Tiếng Việt | English

25/06/2020 - 05:31

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cá tra xuất khẩu

Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất không chỉ góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho con cá tra, mà còn đưa thế mạnh sản xuất phát triển bền vững.

Những năm gần đây, ngành cá tra Việt Nam gặp không ít khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu do bị tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên cá, giá thành sản xuất cá nguyên liệu cao; những rào cản kỹ thuật và quy định nghiêm ngặt từ thị trường xuất khẩu…

Do đó, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất không chỉ góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho con cá tra, mà từng bước đưa thế mạnh sản xuất phát triển bền vững hơn.


Nhiều doanh nghiệp đột phá trong công nghệ chế biến sâu, chủ động nguồn nguyên liệu sạch, đa dạng các sản phẩm từ cá tra.

Mô hình nuôi cá tra công nghệ cao của Công ty Cổ phần Nam Việt được triển khai vào đầu năm 2019, ở xã Bình Phú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Với quy mô trên diện tích 600ha, tổng vốn đầu tư 4.000 tỉ đồng; dự án này được chia thành 2 khu.

Trong đó khu sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao có diện tích 150 ha, vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản, nuôi cá tra thương phẩm, diện tích 450ha, vốn đầu tư 3.000 tỉ đồng. Hiện nay, mô hình này đã đi vào hoạt động và đã có sản phẩm ra thị trường.

Theo ông Doãn Tới, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt, khu sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao, mỗi năm sản xuất ra khoảng 360 triệu con giống cá tra chất lượng cao phục vụ cho các vùng nuôi của Công ty và cung cấp cho thị trường.

Còn khu nuôi cá tra thương phẩm, mỗi năm sản xuất ra 200.000 tấn cá tra nguyên liệu phục vụ cho việc chế biến xuất khẩu. Toàn bộ vùng nuôi đầu tư trang thiết bị theo hướng hiện đại; với công nghệ sục khí nano và chất xúc tác bakture để xử lý nước trong ao nuôi, không cần xả thải nước ao nuôi ra môi trường, không cần nạo hút bùn đáy ao bằng phương pháp cơ học như trước...


Mô hình nuôi cá tra thương phẩm ứng dụng công nghệ cao.

Theo ông Tới: “Không có nước nào xuất khẩu nhiều như nước ta, nếu có thì cũng rất là ít; thứ hai là về chất lượng công nghệ; thứ ba là giá thành thì không thể đấu lại với Việt Nam được.

Chúng tôi nuôi trồng thế này, theo vòng tuần hoàn kép kín hết, từ phân cá chúng tôi thu hồi lại để làm thành phân bón hữu cơ, mặt nước một phần nào đó chúng ta tạo thành năng lượng điện mặt trời, chúng tôi tận dụng hết không bỏ bất kỳ cái gì; từ phụ phẩm cá được thu hồi chúng tôi làm thành sản phẩm cao cấp, có giá trị rất cao vài chục USD/kg. Đây là một vùng nuôi điển hình, khách hàng của chúng tôi trên thế giới này, năm châu đã đến đây rồi, họ rất là ngưỡng mộ".

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, trước đây, con cá tra thương phẩm chỉ lấy 30% thịt phi lê xuất khẩu, phần còn lại hầu như là phế phẩm làm thức ăn gia súc, phần đầu được bán ra nước ngoài với giá rất thấp, thậm chí nhiều phụ phẩm còn bỏ. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp tại ĐBSCL, trong đó có Công ty cổ phần Nam Việt, đã đầu tư công nghệ vào những công đoạn chế biến sâu, tạo ra sản phẩm giá trị cao như dầu ăn, collagen, gelatin… nâng cao giá trị gia tăng cho con cá tra.

Đồng thời đã xây dựng thành công mô hình vùng nuôi liên kết và các hộ vệ tinh cung cấp cá giống luôn được duy trì, tổ chức quy trình sản xuất khép kín với các nhà máy ứng dụng công nghệ cao, hiện đại để sản xuất và chế biến.


Ông Nguyên Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ( thứ hai, bên phải)  trao đổi với ông Doãn Tới - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt.

Ông Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao Mô hình sản xuất cá tra công nghệ cao này của các doanh nghiệp, từ đó đã tạo những bước tiến trong phát triển chuỗi giá trị ngành hàng cá tra; nhất là đột phá trong công nghệ chế biến sâu, chủ động nguồn nguyên liệu sạch, đa dạng các sản phẩm từ cá tra.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Đây có thể nói là một tổ hợp công nghiệp sản xuất ngành hàng các tra của Việt Nam; được ứng dụng công nghệ hiện đại nhất hiện nay, từ công đoạn tổ chức sản xuất con giống đến nuôi thương phẩm hoàn toàn tự động, với một chế độ điều tiết từ nguồn nước, khống chế môi trường nước cho đến ứng dụng thức ăn.

Qua tổ hợp này cho thấy, ngành hàng cá tra đang tái cơ cấu theo hướng không chỉ hiện đại, mà còn để khẳng định vai trò số một trên thị trường quốc tế về cung ứng sản lượng, cũng như sản phẩm sạch cho nhu cầu hội nhập quốc tế đối với nông sản Việt Nam. Điều đặc biệt ở đây không chỉ áp dụng công nghệ cao, mà còn biểu thị hướng công nghiệp kinh tế tuần hoàn, với chuỗi sản phẩm hơn 50 loại”.

Cá tra là một trong hai sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của tỉnh An Giang. Để khôi phục lại ngành hàng cá tra trong điều kiện khó khăn, thời gian qua tỉnh đẩy mạnh thực hiện chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao.

Cụ thể đã mời gọi được 4 doanh nghiệp đầu tư vùng ương nuôi tập trung theo hướng công nghệ cao như: Tập đoàn Việt – Australia, với 104 ha; Công ty Cổ phần Nam Việt, 600 ha, trong đó có 150 ha ương giống; Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, với 48,3 ha, Công ty TNHH Phát triển Lộc Kim Chi, khoảng 350 ha.


Đầu tư công nghệ vào những công đoạn chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng cho con cá tra

Các dự án này đã và đang được triển khai, từng bước góp phần nâng cao chất lượng con giống cá tra. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ để các doanh nghiệp mở rộng phát triển mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết trong hoạt động sản xuất giống và nuôi cá tra thương phẩm với thành phần liên quan tham gia chuỗi liên kết được chia sẻ "quyền lợi và trách nhiệm", trong đó doanh nghiệp tiêu thụ là hạt nhân của liên kết chuỗi.

Chia sẻ về hướng sản xuất cá tra trong thời gian tới của địa phương, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: “Chương trình, đề án giống cá tra 3 cấp tại các doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực Cồn Vĩnh Hòa với diện tích 400ha đi vào hoạt động, thì khả năng cung cấp con giống chất lượng cao, sẽ đảm bảo tới 80% nhu cầu về con giống cá tra cho cả khu vực ĐBSCL.

Tỉnh An Giang chủ yếu là tập trung cho các vùng nuôi với quy mô lớn và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với tiêu thụ. Xây dựng quy trình nuôi một cách công nghiệp, theo chuỗi, từ con giống đến quy trình nuôi, đến chế biến thì mới đảm bảo được chất lượng nuôi và giảm dịch bệnh”.

Ngành cá tra Việt Nam nói chung và tỉnh An Giang nói riêng, đang gặp khó khăn do sản xuất trong sản xuất và xuất khẩu. Do vậy, chỉ có ứng dụng công nghệ vào sản xuất và quản lý để tháo gỡ các nút thắt trong sản xuất và chế biến cá tra, để từ đó làm giảm chi phí nuôi, tăng khả năng cạnh tranh, từng bước đưa con cá tra phát triển bền vững hơn./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết