Tiếng Việt | English

12/02/2025 - 08:57

Tự dùng thuốc trị cúm làm tăng nguy cơ kháng thuốc

Ngày 11/02, đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) lưu ý, thuốc kháng vi rút điều trị cúm là thuốc được chỉ định sau khi bác sĩ đánh giá cụ thể ca bệnh.

Cục Quản lý khám chữa bệnh nhấn mạnh: Người nhiễm và nghi nhiễm cúm không tự ý sử dụng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ. Việc tự ý sử dụng thuốc sẽ làm tăng nguy cơ kháng thuốc, gây ra những tác dụng không mong muốn. Các địa phương cần tăng cường giám sát, xử lý nghiêm nếu phát hiện nhà thuốc vi phạm quy định bán thuốc kê đơn (bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc).

Bộ Y tế khuyến cáo không tự ý mua thuốc, không tự dùng thuốc điều trị cúm vì dễ gây kháng thuốc (ẢNH: LIÊN CHÂU)

"Tại các cơ sở điều trị, người đứng đầu cơ sở có trách nhiệm bảo đảm cung ứng đủ thuốc có chất lượng phục vụ cho nhu cầu cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh", đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) thông tin.

Bác sĩ Lê Hồng Quang, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Yên Bái, cho biết cách chủ động để phòng bệnh cúm mùa và các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra là tiêm vắc xin cúm hằng năm. Vắc xin tạo ra hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của vi rút cúm, hiệu quả đến 97%. Tiêm phòng cúm không ngăn ngừa hoàn toàn mắc bệnh, nhưng làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh. Những người được tiêm phòng cúm ít có khả năng phải nhập viện hơn khoảng 40 - 70% vì bệnh cúm hoặc các biến chứng có liên quan.

Bên cạnh việc tiêm vắc xin phòng bệnh cúm, bác sĩ Lê Hồng Quang lưu ý cần thực hiện các biện pháp sau để phòng chống bệnh cúm mùa một cách có hiệu quả:

Giữ ấm cho cơ thể, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay sạch sẽ trước và sau khi ăn, vệ sinh mũi và họng bằng nước muối sinh lý hằng ngày.

Đảm bảo vệ sinh đường hô hấp đúng cách: che miệng và mũi bằng khăn giấy dùng một lần khi ho hoặc hắt hơi, sau đó cuộn khăn giấy lại, vứt vào thùng rác có nắp đậy rồi rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Đeo khẩu trang ở những nơi công cộng như cửa hàng, siêu thị…, khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng cũng như ở môi trường ngoài trời đông đúc. Tránh đến những nơi có người bị mắc bệnh cúm mùa, tránh tiếp xúc với những người có dấu hiệu bệnh về hô hấp. Khi ra đường về thì rửa tay sạch trước khi chạm vào mắt, mũi, miệng. Ngoài ra, cần chú ý thường xuyên làm sạch nhà cửa bằng các chất tẩy rửa thông thường.

"Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. Người dân không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của bác sĩ, vì dùng thuốc này cần theo đơn của bác sĩ", bác sĩ Quang khuyến cáo./.

Vi rút cúm có thể tồn tại hàng giờ ở môi trường bên ngoài, đặc biệt khi thời tiết lạnh và ẩm thấp. Ở nhiệt độ 0 - 4 độ C, vi rút sống được vài tuần, ở âm 20 độ C sống được hàng năm. Vi rút cúm có sức đề kháng yếu, dễ bị bất hoạt bởi bức xạ mặt trời, tia tử ngoại, dễ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56 độ C và các chất khử khuẩn thông thường. Do đó, rửa tay sạch với xà phòng, vệ sinh bề mặt, giữ môi trường sống, nhà cửa thông thoáng, nhiều ánh nắng giúp giảm nguy cơ lây nhiễm vi rút cúm.

(Nguồn: Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế)

Theo Báo Thanh Niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/tu-dung-thuoc-tri-cum-lam-tang-nguy-co-khang-thuoc-185250211180652276.htm

Chia sẻ bài viết