Tiếng Việt | English

02/11/2023 - 09:44

Tiếp tục nâng cao Chỉ số chuyển đổi số

Năm 2022, Long An xếp hạng thứ 11/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về Chỉ số chuyển đổi số (CĐS) của các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (DTI), tăng 10 hạng so với năm 2021; xếp thứ 2 (sau TP.Cần Thơ) trong nhóm các tỉnh, thành phố Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó, cho thấy sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị cũng như sự đồng thuận hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của người dân, doanh nghiệp trong công cuộc CĐS.

Nhiều chỉ tiêu thăng hạng

Ngày 12/7/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố đánh giá DTI theo Quyết định 922/QĐ-BTTTT. Theo đó, DTI năm 2022 của tỉnh có giá trị là 0,6386, tăng trưởng giá trị khoảng 40% so với năm 2021 (có giá trị là 0,4553).

Đại biểu tham quan triển lãm giới thiệu các giải pháp, sản phẩm về chuyển đổi số

"Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng mang tính toàn dân, toàn diện, là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của cả hệ thống chính trị trong tỉnh”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa

Trong đó, 3 trụ cột là Chính quyền số có giá trị 0,7402, xếp hạng 9 (tăng 2 hạng so với năm 2021 - xếp hạng 11); trụ cột Kinh tế số có giá trị 0,6809, xếp hạng 19 (giảm 3 hạng so với năm 2021 - xếp hạng 16); Xã hội số là 1 trong 3 trụ cột tăng hạng nhiều nhất có giá trị 0,6466, xếp hạng 8 (tăng 14 hạng so với năm 2021 - xếp hạng 22).

Một trong những nhân tố quan trọng góp phần đạt kết quả trên là sự đóng góp tích cực của các thành viên thuộc 996 Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ). Thời gian qua, trên 5.300 thành viên Tổ CNSCĐ tích cực ra quân, hỗ trợ người dân sử dụng phần mềm, nền tảng số phục vụ sản xuất và những nhu cầu hàng ngày như học tập, giải trí, mua sắm, khám sức khỏe, giao dịch, tương tác với cơ quan nhà nước thông qua dịch vụ công trực tuyến, phản ánh, kiến nghị với chính quyền,...

Ra quân tuyên truyền hướng dẫn người dân tại phường 2, TP.Tân An thanh toán trực tuyến

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Bá Luân cho biết, quan điểm của tỉnh là “CĐS lấy người dân làm trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực”. Đây là kim chỉ nam xuyên suốt của tỉnh trong quá trình phát triển. Khi bắt tay vào công cuộc CĐS, tỉnh xác định “CĐS chỉ thành công khi người dân hiểu, hưởng ứng, tham gia cùng chính quyền, khi người dân trở thành công dân số, có tất cả các hoạt động đời sống xã hội an toàn được đưa lên môi trường số”.

Khi đó, CĐS sẽ đi vào cuộc sống, tạo động lực thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh. Tổ CNSCĐ chính là cánh tay nối dài của chính quyền địa phương trong hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng, góp phần phổ cập kỹ năng số toàn dân trên địa bàn tỉnh.

Ông Võ Văn Quang (ấp 2, xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Nhờ các thành viên Tổ CNSCĐ hướng dẫn, tôi đã biết cách nộp hồ sơ trực tuyến, sử dụng mini app Long An Số để đóng tiền điện ngay trên điện thoại. CĐS thật sự thay đổi cuộc sống người dân rất nhiều, ngày càng văn minh, hiện đại hơn”.

Điều hành quyết liệt

Phát biểu tại Họp mặt đại diện Tổ CNSCĐ trên địa bàn tỉnh năm 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa khẳng định, CĐS là một cuộc cách mạng mang tính toàn dân, toàn diện, là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của cả hệ thống chính trị trong tỉnh.

CĐS phải bảo đảm sự vào cuộc, lãnh đạo tập trung của các cấp ủy Đảng, điều hành quyết liệt của chính quyền, sự tham gia tích cực của các cơ quan chuyên môn, hành động đồng bộ ở các cấp, các ngành và sự tham gia của toàn dân. CĐS trên địa bàn tỉnh phải bảo đảm các yếu tố: Lấy người dân làm trung tâm; nhận thức đóng vai trò quyết định; chuyển đổi cơ chế, chính sách và công nghệ là động lực; phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá; tăng cường hợp tác trong và ngoài nước là giải pháp quan trọng; bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt.

Trường THPT Hùng Vương (TP.Tân An) triển khai thực hiện Thư viện số

Năm 2023, với thông điệp “Năm dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”, tỉnh tập trung đẩy mạnh phát triển dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp theo kế hoạch cung cấp dữ liệu mở. Về lâu dài, tỉnh hướng tới mục tiêu CĐS đồng bộ, toàn diện, bao trùm lên các ngành, lĩnh vực và đời sống, KT-XH. Qua đó đưa Long An vào nhóm các địa phương CĐS tốt, trở thành tỉnh có chỉ số cao về phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của cả nước.

Theo ông Nguyễn Bá Luân, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về CĐS. Tỉnh tập trung phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số để dẫn dắt CĐS, cung cấp dịch vụ công chất lượng cao, dịch vụ số thiết yếu, sử dụng tối ưu các nền tảng số giải quyết hiệu quả những vấn đề KT-XH của tỉnh.

Tỉnh cũng tập trung vào các giải pháp phát triển xã hội số để người dân, doanh nghiệp tham gia giao dịch, tương tác với cơ quan nhà nước; tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành xã hội, cùng giải quyết vấn đề và tạo ra giá trị cho cộng đồng; tiếp tục triển khai hiệu quả Tổ CNSCĐ để hướng dẫn người dân trực tiếp khai thác, sử dụng các nền tảng, dịch vụ số; triển khai các giải pháp thúc đẩy phổ cập điện thoại thông minh, mạng cáp quang băng rộng cho người dân, hộ gia đình;...

Cùng với đó, tỉnh phát triển kinh tế số, từng bước tăng tỷ trọng kinh tế số để góp phần đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng định hướng.

Hành động đồng bộ

Với vai trò là doanh nghiệp dẫn dắt CĐS, VNPT Long An luôn đồng hành cùng tỉnh tham gia vào hệ sinh thái CĐS quốc gia, trong đó có việc xây dựng Cổng dữ liệu về dân cư, Cổng dịch vụ công Quốc gia, hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; đồng thời, đóng góp tích cực trong thúc đẩy kinh tế số, giúp CĐS trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp, tiêu dùng;...

Cán bộ, nhân viên VNPT Long An chia sẻ các sản phẩm công nghệ số

Bằng những nỗ lực của mình, VNPT Long An tiếp tục thể hiện vai trò tiên phong trong hỗ trợ triển khai xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số và đô thị thông minh. Phó Giám đốc VNPT Long An - Huỳnh Minh Nhựt cho biết, VNPT Long An cam kết đồng hành cùng chính quyền, người dân và doanh nghiệp trong lộ trình CĐS, sẵn sàng hợp lực vì quá trình số hóa toàn diện, tiếp tục dành những nguồn lực tốt nhất để đồng hành cùng tỉnh nhà trong quá trình CĐS, nghiên cứu, phát triển nhiều giải pháp, sản phẩm công nghệ số hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Thời gian qua, Tỉnh Đoàn cũng phối hợp các sở, ngành, doanh nghiệp viễn thông đẩy mạnh CĐS, tổ chức nhiều hoạt động nâng cao năng lực số cho đoàn viên, thanh, thiếu nhi; ra mắt Công trình thanh niên Số hóa di tích lịch sử; triển khai Zalo Official Account cho Tỉnh Đoàn và các đơn vị Đoàn cấp huyện.

Tỉnh Đoàn phối hợp Viettel thực hiện 30 công trình thanh niên số hóa di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh

Năm 2022, các chỉ số CĐS của tỉnh mặc dù có thăng hạng nhưng chưa đồng đều, vẫn còn trụ cột, các chỉ số sụt giảm về thứ hạng, nhiều tiêu chí chưa đạt điểm tối đa, cần tiếp tục cải thiện. Để tiếp tục cải thiện DTI, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, các cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung quán triệt, chỉ đạo, tiến hành rà soát, khẩn trương triển khai, thực hiện các nhiệm vụ CĐS được giao trong năm 2023. Định kỳ hàng quí, các sở, ngành, địa phương báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh./.

Thời gian qua, VNPT Long An mang đến hệ sinh thái số với nhiều giải pháp, sản phẩm về chuyển đổi số phục vụ chính quyền, người dân và doanh nghiệp như Trung tâm Điều hành thông minh (IOC), Thành phố thông minh (Smart City), Trợ lý ảo (Smartbot), Cổng dịch vụ công Quốc gia và tỉnh Long An, dịch vụ ký số từ xa - VNPT SmartCA, Hóa đơn điện tử - VNPT Invoice, Hợp đồng điện tử - VNPT eContract, Kế toán doanh nghiệp - VNPT ASME, Quản trị doanh nghiệp tổng thể - One Business,...

Trà Long

Chia sẻ bài viết