý HTX được nâng cao rõ rệt. Số lượng các HTX áp dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, tham gia vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ngày càng nhiều.
Đặc biệt, HTX nông nghiệp hoạt động gắn với các sản phẩm đặc thù, chủ lực của vùng, thực hiện việc liên kết chuỗi để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh.
Kinh tế tập thể từng bước khẳng định được vai trò trong nền kinh tế (trong ảnh: Hợp tác xã Rau an toàn Mười Hai, xã Long Khê, huyện Cần Đước, tỉnh Long An)
Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết còn những hạn chế nhất định. Các chính sách hỗ trợ còn vướng mắc, quản lý nhà nước về KTTT, HTX một số nơi bị buông lỏng. Một số yếu kém của KTTT tồn tại lâu, chưa khắc phục được. Tốc độ tăng trưởng của khu vực này chậm, thiếu ổn định, tỷ lệ đóng góp GDP chưa cải thiện, khiêm tốn so với tiềm năng. Chưa xây dựng được nhiều mô hình HTX kiểu mới với quy mô lớn, việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị thông qua hợp đồng kinh tế còn thấp. Triển khai nhân rộng các HTX hiệu quả chưa rộng rãi nên người dân còn e ngại, chưa tin tưởng vào các lợi ích về kinh tế - xã hội do HTX mang lại.
Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo nêu các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu về phát triển KTTT, HTX giai đoạn tới; trong đó, tập trung khắc phục các yếu kém, tiếp tục củng cố, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT; xây dựng, phát triển mô hình KTTT, nòng cốt là HTX bền vững trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc của HTX, phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển và cải thiện đời sống thành viên; nâng cao hình ảnh và vị thế của KTTT trong xã hội. Đại diện một số Bộ, ngành Trung ương, chuyên gia nêu một số giải pháp để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT phù hợp với giai đoạn hiện nay.
Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX về KTTT và cho rằng KTTT từng bước khẳng định được vai trò trong nền kinh tế.
KTTT đạt kết quả cả về lượng và chất, tạo ra diện mạo mới về nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo bền vững. KTTT có sự lan tỏa sâu sắc, từng bước đi vào cuộc sống, nhận được sự quan tâm từ các địa phương, người dân. Vai trò HTX ngày càng được củng cố, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng cho rằng KTTT còn yếu kém về mô hình, đóng góp GDP còn khiêm tốn, quy mô HTX còn nhỏ, người dân chưa mặn mà tham gia vào HTX để cùng nhau liên kết sản xuất. HTX còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi triển khai,… KTTT còn gặp khó khi đi vào cuộc sống do vướng mắc cơ chế, tiếp cận vốn, đất đai, việc liên kết còn hạn chế,…
Thủ tướng tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của KTTT trong quá trình phát triển của đất nước. Phát triển HTX, tổ hợp tác là xu hướng tất yếu của nền kinh tế thị trường. KTTT có ý nghĩa sâu sắc về văn hóa, xã hội, môi trường,… đặc biệt đối với nông nghiệp, nông thôn. KTTT là nhân tố quan trọng góp phần tạo việc làm, giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân, hộ gia đình, nhất là ở vùng nông thôn. Đảng và Nhà nước mong muốn người dân tham gia vào HTX để phát triển KTTT, liên kết, tạo ra sản phẩm có thế mạnh riêng, góp phần quảng bá hình ảnh của đất nước.
Để nâng cao hiệu quả KTTT, Thủ tướng khẳng định phát triển KTTT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương cần phải tập trung triển khai thực hiện để đạt hiệu quả đề ra. Bên cạnh đó, KTTT chiếm vị trí quan trọng, HTX làm nòng cốt cần củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, khuyến khích người dân tham gia trên tinh thần tự nguyện, dân chủ.
Các Bộ, ngành, địa phương phải có giải pháp tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách hỗ trợ HTX để phát huy hiệu quả KTTT. Hoàn thiện các cơ chế để HTX có điều kiện phát triển. Cần chú trọng tạo mối liên kết giữa HTX với doanh nghiệp, từ đó tạo chuỗi giá trị, sản phẩm tạo ra tìm được thị trường, tăng sức cạnh tranh. HTX, người dân cần thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng các khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất, khuyến khích, nhân rộng những mô hình HTX hoạt động hiệu quả.
Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo tiếp tục đổi mới, các bộ, ngành Trung ương tăng cường phối hợp địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn để KTTT phát huy hiệu quả đề ra.Thủ tướng tin tưởng rằng với những cố gắng chung, KTTT sẽ đạt được kết quả đề ra và có những đóng góp quan trọng trong nền kinh tế của đất nước.
Dịp này, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX về KTTT được Đảng và Nhà nước khen thưởng.
Tính đến cuối tháng 12/2018, toàn quốc có 23.318 HTX, tăng 8.911 HTX (gần 62%) so với năm 2003, thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia. Hiệu quả hoạt động của HTX ngày càng ổn định và có xu hướng phát triển. Doanh thu HTX năm 2018 đạt 4.412 triệu đồng, tăng hơn 3.538 triệu đồng (gấp khoảng 4 lần) so với năm 2003.
Cả nước có 101.057 tổ hợp tác, thu hút 1.273.540 thành viên tham gia. Doanh thu bình quân của 1 tổ hợp tác là 230 triệu đồng/năm, tăng 5,1% so với năm 2003; lãi bình quân của 1 tổ hợp tác là 35 triệu đồng/năm, tăng 3,1% so với năm 2003.
Liên hiệp HTX cũng có những kết quả quan trọng. Tính đến cuối năm 2018, cả nước có 69 liên hiệp HTX, tăng 49 liên hiệp HTX so với năm 2003, tạo việc làm cho hơn 25.000 lao động trong liên hiệp, tổng vốn hoạt động hơn 441 tỉ đồng. Doanh thu bình quân của 1 liên hiệp HTX gần 950 triệu đồng/năm, lãi bình quân gần 150 triệu đồng/năm/1 liên hiệp HTX./.
|
Thanh Mỹ