Trầm cảm là bệnh lý xuất hiện từ lâu, tuy nhiên đang có xu hướng tăng cao trong cuộc sống hiện đại (Trong ảnh: Bệnh nhân đến khám và nhận thuốc cho người thân tại Bệnh viện Tâm thần Long An)
Trong xu thế phát triển của xã hội, bệnh trầm cảm có xu hướng tăng cao và có thể gặp ở bất cứ ai. Người bị trầm cảm thường có biểu hiện mệt mỏi, mất ngủ và không được quan tâm cho đến khi bệnh lý trở nên trầm trọng.
Khổ vì trầm cảm
Một buổi sáng đầu năm 2018, gia đình ông Huỳnh Minh Châu, ngụ ấp Cầu Đúc, xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An cảm thấy lạ khi không thấy ông dậy sớm như mọi ngày. Gọi cửa không nghe trả lời nên con ông mở cửa phòng. Lúc đó, ông Châu đã lả đi vì tác dụng của thuốc, gia đình vội đưa ông đi cấp cứu. Ông Châu may mắn được cứu sống. Chị Võ Thị Thu Hồng - cán bộ y tế ấp Cầu Đúc, cộng tác viên dự án hỗ trợ người trầm cảm, cho biết: “Do gia đình gặp khó khăn về kinh tế, lâm vào khoản nợ lớn nên ông Châu trở nên bế tắc, bị trầm cảm nặng và tự tử. Từ khi làm trắc nghiệm sàng lọc, tôi xác định ông Châu bị trầm cảm, chưa thuyết phục được ông áp dụng các phương pháp điều trị không dùng thuốc thì ông uống thuốc tự tử. May mà cứu được!”. Chị Hồng cho biết thêm, do công việc không được suôn sẻ, ông Châu phải vay tiền với lãi suất cao để tạm giải quyết khó khăn. Lãi chồng lãi, nợ nần không giải quyết được khiến ông và gia đình bị xúc phạm, đe dọa. Ông trở nên trầm tính, ít giao tiếp và có hành động tự tử.
Theo Trưởng khoa Phòng khám Cấp cứu, Bệnh viện Tâm thần Long An - bác sĩ Lưu Văn Tuyết, tự tử chính là biểu hiện bệnh lý nặng nhất của bệnh trầm cảm. Thường thì ở giai đoạn đó, bệnh nhân thường có cảm giác chán nản tột cùng, có thể có biểu hiện loạn thần và có nhiều hành vi tự hủy hoại bản thân. Bác sĩ Tuyết cho biết: “Tại đây, có nhiều bệnh nhân trầm cảm đến khám ở tình trạng trầm cảm nặng, có ý định tự tử, thậm chí từng có hành động tự tử không thành: Uống thuốc, cắt tay, đâm vào người,... Trước đây, có cả trường hợp nữ bệnh nhân nhảy xuống sông tự tử do trầm cảm nhưng may mắn được cứu sống và đưa đến bệnh viện kịp thời”.
Không đến nỗi phải tìm đến cái chết như ông Châu hay những người trầm cảm nặng, nhưng chị N.Q, ngụ phường 5, TP.Tân An, từng có thời gian dài đối diện với những cơn mất ngủ kéo dài và tình trạng quên gần như mọi thứ. Chị Q. kể: “Đó quả là thời gian kinh khủng với tôi! Nó bắt đầu cách đây hơn 2 năm, sau khi tôi sinh con gái nhỏ và chồng tôi vì công việc phải thường xuyên vắng nhà. Một mình với áp lực công việc, gia đình và chăm sóc con khiến tôi rơi vào tình trạng stress, mất ngủ và hay quên. Mọi thứ từ lớn đến nhỏ, tôi phải ghi chú lại, kể cả các triệu chứng bệnh của mình để trình bày với bác sĩ khi đi khám. Nếu không, khi được hỏi, tôi chẳng biết mình đã có những biểu hiện bệnh như thế nào!”. Hay như trường hợp chị Nguyễn Thị Huỳnh Như, những ảo giác về việc có người tấn công mình luôn xuất hiện khi ngủ và ngày càng trầm trọng hơn khiến chị bị mất ngủ triền miên. Suốt nhiều tháng liền, cô gái 23 tuổi gần như không chợp mắt được chút nào khiến không chỉ sức khỏe mà cả tinh thần cũng suy nhược trầm trọng nên chị không đủ sức làm việc.
Ai cũng có thể bị trầm cảm!
Bệnh trầm cảm thường phát sinh do áp lực cuộc sống và có thể điều trị được. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng chia sẻ, chấp nhận điều trị nhằm cải thiện tình trạng bệnh lý của mình. Điều đó khiến cho trầm cảm ngày thêm trầm trọng, có nguy cơ trở thành mạn tính, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội.
Theo khảo sát sơ bộ, từ năm 2016 đến nay, chỉ riêng xã An Lục Long, huyện Châu Thành có 18 trường hợp bị trầm cảm. Và theo số liệu công bố của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2015, ước tính có khoảng 4% dân số nước ta gặp vấn đề về trầm cảm. Bác sĩ Tuyết nhận định, trầm cảm là bệnh lý xuất hiện từ lâu, tuy nhiên đang có xu hướng tăng cao trong cuộc sống hiện đại. Một phần do sự phát triển của y học khiến bệnh được phát hiện nhiều hơn. Ngoài ra, sự bùng nổ công nghệ thông tin cùng áp lực công việc, kinh tế gia đình khiến con người dễ rơi vào tình trạng căng thẳng và gặp vấn đề về trầm cảm.
Giới hạn tuổi người mắc bệnh trầm cảm cũng có xu hướng mở rộng, người trẻ, thậm chí là trẻ em cũng mắc bệnh trầm cảm và có xu hướng ngày càng nhiều. Phần lớn các trường hợp trầm cảm được phát hiện đều do áp lực công việc, gặp phải biến cố khiến kinh tế gia đình khó khăn, phụ nữ sau sinh, một vài trường hợp khác do mất người thân. Như trường hợp bà Thơm, ngụ ấp Cầu Hàn, xã An Lục Long, huyện Châu Thành, bà rơi vào trầm cảm do gặp khó khăn về kinh tế và gia đình không hạnh phúc. Những điều lo nghĩ khiến bà mất ngủ triền miên, nhức đầu và hay quên. Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Long An - bác sĩ Nguyễn Đình Mỹ khẳng định, bất cứ ai cũng có thể có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, từ trí thức đến nông dân, công nhân,... Tuy nhiên, phần lớn trong số đó là trầm cảm nhẹ, có thể tự điều chỉnh để ổn định sức khỏe./.
Trầm cảm chính là nguyên nhân khiến 36.000-40.000 người tự tử/năm. Nghiên cứu mới nhất ở viện chúng tôi cho thấy, gần 37% bệnh nhân mắc trầm cảm từ 45 tuổi trở lên có ý tưởng hoặc hành vi tự sát”.
Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần - PGS.TS Nguyễn Doãn Phương (theo Vietnamnet.vn ngày 06/4/2017)
|
(còn tiếp)
Bài 2: Cần những vòng tay
Phương Phương