Tiếng Việt | English

24/11/2024 - 16:31

Huyện Cần Giuộc có gần 1.340ha rau ứng dụng công nghệ cao  

Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) trong trồng rau và nuôi tôm nước lợ gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là 1 trong 2 chương trình đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Qua 4 năm thực hiện, chương trình đạt những kết quả nhất định.

Toàn huyện có gần 1.340ha rau ứng dụng công nghệ cao, đạt 102,9% chỉ tiêu nghị quyết

Tính đến nay, toàn huyện có gần 1.340ha rau ứng dụng công nghệ cao, đạt 102,9% chỉ tiêu nghị quyết; 537,2ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, đạt 89,54% chỉ tiêu nghị quyết.

Huyện có 35 hợp tác xã và 107 tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất. Các hợp tác xã, tổ hợp tác được tập huấn kỹ thuật, quy trình sản xuất, hướng dẫn đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử với 34 sản phẩm. Toàn huyện có 30 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Huyện còn phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ làm việc với Trường Đại học Cần Thơ thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học trên cây rau “Lọc thuần giống cây cải xanh, cải ngọt và hoàn thiện quy trình canh tác các giống rau chủ lực trên địa bàn huyện Cần Giuộc”. Song song đó huyện còn xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Rau Cần Giuộc”.

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Phước Hùng, Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC trong trồng rau và nuôi tôm nước lợ gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp thời gian qua đã làm chuyển biến nhận thức của người dân, thay đổi tập quán canh tác theo truyền thống trước đây.

Toàn huyện có 537,2ha tôm ứng dụng công nghệ cao

Người dân có ý thức trong việc sử dụng phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học, sử dụng nhà màng, nhà lưới. Sản phẩm làm ra có chất lượng hơn, được thị trường chấp nhận, nhất là phân khúc thị trường có giá trị tăng thêm lớn.

Huyện đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ vốn vay ưu đãi, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp có chất lượng, an toàn và hiệu quả cao áp dụng quy trình VietGAP,…

Các công trình giao thông, thủy lợi được quan tâm đầu tư để phục vụ tưới tiêu, bảo vệ sản xuất, tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Đoàn giám sát của HĐND huyện cũng vừa có cuộc giám sát UBND huyện về Chương trình phát triển nông nghiệp ƯDCNC trong trồng rau và nuôi tôm nước lợ gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2020 - 2025.

Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp theo quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp; đồng thời thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất hiệu quả, tiếp tục hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.

Ngoài ra, huyện xây dựng mô hình điểm chất lượng, xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động hiệu quả; từng bước đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, kết nối thương mại điện tử và quảng bá thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng của huyện; quan tâm phát triển nông nghiệp ven đô, phát triển du lịch nông nghiệp./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết