CEO và là nhà sáng lập startup Sky Marvis, ông Nguyễn Thành Trung, đánh giá Việt Nam có tiềm năng lớn về lĩnh vực tài sản số - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Đó là nhận định được các CEO doanh nghiệp, start up công nghệ chia sẻ tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 3 đang diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội).
Cần hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số
Đại diện doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), ông Hoàng Minh Quân, CEO Cloudify Việt Nam, cho biết kinh tế số Việt Nam có tốc độ tăng trưởng rõ rệt, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực nhờ sự đầu tư, chương trình khuyến khích của Nhà nước.
Trong báo cáo kinh tế số châu Á 2021 của Google, từ nay đến năm 2030, Việt Nam có sự phát triển nhanh nhất khu vực. Cụ thể, đến năm 2030, nền kinh tế số sẽ mở rộng hơn hiện tại gấp 11 lần.
Sự tăng trưởng này sẽ diễn ra đồng đều ở tất cả các ngành như thương mại điện tử, logistics thông minh, du lịch... Đặc biệt, từ năm 2020-2021, thương mại điện tử đã tăng trưởng 30%.
Trong đó, ông Quân khẳng định khối doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế số. Hiện các doanh nghiệp này nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số nhưng gặp khó khăn về chi phí, thiếu cơ sở hạ tầng và nhân lực công nghệ thông tin.
Việt Nam có tiềm năng lớn về tài sản số
Cũng tại diễn đàn, trong phần trình bày của mình, CEO và nhà sáng lập start up công nghệ Sky Mavis Nguyễn Thành Trung nhận định Việt Nam có tiềm năng sánh vai với các cường quốc công nghệ trong lĩnh vực tài sản số.
Theo ông Trung, người Việt nhanh nhạy, sáng tạo, đang nắm bắt nhanh lĩnh vực tài sản số, khi NFT (hình thức tài sản số đặc biệt, giống như định danh sự vật, hiện tượng trong thế giới Blockchain) là hình thức tài sản số đặc biệt đang trở thành xu hướng.
Ông Trung cho biết trong 2 năm qua, dưới tác động của COVID-19, có sự chuyển dịch lớn về vốn, các loại ngành nghề, tập trung vào các lĩnh vực ít bị ảnh hưởng như công nghệ. Trong những xu hướng công nghệ mới nổi lên, bên cạnh AI là Blockchain đang tăng trưởng mạnh. Việt Nam nổi lên như một hiện tượng mới của thế giới Blockchain công nghệ.
"Người Việt nhanh nhạy trong việc xử lý thông tin, nắm bắt thời điểm, số người sở hữu ví điện tử ở Việt Nam thuộc hàng lớn nhất thế giới - ông Nguyễn Thành Trung nói - Trong khi đó, thị trường NFT tăng trưởng nhanh trong hai năm qua. Từ xuất phát điểm ít người biết, NFT hiện nay bắt đầu phổ biến với cả những người ngoài thế giới công nghệ".
"Câu hỏi đặt ra là, nếu NFT là xu hướng, liệu có phù hợp để phát triển ở Việt Nam hay không?". Để trả lời câu hỏi này, theo ông Trung, chúng ta cần chuẩn bị về mặt tư duy, kiến thức để thích nghi với sự thay đổi của thế giới. Người tham gia vào thế giới Blockchain cần chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt. Cơ sở hạ tầng công nghệ quan trọng, ngoài ra cần chuẩn bị về nhân lực, nguồn vốn.
"Việt Nam có vị thế để đuổi kịp các nước về công nghệ. Về khung pháp lý, việc chuyển dịch từ tài sản hiện hữu sang tài sản số, điện tử khiến trao đổi dễ dàng hơn nhiều. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm sao có thể quản lý các loại hình kinh tế mới", ông Trung nêu vấn đề.
Xuất phát từ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Blockchain, ông Trung đưa ra đề xuất: cần có chính sách rõ ràng với lĩnh vực công nghệ mới, hình thành các tổ chức có vai trò hỗ trợ, phát triển, đào tạo kiến thức công nghệ vào các chương trình đào tạo nhân lực, tuyên truyền đúng đắn về tài sản số.
Ngoài ra, ông Trung cũng đề xuất cần có cái nhìn mới về game trong bối cảnh Việt Nam có nhiều công ty làm game đang hoạt động mạnh mẽ. "Game là loại hình có yếu tố sáng tạo cao, có tiềm năng phát triển trong tương lai", CEO start up đã nổi tiếng toàn cầu nhận định./.
Theo tuoitre.vn