Tiếng Việt | English

11/10/2017 - 12:04

Ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong trồng nấm linh chi

Thực hiện nhiệm vụ thường xuyên năm 2017 của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An với mục tiêu duy trì hoạt động xưởng nấm hiệu quả; đồng thời, nâng cao chất lượng các sản phẩm, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tiến hành xây dựng mô hình sản xuất và nuôi trồng 10.000 bịch phôi nấm linh chi. Sau gần 3 tháng chăm sóc, trung tâm thu hoạch nấm linh chi thành phẩm.

Thu hoạch nấm linh chi

Nấm linh chi được nuôi trồng từ rất lâu, không những là nấm ăn mà nó còn là một loại dược liệu quý hiếm, tốt cho sức khỏe con người. Những khảo sát dược lý và lâm sàng hiện nay cho thấy, nấm linh chi không có độc tính, không có tác dụng phụ dù dùng dài ngày, không tương kỵ với những dược liệu khác hoặc tân dược.

Sử dụng nấm linh chi thường xuyên điều trị hoặc hỗ trợ điều tri các bệnh: Viêm gan do virus, các bệnh ung thư, chống dị ứng và chống viêm, chống oxy hóa, bảo vệ và chống ảnh hưởng của các tia chiếu xạ, nâng cao hệ miễn dịch trong điều trị nhiễm HIV, điều hòa và ổn định huyết áp, chống nhiễm mỡ xơ mạch và các biến chứng, giảm cholesterol, loét dạ dày, tá tràng, hỗ trợ trong điều trị tiểu đường, chống suy nhược thần kinh kéo dài, mất ngủ, chống stress gây căng thẳng,…

Sản phẩm nấm linh chi do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ sản xuất được kiểm soát chặt chẽ từ nguyên liệu sản xuất bịch phôi, được ươm tơ đúng kỹ thuật và tiến hành loại bỏ những bịch phôi bị nhiễm mốc, nấm lạ nhằm bảo đảm thu hoạch nấm với hiệu suất cao, đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Các bịch phôi được chăm sóc trong khu nhà trồng nấm, được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nhằm giúp nấm phát triển tốt và tạo được nhiều bào tử.

Vừa qua, trung tâm tiến hành thu hoạch nấm linh chi. Từ 10.000 bịch phôi thu hoạch được hơn 180kg nấm. Nấm sau thu hoạch được sơ chế và sấy khô, đóng gói chân không để bảo quản. Nấm linh chi khô được sử dụng để làm rượu nấm linh chi, viên nang cao nấm linh chi, hãm với nước sôi để uống như trà,…

Long An là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, do đó nguồn phế thải nông nghiệp như bã mía, rơm rạ rất dồi dào; đây là nguồn nguyên liệu thích hợp cho việc sản xuất bịch phôi nấm. Việc nuôi trồng nấm linh chi được tiến hành từ nhiều năm trước, nhưng chỉ với những trang trại theo quy mô nhỏ lẻ, tự phát.

Do chưa cơ cấu giống thích hợp và chưa có kỹ thuật nuôi trồng cụ thể hoặc có những người nuôi trồng chưa nắm bắt rõ, vì vậy, việc chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong việc trồng nấm linh chi và nâng cao giá trị sản phẩm từ nấm là việc làm cần thiết, đặc biệt là áp dụng các kỹ thuật cao bao gồm các lĩnh vực: Kỹ thuật ươm tơ, quy trình chăm sóc bịch phôi từ lúc ươm tơ đến lúc cho ra nấm, công nghệ sinh học; áp dụng những quy trình sản xuất rượu nấm linh chi với công nghệ, thiết bị tiên tiến sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả, sức cạnh tranh, phục vụ nhu cầu xã hội./.

Lê Thị Ngọc Hiếu

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích