Người Hàn Quốc, trong đó có nhiều người trẻ, đã bất chấp giá lạnh xuống đường hôm 26/11 đòi Tổng thống từ chức - Ảnh: Reuters
Luật sư Yo Yeong Ha, người đại diện pháp lý của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, thông báo rằng hôm nay (28/11), thân chủ của mình đã bác bỏ đề nghị của các công tố viên về việc tiến hành thẩm vấn trực tiếp để tìm hiểu vai trò của bà Park trong vụ bê bối chính trị Choigate, với lý do bà bận nhiều việc.
Theo Reuters, trong thông báo bằng văn bản gửi tới báo giới, luật sư Yoo cho biết Tổng thống Park có lịch làm việc bận rộn do bà phải chuẩn bị các biện pháp đối phó với tình hình cấp bách hiện nay và bổ nhiệm một công tố viên độc lập trong số các ứng cử viên sẽ được đề nghị vào ngày 29/11.
Ngoài ra, ông Yoo cũng cho biết rằng với tư cách là đại diện pháp lý của bà Park, ông cũng phải chuẩn bị cho các vấn đề liên quan đến ông Cha Eun Taek - người đã bị buộc tội ngày 27/11 và cựu thư ký phụ trách vấn đề kinh tế Cho Won Dong hiện đang bị điều tra.
Nhưng xem ra bà Park chỉ có thể lẩn tránh việc trả lời trước các công tố viên 1-2 lần chứ không thể né tránh mãi việc đó.
Trước đó, các công tố viên đã xác định bà Park là "tòng phạm" với bà Choi Soon Sil, người đang bị cáo buộc xâm phạm bí mật quốc gia và tham nhũng tiền bạc... Tuy nhiên, luật sư Yoo tuyên bố rằng kết luận này thiên lệch về chính trị và được đưa ra trên cơ sở của sự “tưởng tượng và phỏng đoán”.
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Hàn Quốc như vậy vẫn đang có dấu hiệu leo thang. Cuối tuần qua, hàng trăm ngàn người trên khắp đất nước Hàn Quốc tiếp tục xuống đường yêu cầu Tổng thống Park Geun Hye từ chức.
Phong trào biểu tình này kéo dài đã 5 tuần và được đánh giá là lớn nhất tại Hàn Quốc kể từ làn sóng biểu tình đòi dân chủ hồi thập niên 1980. Những người tham gia gồm đủ mọi thành phần xã hội như nông dân, nhà sư, sinh viên… Các nhà tổ chức thông báo gần 2 triệu người đã xuống đường hôm cuối tuần qua, riêng thủ đô Seoul là 1,5 triệu. Nhà chức trách đã phải huy động 25.000 cảnh sát và hàng trăm xe buýt để dựng rào chắn quanh khu vực phủ tổng thống.
May mắn đợt biểu tình lần này không xảy ra tình trạng bạo lực nhưng tâm trạng người dân khá bức xúc. Họ tiến về phía Nhà Xanh (phủ tổng thống) và hô các khẩu hiệu “Bỏ tù Park Geun Hye”, “Hãy bước ra và đầu hàng”… Một nhóm người biểu tình bị chặn lại chỉ cách Nhà Xanh gần 200m. Đám đông buộc tội Tổng thống Park muốn đưa Hàn Quốc trở lại chế độ cai trị độc tài như dưới thời cha bà - ông Park Chung Hee.
Tỉ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Park đã rơi tự do xuống mức 4% trong vài ngày qua - là mức thấp nhất trong lịch sử Hàn Quốc.
Bà Park hai lần xuất hiện trước công chúng để xin lỗi nhưng một mực kháng cự áp lực kêu gọi từ chức. Giới quan sát cho rằng sự liên can của bà Park trong xìcăngđan tham nhũng, tống tiền doanh nghiệp và tiết lộ bí mật quốc gia chỉ là “giọt nước làm tràn ly”.
Trong một loạt vấn đề gây bất mãn cho dân chúng Hàn Quốc có thể kể đến tình hình kinh tế trì trệ và vụ chìm phà Sewol năm 2014. Nhiều người tức giận vì những sai sót chủ quan của chính quyền góp phần dẫn đến cái chết bi kịch của hơn 300 người, phần lớn là học sinh.
Tổng thống Park hiện đang đứng trước viễn cảnh bị luận tội sau khi một loạt chính trị gia đối lập lẫn đảng cầm quyền lên tiếng phản đối bà. Quốc hội Hàn Quốc dự kiến sẽ biểu quyết vấn đề này trước ngày 9/12.
Các biện pháp của phe đối lập hiện được cho là chưa quyết liệt bởi họ đang tính toán cho chiến lược tranh cử vào năm sau và chưa chuẩn bị cho tình huống xì-căng-đan bất ngờ trên.
Trong khi đó công chúng có cách nhìn riêng sau khi biểu tình lớn suốt nhiều tuần liên tục (vào dịp cuối tuần). Ông Christopher Green, một chuyên gia về Hàn Quốc tại Đại học Leiden ở Hà Lan bình luận trên tờ Times: "Công chúng chẳng cần quan tâm đến bất kỳ loại hoạch định chiến lược chính trị nào. Họ chỉ muốn biết góc khuất của bà Park Geun Hye."./.
Minh Trung-Tú Anh/Tuổi trẻ