Tiếng Việt | English

04/12/2024 - 13:09

Ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau và nuôi tôm

Mô hình Trồng rau màu và nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) được mở rộng giúp nông dân huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An có lợi nhuận bền vững; đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường.

Nông dân huyện Cần Giuộc trồng rau ứng dụng công nghệ cao (Trong ảnh: Các đơn vị tham quan, tìm hiểu về mô hình Trồng rau công nghệ cao trên địa bàn huyện)

Có khoảng 20 năm trồng rau màu nhưng cách nay chừng 6 năm, ông Huỳnh Kim Công (ấp Thuận Tây 1, xã Thuận Thành) mới mạnh dạn đầu tư hơn 130 triệu đồng làm nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động để trồng rau theo hướng CNC.

Ông Công chia sẻ, rau trồng trong nhà lưới hạn chế bị ảnh hưởng bởi thời tiết  nên năng suất, giá thành không những cao mà còn được người dân tin dùng. Tuy số tiền đầu tư ban đầu để xây dựng nhà lưới tương đối lớn nhưng chỉ sau thời gian ngắn áp dụng, mô hình mang lại hiệu quả cao hơn so với cách trồng rau truyền thống.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc, toàn huyện có diện tích rau gieo trồng luân phiên dao động từ 1.400-1.700ha, tập trung tại các xã vùng thượng. Cơ cấu gồm các giống rau ăn lá, rau ăn trái và rau gia vị với 34 loại. Hiện trên địa bàn huyện có 3.988 hộ dân trồng rau, trong đó có 3.685 hộ trồng rau ƯDCNC với diện tích 1.340ha. Năng suất bình quân từ 20-22 tấn/ha/vụ, sản lượng bình quân khoảng 138.800 tấn/năm.

Tại các xã vùng hạ của huyện, người dân chủ yếu nuôi tôm nước lợ với lũy kế diện tích nuôi các vụ hàng năm khoảng 2.000ha; hiện có 537,2ha nuôi tôm ƯDCNC. Các sản phẩm rau và tôm chủ yếu tiêu thụ trong địa bàn huyện và TP.HCM.

Nông dân huyện Cần Giuộc nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao

ƯDCNC trong sản xuất nông nghiệp bước đầu tạo chuyển biến trong nhận thức của nông dân, làm thay đổi tập quán canh tác, nâng cao ý thức sử dụng phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học, sử dụng nhà màng, nhà lưới. Sản phẩm làm ra có chất lượng hơn, được thị trường chấp nhận, nhất là phân khúc thị trường có giá trị tăng thêm lớn.

Việc ứng dụng các công nghệ, giải pháp kỹ thuật cao vào sản xuất vừa giảm công lao động, giảm chi phí, vừa nâng cao chất lượng nông sản, gia tăng giá trị sản xuất trên cùng diện tích canh tác, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất truyền thống./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết