Tiếng Việt | English

12/05/2020 - 15:55

Từng bước cải thiện chỉ số PAPI

Theo kết quả xếp hạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2019 vừa được công bố, Long An đạt 41,70/80 điểm, thuộc nhóm thứ 4 đạt điểm thấp nhất. Vì vậy, tỉnh cần quyết liệt hơn nữa trong thực hiện cải cách hành chính, phát huy sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng, thực thi, giám sát việc thực thi chính sách,...

Tiếp tục đổi mới hoạt động tại trung tâm hành chính công cấp huyện
Tiếp tục đổi mới hoạt động tại trung tâm hành chính công cấp huyện

Còn gặp khó

PAPI là chương trình nghiên cứu quan trọng về quản trị do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam khởi xướng từ năm 2009. Chỉ số PAPI đo lường, so sánh trải nghiệm và cảm nhận của người dân về hiệu quả và chất lượng thực thi chính sách và cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương ở 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam nhằm thúc đẩy xây dựng quản trị hiệu quả và chủ động đáp ứng nhu cầu của người dân.

Gần 1 thập kỷ qua, hơn 131.500 người dân được lựa chọn ngẫu nhiên trên phạm vi toàn quốc tham gia đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công (HCC) từ trải nghiệm tương tác trực tiếp với chính quyền các cấp. Báo cáo PAPI 2019 cũng nêu bật những tiến bộ rất đáng khích lệ trong quản trị điều hành và HCC nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và góc nhìn sâu sắc về các lĩnh vực cải cách của gần 1 thập kỷ. Đây là những thông tin hữu ích đối với các nhà hoạch định chính sách trong năm 2020 - năm bản lề đóng góp cho giai đoạn phát triển mới của Việt Nam.

PAPI hiện có 8 chỉ số nội dung, bao gồm sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục HCC; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường và quản trị điện tử.

Năm 2019, cả nước ghi nhận cải thiện lớn nhất ở lĩnh vực kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và nâng cao công khai, minh bạch trong ra quyết định. Kết quả này phù hợp với những nỗ lực cải cách thu hút sự quan tâm lớn của công luận với mũi nhọn là chiến dịch phòng, chống tham nhũng liên quan đến một số lãnh đạo chủ chốt. Tuy nhiên, báo cáo PAPI nêu, điểm số của lĩnh vực thủ tục HCC gần như không thay đổi và thậm chí đi xuống một chút trong năm 2019 dù khu vực doanh nghiệp đánh giá có sự cải thiện và nỗ lực đẩy mạnh quản trị điện tử những năm gần đây nhằm đơn giản hóa thủ tục cho người dân. Vì vậy, cần tăng cường hơn nữa những nỗ lực này để khuyến khích người dân truy cập và hưởng lợi từ việc chuyển sang sử dụng các dịch vụ công trực tuyến như đối với khu vực doanh nghiệp. 

Trong tổng hợp kết quả PAPI năm 2019, căn cứ vào bảng xếp hạng của cả nước, chỉ số PAPI hàng năm của tỉnh chưa thật sự ổn định, thiếu tính bền vững trong từng chỉ số thành phần. Năm 2019, với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương và sự ủng hộ của nhân dân, tuy nhiên PAPI của tỉnh không đạt như kỳ vọng mà tỉnh đặt ra. Nếu như năm 2018, chỉ số PAPI của tỉnh đạt 43,58/80 điểm, năm 2019, chỉ số PAPI của tỉnh chỉ đạt 41,70/80 điểm. Cũng theo báo cáo PAPI của cả nước, qua khảo sát của nhóm nghiên cứu PAPI, trong chỉ số nội dung 7 về quản trị môi trường, người dân Long An cho rằng chất lượng nguồn nước sinh hoạt kém hơn so với năm 2018. 

Chị Lê Thị Ngọc Ánh, ngụ xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng, chia sẻ: “Những năm gần đây, chính quyền các cấp có nhiều thay đổi trong phương thức tiếp cận với nhân dân. Tuy nhiên, là người dân xã biên giới, điều kiện sinh hoạt còn khó khăn nên chúng tôi chưa tiếp cận được một số thông tin, một số thủ tục hành chính trong giải quyết hồ sơ còn chậm, việc tra cứu hồ sơ qua mạng thật sự người dân ở đây cũng chưa nắm bắt được nhiều”.  

"Việc công bố chỉ số PAPI giúp các địa phương nhìn rõ hơn những mặt hạn chế, tồn tại, từ đó đưa ra những giải pháp nhằm xây dựng nền hành chính phục vụ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chúng tôi thiết nghĩ, thủ trưởng các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND các địa phương phải thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh về nâng cao chỉ số PAPI của tỉnh; nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng và xử lý vi phạm,...”.

Nhóm nghiên cứu PAPI Việt Nam

Công khai, niêm yết các thủ tục hành chính hướng đến sự hài lòng của người dân

Công khai, niêm yết các thủ tục hành chính hướng đến sự hài lòng của người dân

Quyết liệt vào cuộc

Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam - bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh tại lễ công bố trực tuyến: “Báo cáo PAPI 2019 nêu bật giá trị trong việc đánh giá các cải cách về quản trị và HCC của 1 thập kỷ và so sánh hiệu quả quản trị đối với các mục tiêu quốc gia và phát triển bền vững, trong đó ghi nhận cải thiện ở hầu hết lĩnh vực quản trị. Quan trọng hơn, các kết quả mang tính đại diện quốc gia về những vấn đề người dân quan ngại nhất bao gồm nghèo đói và mất việc làm, đánh giá của người dân về những ưu tiên cải cách gần đây trong kiểm soát tham nhũng và quản trị điện tử cung cấp góc nhìn hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách khi Việt Nam bước sang giai đoạn hồi phục sau dịch Covid-19”.

Đạt kết quả này, thời gian qua, các tỉnh, thành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là các cơ chế, chính sách của hệ thống chính trị được công khai, minh bạch để dân biết, dân bàn và quyết định.

Thực tế hiện nay, tỷ lệ người dân tiếp cận Internet có đến hơn 60% nhưng chỉ có trung bình hơn 10% người dân thực hiện các thủ tục hành chính qua mạng. Đây là một trong những khó khăn trong thực hiện cải thiện PAPI. Chính phủ điện tử hiện nay vẫn chưa thực sự sát với khả năng sử dụng của người dân ở nhiều trình độ khác nhau và dịch vụ điện tử chưa thực sự phục vụ dân. Một số thủ tục như những dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn nhiều thủ tục đòi hỏi người dân phải tiếp xúc trực tiếp cán bộ, công chức”.

Chuyên gia PAPI - Đỗ Thanh Huyền

Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc - Nguyễn Tấn Phục cho biết, các thủ tục hành chính trên địa bàn xã được niêm yết để người dân được biết. Tất cả vấn đề chung, liên quan đến lợi ích của người dân đều được công khai, minh bạch, nhất là các công trình “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhờ vậy, suốt thời gian qua, Mỹ Lộc nhận được sự đồng lòng, hưởng ứng tích cực của người dân trong các phong trào do địa phương phát động. 

Theo UBND tỉnh, thời gian qua, tỉnh gặp khó khăn do thủ tục hành chính thường xuyên thay đổi nhưng việc cập nhật, công bố có nơi còn chậm; mẫu đơn, mẫu tờ khai còn phức tạp, chồng chéo, nhất là trên lĩnh vực đất đai, nên người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận và thực hiện.

Năm 2020, các sở, ban, ngành tỉnh, chính quyền địa phương các cấp cần tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với phát huy quyền làm chủ của người dân bằng các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động trung tâm HCC, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giải quyết thủ tục hành chính, mặt khác, cán bộ, công chức, viên chức được đặt mình trong sự giám sát của người dân, hướng đến xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ. 

PAPI đánh giá bằng sự cảm nhận, trải nghiệm của công chúng. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhất là để tăng điểm các chỉ số thành phần PAPI, tỉnh cần tăng cường công tác cải cách hành chính, tập trung vào các nội dung: Tham gia của người dân tại cấp cơ sở; công khai, minh bạch trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng khu vực công; thủ tục HCC; cung ứng dịch vụ công; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về Hiến pháp, pháp luật; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là công khai, minh bạch, lấy ý kiến của nhân dân về các chủ trương, nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cần tăng cường hoạt động tiếp xúc, đối thoại với nhân dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và có phương thức chia sẻ thông tin phù hợp với đặc điểm của từng nhóm dân cư.

Tôi nghĩ, để nâng chỉ số PAPI, chính quyền các cấp cần đổi mới công tác vận động người dân tham gia đóng góp ý kiến đối với các sách lược phát triển KT-XH, đặc biệt là tham gia vào quá trình cải thiện hạ tầng. Đối với cấp xã, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo và bảng kê thu, chi ngân sách cấp xã tại bảng tin ở trụ sở UBND cấp xã và thực hiện niêm yết tại nhà văn hóa ấp, khu phố, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc qua hệ thống loa phát thanh để người dân dễ tiếp cận. Các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động gặp gỡ, tiếp xúc người dân thông qua các cuộc họp tổ, khu phố; tạo điều kiện để người dân tiếp cận, trao đổi và giải đáp kịp thời, hiệu quả những khó khăn, vướng mắc trong các hoạt động, đời sống xã hội”./.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức)

Song Nhi

Chia sẻ bài viết