Tiếng Việt | English

13/07/2020 - 16:34

Từ năm 2014 - 2019, cả nước hòa giải thành 707.945 vụ, việc

Ngày 13/7, Ban Dân vận Trung ương phối hợp Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao và Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến “Công tác dân vận trong hoạt động hòa giải”. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương - Trương Thị Mai chủ trì hội nghị.

Hội nghị trực tuyến “Công tác dân vận trong hoạt động hòa giải”

Tại điểm cầu tỉnh Long An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Được; Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch UB.MTTQVN tỉnh - Trương Văn Nọ; Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy - Nguyễn Thị Ngọc Hạnh cùng các đại biểu là lãnh đạo các sở, ban, ngành dự.

Trong 6 năm (từ 2014 đến 2019) tổ hòa giải ở cơ sở trên cả nước đã tiến hành hòa giải 875.312 vụ, việc. Trong đó, hòa giải thành 707.945 vụ, việc (đạt 80,9%); hòa giải không thành 167.367 vụ, việc.

Tại tỉnh Long An, công tác hòa giải cơ sở luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tư pháp, UBND tỉnh; sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ của UBMTTQVN, các cơ quan liên quan trong việc hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về hòa giải cơ sở. Từ đó, công tác hòa giải cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực và dần đi vào nề nếp; tỷ lệ hòa giải thành, trung bình hàng năm đều tăng. 

Tuy nhiên, hòa giải cơ sở còn những khó khăn: Một số hòa giải viên còn yếu, thiếu kiến thức, kinh nghiệm về kỹ năng hòa giải; việc cung cấp kinh phí, tài liệu, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho hòa giải viên ở một vài địa phương chưa thường xuyên, kịp thời; từ khi thực hiện Luật Hòa giải cơ sở năm 2013 đến nay, Long An chưa có vụ việc nào yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở,…

Nguyên UV.BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Trần Thị Nhanh chia sẻ “Kinh nghiệm dân vận của hòa giải viên trong hoạt động hòa giải, đối thoại các vụ, việc tại Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án”

Tại hội nghị, nguyên UV.BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Thị Nhanh chia sẻ “Kinh nghiệm dân vận của hòa giải viên trong hoạt động hòa giải, đối thoại các vụ, việc tại Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án”. Bà cho biết, khi tiến hành hòa giải, đối thoại một quan hệ khiếu kiện thì ngoài kỹ năng chuyên môn, am hiểu pháp luật, có kinh nghiệm, uy tín trong xã hội, nếu người hòa giải có tố chất dân vận và kỹ năng dân vận khéo thì các cuộc hòa giải có tỷ lệ thành công cao hơn.

Ngoài ra, bà cũng đề ra một số ý kiến: Cần đưa công tác dân vận vào hoạt động tư pháp từ khâu hòa giải, đối thoại tại Trung tâm đến hoạt động hòa giải, xét xử của thẩm phán và có giải pháp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng dân vận khéo cho cán bộ tư pháp; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án cho mọi giới, mọi ngành và nhân dân hiểu biết và thực hiện;…

Kết thúc hội nghị, Ban Dân vận Trung ương đề nghị các cấp ủy tiếp tục phát huy vai trò của công tác dân vận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở. Ban Dân vận các cấp huy động nguồn lực hướng dẫn hòa giải viên về kỹ năng dân vận khéo trong quá trình hòa giải, đẩy mạnh lồng ghép việc thực hiện công tác hòa giải với các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận phát động và kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở./.

Hà Lan

Chia sẻ bài viết