Tiếng Việt | English

21/03/2018 - 12:06

Trồng rau ứng dụng công nghệ cao - nâng cao giá trị nông sản

Ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào nông nghiệp ven đô là hướng đi mới của TP.Tân An. Ngày 31/3/2017, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết số 13 về phát triển sản xuất rau ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bước đầu làm thay đổi nhận thức của nông dân.

Chất lượng nông sản tăng lên

Giữa cái nắng gay gắt của những ngày tháng 3, vợ chồng ông Nguyễn Minh Châu, ngụ ấp Ngãi Lợi B, xã Lợi Bình Nhơn, vẫn cặm cụi chăm sóc những liếp dưa leo của gia đình. Đây là nguồn thu nhập chính của ông bà gần 15 năm nay. Quệt vội những giọt mồ hôi, ông Châu hồ hởi: “Nhờ Hội Nông dân xã giới thiệu, tôi và vài thành viên Tổ hợp tác Sản xuất rau an toàn của xã thí điểm bón phân hữu cơ sinh học nên đợt tết vừa qua, khổ qua được mùa, trúng giá. So với sử dụng các loại phân bón trước đây, bón phân hữu cơ, dùng thuốc trừ sâu sinh học mang lại hiệu quả cao hơn, kéo dài thời gian thu hoạch từ 7-10 ngày. Vụ này, tôi chuyển sang trồng dưa leo và tiếp tục áp dụng những kỹ thuật được hướng dẫn, hy vọng năng suất cao hơn”.

Ông Nguyễn Minh Châu trồng rau ứng dụng công nghệ cao, bước đầu mang lại hiệu quả

Ông Nguyễn Minh Châu trồng rau ứng dụng công nghệ cao, bước đầu mang lại hiệu quả

Đó cũng là cách nghĩ của ông Đồng Tấn Phong, ngụ khu phố Quyết Thắng 2, phường Khánh Hậu. Ông là một trong những nông dân sản xuất giỏi tại địa phương. Khi Khánh Hậu quy hoạch Đề án trồng rau ƯDCNC, ông là 1 trong 5 hộ được Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh chọn làm điểm, hỗ trợ phân bón, thuốc trừ sâu sinh học để thực hiện trên 1ha. Ông Phong chia sẻ: “Lần đầu thực hiện chưa có nhiều kinh nghiệm nên năng suất và lợi nhuận tăng nhưng không đáng kể. Tuy nhiên, trồng rau theo hướng này là phù hợp vì hiện nay, người tiêu dùng quan tâm nhiều đến các sản phẩm an toàn. Vì vậy, nông dân cần thay đổi tư duy, cách làm để tăng giá trị sản phẩm cũng như tính cạnh tranh trên thị trường”.

Theo UBND thành phố, hiện nay, tổng diện tích trồng rau màu khoảng 130ha, trong đó có 4 tổ rau an toàn với diện tích khoảng 20ha, lợi nhuận bình quân 100-150 triệu đồng/ha/năm. Thị trường tiêu thụ các loại rau ăn quả chủ yếu trên địa bàn thành phố và các huyện lân cận. Yêu cầu đặt ra là thành phố phải nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp ven đô gắn với ƯDCNC, tìm ra những cây, con có giá trị kinh tế cao,...

Đầu ra nông sản còn khó

Ông Trần Văn Minh - một trong những hộ dân tiên phong sản xuất rau an toàn tại khu phố Giồng Dinh, phường Khánh Hậu, rất tâm huyết với Hợp tác xã (HTX) Rau, củ, quả Khánh Hậu. Thế nhưng, ông cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay của HTX là huy động vốn, tìm kiếm đầu mối tiêu thụ sản phẩm,... Vì vậy, nông dân chưa thật sự tin tưởng nên mạnh ai nấy làm, sản xuất manh mún, nhỏ, lẻ.

Bí thư Đảng ủy phường Khánh Hậu - Nguyễn Văn Nhường cho biết: “HTX Rau, củ, quả Khánh Hậu có 21 thành viên tham gia với diện tích 12,2ha, chuyên sản xuất các mặt hàng rau, củ, quả sạch: Cải ngọt, xà lách, khổ qua, dưa leo, đậu bún, cà chua,... Tuy nhiên, HTX mới hình thành, hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa được cấp giấy chứng nhận VietGAP, chưa liên kết được các xã viên, các sản phẩm chủ yếu bán tại chợ đầu mối phường 2,...”.

Theo ông Nhường, thời gian qua, địa phương cũng tuyên truyền, vận động, phối hợp mở lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật,... nhưng người dân vẫn chưa “mặn mà”. Vì vậy, năm nay, phường tiếp tục vận động những hộ dân trong vùng dự án sử dụng phân hữu cơ, tưới nước nhỏ giọt,... trong việc trồng rau. Đồng thời, phường sắp xếp lại chợ Khánh Hậu, bố trí các gian hàng rau sạch để quảng bá sản phẩm; liên hệ một vài điểm trường nội trú trên địa bàn bán rau, củ, quả an toàn,... nhằm tìm kiếm đầu mối tiêu thụ.

Trưởng phòng Kinh tế thành phố - Đỗ Văn Thạch cho biết, hiện tại, nông dân xã Lợi Bình Nhơn và An Vĩnh Ngãi chuyển sang trồng thanh long và dự báo, diện tích còn tăng trong thời gian tới vì cây trồng này mang lại thu nhập cao hơn trồng lúa và hoa màu. Điều này ảnh hưởng đến công tác vận động nông dân tham gia mô hình trồng rau ƯDCNC”.

Trồng rau ứng dụng công nghệ cao còn gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm

Trồng rau ứng dụng công nghệ cao còn gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm

Bí thư Thành ủy - Trần Kim Lân thông tin, trong quá trình thực hiện, thành phố được sự hỗ trợ tích cực của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ. Tuy nhiên, để hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết, năm nay, thành phố tập trung thực hiện quyết liệt. Trước mắt, thành phố giải quyết những khó khăn khi thực hiện các mô hình điểm; phối hợp các ngành liên quan thực hiện công tác xúc tiến thương mại để người dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cụ thể, liên hệ Co.opMart Tân An để cung cấp một số mặt hàng rau, củ, quả an toàn của nông dân,...

Theo Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, thành phố được giao chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020, có 65ha sản xuất rau ƯDCNC, tập trung tại các địa phương: Phường Khánh Hậu (25ha), xã An Vĩnh Ngãi (15ha), xã Lợi Bình Nhơn (25ha). Những chỉ tiêu này được đưa vào Nghị quyết số 13 của Ban Thường vụ Thành ủy. Ngoài ra, thành phố còn đặt ra các chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020: Phát triển thêm 35ha sản xuất rau tại 3 địa phương nói trên; xây dựng 2 mô hình điểm để triển khai nhân rộng; 100% diện tích sản xuất rau trong dự án sử dụng phân bón hữu cơ, hữu cơ sinh học, thuốc trừ sâu sinh học,...

Đến nay, Tân An xây dựng mô hình điểm do tỉnh hỗ trợ và tự lực thành phố thực hiện, bao gồm: Hỗ trợ phân hữu cơ sinh học và chế phẩm sinh học, đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm và tưới phân tự động;... Ngoài ra, thành phố phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - công nghệ, hỗ trợ nông dân trong liên kết sản xuất và tiêu thụ rau ƯDCNC; hỗ trợ vay vốn (600 triệu đồng) cho những hộ dân trong vùng dự án thuộc phường Khánh Hậu,... ./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết