Tiếng Việt | English

25/06/2016 - 14:31

Tuân thủ lịch thời vụ để có vụ mùa bội thu

Đến nay, toàn tỉnh Long An, diện tích lúa Hè Thu (HT) 2016 gieo sạ ước 205.138ha, đạt 92,2% kế hoạch, bằng 97% so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích thu hoạch 45.579ha, năng suất ước 55 tạ/ha, sản lượng 250.566 tấn.

Tập trung xuống giống đợt 3

Hiện nay, lúa HT được nông dân gieo sạ chủ yếu ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) với diện tích 181.579ha và các huyện phía Nam 23.559ha. Bên cạnh đó, nhiều nông dân đang tập trung làm đất gieo sạ HT 2016 theo lịch thời vụ đợt 3.

Nông dân tập trung gieo sạ vụ Hè Thu 2016 theo lịch thời vụ

Nông dân Võ Văn Phá, ngụ ấp 4, xã Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ cho biết: “Vụ HT năm nay, nông dân gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết phức tạp. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành chức năng, nông dân chủ động trong việc gieo sạ, không gây ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của cây lúa”.

Cũng như ông Phá, ông Đặng Văn Hoàng, ngụ ấp 1, xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa nói: “Ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân nên tiến hành vệ sinh đồng ruộng, xử lý rơm rạ sớm, tạo nền đất tốt cho việc sản xuất lúa HT; nắm chặt diễn biến thời tiết và thường xuyên thăm ruộng để chủ động phòng, chống các loại sâu, bệnh. Tôi cũng làm đất và chuẩn bị gieo sạ 2ha theo lịch thời vụ đợt 3 để bảo đảm sự tập trung, đồng loạt và né rầy”.

Chủ tịch UBND xã Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ - Phạm Quốc Tú cho biết: “Vụ HT năm nay, toàn xã có khoảng 3.167ha đất trồng lúa. Trong đó, diện tích lúa gieo theo lịch thời vụ đợt 1, 2 khoảng 90%. Trong tuần qua, người dân trên địa bàn tập trung làm đất, vệ sinh đồng ruộng để gieo sạ theo lịch thời vụ đợt 3”.

Cần đề phòng sâu, bệnh

Hiện nay, tình hình sâu, bệnh diễn ra khá phức tạp, diện tích nhiễm rầy nâu 465ha, mật độ phổ biến 750-1.500 con/m2, giảm 2.650ha so với tuần trước, tập trung trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ ở các huyện: Đức Huệ, Tân Hưng và Vĩnh Hưng. Rầy nâu đa số tuổi 5 - trưởng thành; bệnh đạo ôn lá diện tích nhiễm 9.970ha, tỷ lệ bệnh phổ biến 5-10%, tăng 3.507ha so với tuần trước, tập trung trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng ở các huyện vùng ĐTM, huyện Châu Thành và TP.Tân An; sâu cuốn lá diện tích nhiễm 1.888ha, mật độ 5-10 con/m2, giảm 2.074ha so với tuần trước, chủ yếu xuất hiện trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ ở các huyện vùng ĐTM; sâu đa số tuổi 3-4.

Ngoài ra, còn có ốc bươu vàng (1.050ha), chuột (367ha), bệnh lem lép hạt (688ha), cháy bìa lá (330ha), rầy cánh trắng (320ha), sâu đục thân (263ha), nhện gié (190ha), khô vằn (140ha), xuất hiện rải rác trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng - trổ chín.

Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo tình hình sâu bệnh trong thời gian tới để nông dân phòng bệnh kịp thời, hợp lý và hiệu quả: Rầy nâu trưởng thành, bệnh đạo ôn lá gia tăng trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Ốc bươu vàng xuất hiện trên lúa mạ ở các huyện phía Nam với mật độ cao ở những chân ruộng trũng.Sâu năn, sâu đục thân, chuột xuất hiện rải rác trên lúa đẻ nhánh - đòng; lem lép hạt, khô vằn, cháy bìa lá gây hại rải rác trên trà lúa HT sớm giai đoạn đòng - trổ ở các huyện ĐTM.

Tiếp tục chăm sóc lúa HT

Không như các vụ lúa khác, vụ HT 2016 dự đoán sẽ gặp nhiều khó khăn do tình hình thời tiết diễn biến hết sức phức tạp. Do đó, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra lịch xuống giống chung của cả tỉnh, chia ra làm 3 đợt. Nông dân đang tập trung gieo sạ và kết thúc lịch thời vụ đợt 3 (từ ngày 13 đến ngày 23-6-2016).

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng cho biết: “Đây là lịch xuống giống chung với mục đích né rầy; tuy nhiên, các địa phương cần cụ thể hóa phù hợp với từng khu vực. Vụ lúa HT 2016, nhiều diện tích không bảo đảm thời gian cách ly giữa vụ, khiến lúa có nguy cơ ảnh hưởng dịch bệnh. Khi xuống giống, nông dân cần tuân thủ nguyên tắc chung là gieo sạ tập trung, đồng loạt trên từng khu vực, từng cánh đồng, không để cùng một cánh đồng có nhiều trà lúa. Việc xây dựng cơ cấu giống lúa cần bảo đảm theo hướng cân đối, an toàn dịch bệnh và phù hợp với điều kiện mùa vụ.

Chăm sóc lúa tốt để có vụ mùa bội thu. Ảnh: Kim Khánh

Bên cạnh đó, nông dân nên chọn các giống lúa chủ lực, kháng sâu bệnh, cho năng suất cao, chất lượng tốt; thăm đồng thường xuyên, đề phòng sâu bệnh; theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng, thủy văn, diễn biến sâu bệnh, chủ động phòng trừ dịch bệnh, bảo vệ sản xuất, hạn chế thiệt hại xảy ra.

Ngoài ra, để hạn chế thiệt hại do các đối tượng sâu bệnh gây ra, nông dân cần tập trung chăm sóc, bón phân cân đối cho cây lúa theo đúng quy trình kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, ứng dụng khoa học-kỹ thuật trong sản xuất nhằm giảm giá thành và bảo vệ môi trường”./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết