Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo 61 cấp tỉnh - Nguyễn Văn Được, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam - phụ trách Văn phòng đại diện Hội Nông dân tại phía Nam - Phạm Minh Hùng, chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Được đánh giá cao kết quả đạt được của Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Công tác tuyên truyền thực hiện chương trình góp phần chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, công chức, người dân; nhiều mô hình cho hiệu quả cao đã tạo sức lan tỏa và ủng hộ người dân; nhiều hộ dân sau khi tham gia học tập đã tự đầu tư xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu gieo cấy, bón phân, phun thuốc, thu hoạch, sử dụng phân hữu cơ thay thế dần phân hóa học; công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và giám sát đảm bảo an toàn được tăng cường, xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; nhiều hợp đồng cung ứng sản phẩm sạch cho các nhà phân phối trong và ngoài tỉnh được thực hiện các phần tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Được đánh giá cao kết quả đạt được của Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Thực hiện Nghị quyết 08 -NQ/TU của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Long An tập trung tuyên truyền, vận động hội viên - nông dân thực hiện kế hoạch triển khai đề án giai đoạn 2017-2020. Thời gian qua, Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Long An triển khai thực hiện 4 mô hình điểm sử dụng nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân với số tiền trên 2,5 tỉ đồng: Trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc; trồng lúa ứng dụng công nghệ cao tại xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa; trồng thanh long ứng dụng công nghệ cao tại xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành; nuôi bò thịt sinh sản ứng dụng công nghệ cao tại xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Long An – Ngô Thanh Tuyền cho biết: Thông qua hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhiều loại hình tổ, nhóm nông dân liên kết, hợp tác được hình thành, phát triển, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế hợp tác, tổ hợp tác, hợp tác xã trong nông thôn. Hàng năm, hội luân phiên hỗ trợ trên 1.500 hộ là hội viên nông dân có vốn sản xuất và xây dựng trên 80 mô hình kinh tế có hiệu quả, góp phần hình thành các Tổ Hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã. Thông qua các mô hình, tạo điều kiện cho các hộ nông dân chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trong sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn.
Nông dân tận dụng Quỹ hỗ trợ nông dân đầu tư sản xuất ứng dụng khoa học kỹ thuật
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc - Đặng Trung Hậu, năm 2017, được sự quan tâm của Hội Nông dân cấp trên, Tổ hợp tác Trồng rau ứng dụng công nghệ cao xã được hỗ trợ thực hiện dự án từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương, giải ngân cho 10 hộ nông dân vay với số tiền 500 triệu đồng, diện tích 3,5 ha, thời gian vay 36 tháng. Sau khi tiếp nhận nguồn vốn, Hội Nông dân xã phối hợp Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh mở lớp dạy nghề, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để áp dụng triệt để các ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến như: Xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới tự động tiết kiệm, màng phủ nông nghiệp, phân hữu cơ,...
Đồng thời, tiến hành xúc tiến thương mại để đảm bảo đầu ra cũng như giá bán nông sản cho các hộ nông dân. Từ nguồn vốn hỗ trợ, các thành viên đã tập trung sản xuất, thu nhập bình quân mỗi hộ tăng từ 25 - 30 triệu đồng/năm lên tới 40 - 45 triệu đồng/năm.
Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam - phụ trách Văn phòng đại diện Hội Nông dân tại phía Nam - Phạm Minh Hùng cho rằng: Tỉnh ủy, UBND tỉnh Long An xem xét tiếp tục phân bổ thêm nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân trong năm 2020 để Hội Nông dân tỉnh triển khai thực hiện các mô hình theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TU. Trên nền tảng đạt được, Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Long An cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa để đảm bảo cho sản phẩm sản xuất theo chuẩn công nghệ cao có đầu ra ổn định (nhất là trong vùng dự án); xây dựng mô hình gắn liền từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm…/.
Huỳnh Phong