Tiếng Việt | English

04/04/2025 - 14:22

Từ Giỗ Tổ nghĩ đến trách nhiệm

Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm là dịp nhắc nhớ về cội nguồn, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống và qua đó, cộng đồng thêm gắn bó, đoàn kết cùng nhau viết tiếp truyền thống dựng xây quê hương, đất nước.

“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba” - câu ca dao ngàn đời nay như lời nhắc nhớ mỗi người dù đi đâu, ở đâu cũng nhớ về nguồn cội, nhớ lịch sử hào hùng của dân tộc và tỏ lòng thành kính tri ân các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, giữ nước.

Nhớ cội nguồn, tri ân tiên tổ, chúng ta - những người kế thừa truyền thống lịch sử phải nghĩ đến trách nhiệm hôm nay. Đó là trách nhiệm tiếp tục xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống, tiếp tục đổi mới, sáng tạo để bắt kịp với những thay đổi nhanh chóng của thế giới.

Tiếp bước công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, mỗi chúng ta phải nêu cao ý thức trách nhiệm của mình, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang diễn ra, mỗi người hơn bao giờ hết phải vì lợi ích chung, đồng thuận để đưa đất nước vươn tầm, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Nhìn thẳng vào thực tế, suốt thời gian dài, bộ máy nhà nước ta từ Trung ương đến địa phương khá cồng kềnh. Nhiều chuyên gia đã phân tích ngân sách nhà nước dành khoảng 70% để chi cho bộ máy nhà nước? Khi nghiên cứu về vấn đề này, nhiều chuyên gia tính toán việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị mà các cấp, các ngành đang khẩn trương thực hiện sẽ giúp tiết kiệm khoảng 262.500 tỉ đồng mỗi năm, chiếm khoảng 3,8% GDP. Vì thế, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy nhà nước, sắp xếp lại đơn vị hành chính đang được thực hiện bằng quyết tâm đưa đất nước phát triển.

Trong quá trình thực hiện, nhiều cán bộ các cấp, các ngành tình nguyện viết đơn về hưu trước tuổi để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình sắp xếp bộ máy. Họ không phải là những người bị loại khỏi bộ máy công quyền mà là những người dám mạnh dạn hy sinh lợi ích cá nhân vì sự phát triển chung. Đó là cách thể hiện trách nhiệm với quê hương, đất nước.

Trách nhiệm với quê hương, mỗi người còn cần ra sức học tập, rèn luyện, nâng cao kiến thức, kỹ năng và tư duy sáng tạo để đáp ứng yêu cầu của công việc, của xã hội, góp phần cùng tập thể đơn vị, địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ, đưa KT-XH ngày càng đi lên. Ở Long An, năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 8,3%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung cả nước. Các chỉ số về cải cách hành chính (PAR Index) tăng hạng;...

Đặc biệt, Long An được bình chọn tốp 10 địa phương hấp dẫn doanh nghiệp lớn năm 2024 do Tạp chí Vietnam Report công bố. Về lĩnh vực xã hội, Long An là địa phương đầu tiên trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long miễn, giảm học phí cho cấp học mầm non và THCS, huy động hàng ngàn tỉ đồng chăm lo an sinh xã hội cho nhân dân. Những kết quả ấy khẳng định tinh thần đoàn kết, cùng nhau vượt khó khăn trên hành trình tiếp nối truyền thống, dựng xây quê hương.

Cùng với phát triển KT-XH, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, trách nhiệm của thế hệ hôm nay còn là bảo vệ và giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống như lễ hội, âm nhạc và nghệ thuật,... Từ xưa đến nay, hàng năm, Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức với nghi lễ trang trọng, cả phần lễ và phần hội đều mang đậm chất dân gian truyền thống.

Cùng với nghi lễ thờ cúng, hàng loạt các hoạt động văn hóa dân gian như rước kiệu truyền thống, tổ chức hát xoan, đánh trống đồng, cồng chiêng, thi gói và nấu bánh chưng - bánh dầy,… vẫn được lưu giữ. Đó là giữ hồn cốt dân tộc, tinh hoa văn hóa. Trong thời buổi hội nhập, những giá trị ấy càng phải được phát huy, lan tỏa như những “sức mạnh mềm” để tuyên truyền, giáo dục về cội nguồn, tình yêu quê hương, đất nước. Bản sắc dân tộc được gìn giữ, hình ảnh quê hương, đất nước lan tỏa đến bạn bè quốc tế càng nhân đôi niềm tự hào của mỗi người con Lạc, cháu Hồng.

Thế hệ hôm nay có những lợi thế trong dòng chảy công nghệ, vì thế hãy nắm bắt, ứng dụng vào việc quảng bá văn hóa quê hương. Hoặc bằng thế mạnh riêng, mỗi cá nhân có thể thể hiện tình yêu quê hương theo cách riêng của mình. Như MV Bắc Bling gây “sốt” vừa qua chẳng hạn. Ca sĩ Hòa Minzy đã đưa quan họ Bắc Ninh, các lễ hội truyền thống, nhạc cụ dân tộc vào MV như một cách quảng bá bản sắc văn hóa. Đó là cách tiếp nối truyền thống, tự hào quê hương qua âm nhạc.

Giỗ Tổ Hùng Vương là nét đẹp văn hóa kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Nhớ về công ơn của các vua Hùng không chỉ là một hành động tôn kính mà còn nhắc nhở về cội nguồn, trách nhiệm của chúng ta hôm nay. Từ “Giỗ Tổ” hãy nghĩ đến trách nhiệm của mình như xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ và giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống,.../.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết