Tiếng Việt | English

17/09/2021 - 11:10

Chuyển đổi số xây dựng chính quyền điện tử, kinh tế số, xã hội số

Dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội. Tuy nhiên, đây cũng là thời cơ để tỉnh thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, kinh tế số, xã hội số. Long An đã và đang thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp để đạt, vượt các chỉ tiêu chuyển đổi số đề ra trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Nhiều kết quả nổi bật

Từ đầu tháng 7, tỉnh thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và đến những ngày cuối tháng 8, UBND tỉnh tăng cường các biện pháp giãn cách với phương châm “ai ở đâu ở yên đó” để đạt mục tiêu phòng, chống dịch. Thời gian này, hầu hết người dân đặt mua các mặt hàng thiết yếu và thanh toán trực tuyến qua những ứng dụng. Chị Lê Thị Lý, ngụ phường 3, TP.Tân An, cho biết: “Nếu ngày thường, tôi đi chợ, siêu thị mua hàng và thanh toán tiền mặt thì khi dịch bùng phát, buộc phải ở nhà nên các hình thức mua hàng, thanh toán trực tuyến qua ví điện tử hay Internet Banking trở thành xu hướng”.

Từ khi dịch bùng phát, Tiểu ban Thông tin, Truyền thông và Công nghệ, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh trên trang Zalo Chính quyền điện tử tỉnh Long An để cung cấp thông tin kịp thời, chính thống đến với người dân.

Người dân, doanh nghiệp đến thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh (Ảnh tư liệu)

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, việc giải quyết hồ sơ (HS), thủ tục hành chính của các tổ chức, cá nhân vẫn được Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh thực hiện bảo đảm thông suốt, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh - Lưu Hiếu Trung, tính từ ngày 08-7 đến nay, tuy Trung tâm không nhận HS trực tiếp nhưng tiếp nhận qua Cổng Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) và dịch vụ bưu chính công ích với tổng số 3.031 HS, hiện trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích 795 HS. Thống kê từ đầu năm đến hết tháng 8, trung tâm tiếp nhận hơn 34.500 HS, trong đó có gần 11.000 HS tiếp nhận bằng hình thức trực tuyến và giải quyết trên 33.000 HS cho các tổ chức, cá nhân. “Đến nay, tỉnh cung cấp 1.560 DVCTT mức độ 3 và mức độ 4. Trong đó, có 1.399 DVCTT mức độ 4; 161 DVCTT mức độ 3 và còn lại 293 dịch vụ công mức độ 2. Tất cả đều được cung cấp, công bố trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh” - Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh - Lưu Hiếu Trung cho biết.

Từ năm 2020, UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai đầu tư, đưa vào vận hành chính thức Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGPS). Đến nay, tỉnh cũng phối hợp các đơn vị đầu mối của Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành kết nối thành công và đưa vào vận hành chính thức nhiều dịch vụ, nền tảng thanh toán trực tuyến quốc gia (Paygov) tích hợp vào Cổng Dịch vụ công tỉnh cũng như kết nối thành công với Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bên cạnh đó, hiện tỉnh vận hành thử nghiệm kết nối HS một cửa liên thông vào phần mềm VBDlis để xử lý HS đất đai, sau đó thông qua thuế và trả kết quả về hệ thống một cửa cơ sở dữ liệu đất đai. Hiện nay, UBND tỉnh cũng triển khai cho các đơn vị đăng ký khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an.

Theo đánh giá của Tỉnh ủy, những năm gần đây, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ xây dựng chính quyền điện tử và phát triển dịch vụ đô thị thông minh từng bước được đầu tư, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Các nền tảng số dùng chung bước đầu được vận hành, các phần mềm dùng chung phục vụ tốt công tác quản lý, điều hành, tác nghiệp, kết nối liên thông với các hệ thống của bộ, ngành Trung ương. Đến nay, đa số các chỉ tiêu do Chính phủ, tỉnh đề ra đều đạt, bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Một số lĩnh vực như y tế, giáo dục, nông nghiệp, tài nguyên - môi trường, tài chính từng bước xây dựng được các nền tảng và ứng dụng công nghệ số. Đồng thời, tỉnh đã và đang tập trung nguồn lực triển khai các dự án quan trọng: “Xây dựng kho cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh giai đoạn 1”, “Xây dựng hạ tầng, nền tảng, dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh giai đoạn 1”, “Đầu tư hệ thống hội nghị 2 chiều từ tỉnh đến cấp xã” cũng như tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện 100% DVCTT đủ điều kiện được cung cấp mức độ 4. Giai đoạn 2016-2020, tổng kinh phí đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước hơn 193 tỉ đồng; đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có khoảng 220 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số như cung ứng phần cứng điện tử, phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin, thương mại điện tử, viễn thông với tổng doanh thu gần 11.500 tỉ đồng, ước nộp ngân sách nhà nước gần 200 tỉ đồng.

Trang Zalo Chính quyền điện tử tỉnh Long An cung cấp đầy đủ thông tin, dịch vụ cũng như hỗ trợ tối đa cho người dân trên nền tảng số

Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp

Bên cạnh những kết quả nổi bật, quá trình thực hiện chuyển đổi số vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế khi hạ tầng số chưa đồng bộ, mức độ sẵn sàng cho ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông chưa cao, công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng còn những bất cập nhất định. Số lượng, chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin thấp, số lượng doanh nghiệp còn ít, chưa chủ động tiếp cận ứng dụng công nghệ số, quy mô kinh tế số còn nhỏ và khả năng ứng dụng công nghệ số của người dân, doanh nghiệp chưa cao. Đánh giá về các hạn chế, Tỉnh ủy cũng thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay còn một số cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu chưa thực sự sâu sát trong triển khai, thực hiện chuyển đổi số; một bộ phận cán bộ, công chức chưa tích cực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số; chưa có giải pháp hiệu quả để thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp công nghệ số.

Trước thực tế đó, cuối tháng 8/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua Nghị quyết số 21 với các định hướng, giải pháp cụ thể về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được khẳng định, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh phải bảo đảm được các yếu tố: Lấy người dân làm trung tâm; nhận thức đóng vai trò quyết định; chuyển đổi cơ chế, chính sách và công nghệ là động lực; phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá; tăng cường hợp tác trong và ngoài nước là giải pháp quan trọng và an toàn, an ninh mạng là then chốt.

Trong đó, tập trung đưa công nghệ số vào mọi mặt đời sống xã hội, các cơ quan nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả dựa trên dữ liệu và công nghệ số, cung cấp dịch vụ công chất lượng cao. Quá trình chuyển đổi số phải thực hiện đồng bộ trên 3 trụ cột trong phạm vi toàn tỉnh gồm xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong chuyển đổi số cũng cần thực hiện theo hướng mở để người dân, doanh nghiệp tham gia, tương tác với cơ quan nhà nước; Nhà nước chủ động mở và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Đặc biệt, phải triển khai nhiều giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng để thành quả chuyển đổi số luôn bền vững.

Để đạt những mục tiêu đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy các cấp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền các cấp, xây dựng cơ chế, chính sách tạo niềm tin để thực hiện công cuộc chuyển đổi số toàn diện, toàn dân trên địa bàn tỉnh. Trong phát triển chính quyền điện tử, cần hướng tới chính quyền số để dẫn dắt chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ công chất lượng cao, tối ưu các nền tảng số giải quyết hiệu quả các vấn đề KT-XH. Trong phát triển kinh tế số, cần từng bước tăng tỷ trọng kinh tế số để đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng chất lượng tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Đồng thời, phát triển xã hội số để người dân, doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giao dịch, tương tác với cơ quan nhà nước, tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành xã hội cùng giải quyết các vấn đề và cùng tạo ra giá trị cho cộng đồng. Trước mắt sẽ thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực ưu tiên như y tế, giáo dục, giao thông - vận tải và logistics, nông nghiệp, tài nguyên - môi trường, tài chính - ngân hàng, năng lượng và sản xuất công nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025 đạt trên mức trung bình của cả nước đối với các chỉ tiêu chuyển đổi số trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2020-2025 và đạt trên mức khá của cả nước đối với các chỉ tiêu chuyển đổi số trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2025-2030./.

Nhật Minh

Chia sẻ bài viết