Tiếng Việt | English

23/05/2024 - 09:29

Trẻ em sử dụng điện thoại thông minh trong bữa ăn sẽ tăng nguy cơ béo phì

Vừa ăn vừa xem các thiết bị điện tử có thể làm trẻ xao lãng và não chúng không nhận được “tín hiệu báo no”, do đó chúng sẽ ăn nhiều hơn so với nhu cầu.

Trẻ em xem điện thoại trong khi ăn sẽ tăng nguy cơ bị béo phì, thừa cân. (Ảnh: thetimes.co.uk)

Theo các chuyên gia, việc cho phép trẻ em xem video, lướt điện thoại và ăn khi xem TV là nguy hiểm và có thể thúc đẩy "đại dịch" béo phì ngày càng gia tăng.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những đứa trẻ được phép sử dụng các thiết bị này trong khi ăn có khả năng tăng cân cao hơn 15% so với những đứa trẻ không được phép sử dụng các thiết bị điện tử đó.

Những hình ảnh trên các thiết bị điện tử có thể làm trẻ xao lãng và chúng sẽ tiếp tục ăn mà không nhận thấy rằng mình đã no. Khi "tín hiệu báo no" trong não bị vô hiệu hóa, trẻ sẽ có xu hướng ăn nhiều hơn so với nhu cầu thực tế dẫn đến sự tăng cân mất kiểm soát, gây ra béo phì.

Các nhà khoa học đã tiến hành cuộc nghiên cứu với 735 trẻ em từ 6-10 tuổi từ các trường tiểu học ở những khu dân cư nhằm xem xét thời gian sử dụng thiết bị điện tử trong bữa tối, bữa trưa và bữa sáng ảnh hưởng như thế nào đến cân nặng của trẻ.

Các tác giả đã phỏng vấn từng đứa trẻ về thực phẩm chúng tiêu thụ trong vòng 24 giờ. Họ cũng đưa cho phụ huynh một bảng câu hỏi bao gồm các câu hỏi liên quan đến việc liệu trẻ có được phép sử dụng thiết bị điện tử trong bữa ăn hay không.

Sau khi thu thập và phân tích các số liệu có tính đến các yếu tố như điều kiện kinh tế xã hội và độ tuổi, các nhà khoa học phát hiện ra rằng những đứa trẻ được phép xem điện thoại, TV trong các bữa ăn có nguy cơ thừa cân cao hơn 15%.

Tiến sỹ Ana Duarte, tác giả chính của nghiên cứu, giải thích rằng những phát hiện này cho thấy việc xem các thiết bị điện tử có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của những đứa trẻ này như thế nào.

Cô giải thích rằng khi trẻ vừa ăn vừa xem điện thoại di động hoặc TV, chúng không nhận ra khi nào thì no hoặc khi nào thì phải ngừng ăn. Màn hình làm chúng phân tâm và chúng ăn liên tục. Điều này vừa nguy hiểm sức khỏe của trẻ vừa là yếu tố tiềm tàng gây thêm gánh nặng cho xã hội khi béo phì, thừa cân sẽ ảnh hưởng lớn đến tương lai của những đứa trẻ.

Các phát hiện cũng cho thấy những đứa trẻ xem thiết bị điện tử nhiều có khả năng tiêu thụ thực phẩm nhiều đường và chất béo cao hơn.

Tam Fry, Chủ tịch Quỹ Phát triển Trẻ em, cho biết những bữa ăn gia đình không bị xao lãng bởi các thiết bị điện tử đang trở thành ký ức xa vời, đồng thời cảnh báo ngày càng nhiều trẻ bị béo phì và mắc các bệnh lý, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, mà trước đây chỉ người lớn mới mắc phải.

Các tác giả cũng lưu ý thời gian sử dụng thiết bị điện tử tăng lên cũng có liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, huyết áp cao và giấc ngủ kém.

Kết quả của nghiên cứu đã được các nhà khoa học trình bày tại Hội nghị châu Âu về béo phì được tổ chức tại Venice, Italy trong các ngày 12,15/5.

Viện Y tế NICE của Anh khuyến nghị trẻ em cần được giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử tối đa là 2 giờ/ngày và phải có những ngày hoàn toàn không sử dụng điện thoại, TV.

Cơ quan quản lý truyền thông Ofcom dẫn một nghiên cứu cho biết thời gian thích hợp để một đứa trẻ 8 tuổi sử dụng thiết bị điện tử là 2 giờ 45 phút trực tuyến mỗi ngày. Con số này có thể tăng lên hơn 4 giờ khi các em bắt đầu học cấp 2./.

Theo tuoitre.vn

Nguồn: https://tuoitre.vn/tre-em-su-dung-dien-thoai-thong-minh-trong-bua-an-se-tang-nguy-co-beo-phi-20240522142848628.htm

Chia sẻ bài viết