Tiếng Việt | English

21/08/2018 - 23:36

Trạm BOT Bến Lức ùn ứ vì người dân ngăn chặn không cho thu phí

Gần 10 hộ dân sống gần trạm BOT Bến Lức, tỉnh Long An kéo đến ngăn chặn thu phí, yêu cầu bồi thường hư hại nhà ở gần công trình.

Trưa 21/8, tại khu vực cabin trạm BOT Bến Lức xuất hiện nhiều người la hét, ngăn chặn các nhân viên thu phí xe cộ qua lại, yêu cầu gặp lãnh đạo trạm. Vụ việc khiến xe cộ qua trạm bị ùn ứ cục bộ gần 1 giờ.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Nguyễn Hoài Trung thông tin, những người nói trên là người dân địa phương có nhà sống gần trạm.

“Khoảng 10 hộ dân sống gần trạm cho rằng xe công trình của dự án BOT chạy làm lún, nứt nhà, yêu cầu chủ đầu tư bồi thường”, ông Trung nói.

Sau khi xảy ra vụ việc, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường giữ gìn trật tự, mời các hộ dân làm việc. Đại diện chủ đầu tư cam kết sẽ xem xét lại yêu cầu của người dân trên cơ sở giám định hợp lý của cơ quan chức năng, khoảng 1 giờ sau, người dân tự giải tán.

Trạm BOT Bến Lức thời điểm mới thu phí. Ảnh: Hải Đường

Giám đốc Công ty Băng Dương, Chủ đầu tư BOT Bến Lức - Phạm Văn Cường cho biết, quá trình thi công trạm BOT khoảng 6-8 hộ có nhà ở gần công trình khiếu nại nhà bị nứt nền, vách tường, cho rằng do xe công trình gây ra.

“Chủ đầu tư trước đó đã mời đơn vị giám định xem xét các hư hại của người dân và ra mức giá bồi thường từ 20-70 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, người dân không đồng ý, yêu cầu tăng mức giá”, ông Cường nói.

Dự án đường Đường tỉnh 830 được UBND tỉnh Long An phê duyệt năm 2016, dài 24 km, rộng 17m, 4 làn xe, xây mới 8 cầu, tốc độ 80 km/h. Giá vé 25.000-165.000 đồng mỗi lượt. Riêng ôtô của người dân hai bên tuyến không sử dụng mục đích kinh doanh vận tải sẽ được miễn phí; xe của các doanh nghiệp nằm trên tuyến chỉ thu phí một lần và được giảm 20%. Tổng kinh phí dự án khoảng 1.079 tỉ đồng, dự kiến thu phí trong 19 năm. Hai đầu trạm có 12 cabin với 80 nhân viên thu phí.

Đây là điểm kết nối Đường tỉnh 824 và đường Trần Văn Giàu (Tỉnh lộ 10) của TP.HCM. Trên tuyến có hai trạm thu phí thuộc xã An Thạnh, huyện Bến Lức và xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa.

Mục tiêu dự án là nâng cao năng lực trung chuyển hàng hoá từ các khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh Long An, đồng thời tăng cường vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM, góp phần "chia lửa" áp lực quá tải cho các tuyến đường cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Từ giữa tháng 6, trạm chính thức hoạt động. Trong ngày đầu thu phí, do đường dẫn vào trạm nhỏ, xe đông và phải giải thích cho một số người dân sống ở khu vực về mức phí đã dẫn đến tình trạng ùn ứ xe cục bộ./.

Lực Nguyễn

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích