Tiếng Việt | English

27/02/2023 - 11:18

Cần Giuộc hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao

Việc thí điểm chuyển giao công nghệ cao, nhất là ứng dụng các thiết bị công nghệ thông minh vào sản xuất nông nghiệp ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An đang giúp nhiều nông dân, hợp tác xã mở rộng quy mô sản xuất, mang lại thu nhập cao.

1. Đại hội Đảng bộ huyện Cần Giuộc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, xác định Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) trong trồng rau và nuôi tôm nước lợ gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là 1 trong 2 chương trình đột phá. Để cụ thể hóa, Huyện ủy ban hành Nghị quyết (NQ) số 11-NQ/HU, ngày 02/11/2020 để thực hiện. Qua hơn 2 năm triển khai, chương trình đạt những kết quả nhất định.

Diện tích gieo trồng rau luân phiên từ 1.400-1.750ha, tập trung tại các xã vùng thượng. Tổng sản lượng rau trung bình hàng năm khoảng 140.000 tấn. Ông Nguyễn Ngọc Hoàng (xã Phước Hậu) trồng rau được gần 15 năm. Ông Hoàng thông tin, ban đầu, cũng như những hộ nông dân khác tại đây, gia đình ông trồng theo cách truyền thống. Sau này, ông tham gia lớp học trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện ông trồng cải trong nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới tự động nên ít sâu, bệnh, giảm số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm công lao động. Năng suất, chất lượng rau được nâng lên. Kinh tế gia đình ông ngày càng phát triển hơn.

Hợp tác xã Nông nghiệp Thương mại Dịch vụ Phước Hậu đầu tư xây dựng nhà màng sản xuất rau thủy canh

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thương mại Dịch vụ Phước Hậu vừa khai trương Farm rau sạch thủy canh. HTX được thành lập với 9 thành viên chính thức và 40 thành viên liên kết, diện tích 30ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX đã đầu tư xây dựng 1.500m2 nhà màng sản xuất rau thủy canh và xây dựng nhà sơ chế với kinh phí 2 tỉ đồng. Hiện HTX liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa đối với cây rau và ký kết đầu ra với các công ty tại TP.HCM. Trung bình mỗi tháng, HTX cung cấp cho thị trường khoảng 6 tấn rau sạch. Thời gian tới, HTX sẽ mở rộng quy mô nhà màng tại thị trấn Cần Giuộc và xã Thuận Thành (huyện Cần Giuộc).

Đến nay, toàn huyện có 33 HTX, 102 tổ hợp tác, 8 trang trại chăn nuôi gia cầm và nuôi tôm. Trong đó, có 10 HTX và 1 tổ hợp tác rau được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 1 tổ hợp tác đạt chứng nhận hữu cơ, 5 HTX đạt chuỗi giá trị an toàn thực phẩm.

Nông dân huyện Cần Giuộc ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm nước lợ

Được sự hỗ trợ của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, anh Nguyễn Tuấn Thanh (xã Phước Vĩnh Tây) chuyển 8.000m2 sang nuôi tôm ƯDCNC. Anh Thanh chia sẻ: “Mô hình nuôi tôm ƯDCNC đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách nuôi theo hướng truyền thống. Để đầu tư nuôi tôm hiệu quả, ngoài việc xử lý tốt nguồn nước đầu vào và tìm nguồn con giống tốt, người nuôi tôm phải quản lý tốt môi trường. Chi phí đầu tư mô hình nuôi tôm ƯDCNC khá nhiều, tuy nhiên đổi lại tỷ lệ thành công cao. Đặc biệt, năm 2022, gia đình tôi còn được xã hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi”.

2. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc cho biết, hàng năm, huyện đều có kế hoạch hỗ trợ người dân xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ƯDCNC. Trong đó, có vốn và thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp.

Ngoài ra, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội huyện tiếp tục tập trung khai thác tốt chương trình ủy thác cho vay vốn thông qua Quỹ Hỗ trợ nông dân. Bên cạnh đó, còn có các nguồn vốn chính sách hỗ trợ từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cung ứng kịp thời cho hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, huyện hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản, xây dựng mô hình Điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề, nông sản đặc trưng huyện Cần Giuộc.

Thông tin từ Huyện ủy Cần Giuộc, việc tổ chức thực hiện NQ số 11 được cấp ủy Đảng, chính quyền trong toàn huyện quan tâm thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả. Qua đó, làm thay đổi tập quán canh tác, nhất là ý thức của người dân trong sử dụng phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học, sử dụng nhà màng, nhà lưới cũng như đa dạng chủng loại cây trồng. Sản phẩm làm ra có chất lượng hơn, được thị trường chấp nhận.

Tuy nhiên, việc ƯDCNC chỉ dừng ở mức độ nông hộ nên phạm vi ứng dụng còn hẹp, giới hạn ở một số nội dung. Công tác quản lý nhà nước đối với sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp còn nhiều khó khăn, bất cập, nhất là đối với phân bón. Một số HTX, tổ hợp tác hoạt động chưa thật sự hiệu quả; chưa hình thành chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm; chưa xây dựng được thương hiệu nông sản mạnh của huyện;...

Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền đến người dân xu thế phát triển, lợi ích của việc sản xuất nông nghiệp ƯDCNC; hướng dẫn các kỹ thuật tiên tiến, phù hợp để người dân áp dụng. Song song đó, huyện tăng cường công tác kiểm tra việc buôn bán vật tư, cây, con giống nông nghiệp và chất lượng nông sản đầu ra; tiếp tục thành lập các mô hình liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao hiệu quả sản xuất; xây dựng các chuỗi cung ứng và kênh phân phối sản phẩm nông sản an toàn. Huyện cũng tăng cường công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm thông qua các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích, các bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, trường học; tập trung thực hiện các giải pháp mời gọi doanh nghiệp đầu tư mở các điểm cung cấp các ngành hàng về trang thiết bị phục vụ ƯDCNC phục vụ nhu cầu của nhân dân tại địa phương;…/.

Đến nay, diện tích ƯDCNC trên địa bàn huyện là 1.230/1.300ha (đạt trên 94% chỉ tiêu NQ). Sản lượng rau năm 2022 trên 139.000 tấn (chỉ tiêu NQ là đạt bình quân 135.000 tấn/năm). Diện tích nhà lưới, nhà màng trên địa bàn toàn huyện hiện có 111,85ha (chỉ tiêu NQ là đạt 15% trên tổng diện tích ƯDCNC, tương ứng 195ha). Diện tích áp dụng hệ thống tưới thông minh, tiết kiệm hiện có 268,5ha (chỉ tiêu NQ là đạt 50%, tương ứng 650ha). Toàn huyện có gần 800 hộ nuôi tôm ƯDCNC với 448/600ha (đạt gần 75% chỉ tiêu NQ).

Song Nhi

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích