Tiếng Việt | English

29/03/2023 - 21:01

Vạch trần tội phạm sử dụng công nghệ Deepfake ghép mặt và giọng nói để lừa đảo

Deepfake là công nghệ tái tạo khuôn mặt, giọng nói bằng trí tuệ nhân tạo. Ban đầu công nghệ này được tạo nên với mục đích giải trí, nhưng hiện nay đang bị các đối tượng lừa đảo qua mạng sử dụng nhằm chiếm đoạt tài sản.

Thời gian gần đây, với sự phát triển của khoa học công nghệ, tội phạm mạng đang ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp để lừa đảo tiền, tài sản của người dân. Trong số đó, Deepfake là công nghệ được biết đến nhiều nhất, với tác dụng tái tạo lại khuôn mặt của người trong video nhờ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).


Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng An ninh mạng - Bộ Công an (A05)

Ban đầu, công nghệ này được sinh ra cho mục đích giải trí, giúp người dùng lồng khuôn mặt, giọng nói của mình vào các nhân vật yêu thích trên video. Nhưng càng về sau, với những tính năng phức tạp của nó, Deepfake đã được giới tội phạm công nghệ cao sử dụng để giả dạng người thân, người quen của các nạn nhân nhằm mục đích lừa đảo.

Theo Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng An ninh mạng - Bộ Công an (A05), công nghệ Deepfake ngày nay được giới tội phạm sử dụng để giả hình ảnh, giọng nói nhằm mục đích lừa đảo.

Trung tá Triệu Mạnh Tùng cho biết: "Tội phạm lừa đảo thường sử dụng Deepfake để mạo nhận người quen, giả hình ảnh và giọng nói của người sở hữu tài khoản mạng xã hội nhằm chiếm được lòng tin, sau đó thực hiện giao dịch tài chính vay tiền hoặc chuyển tiền".

Theo người đại diện A05, thời gian gần đây đã xuất hiện một số trường hợp nạn nhân bị lừa đảo bởi Deepfake. Trước tình hình đó, A05 đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, thông báo đến công an các địa phương nắm tình hình, phổ biến cho người dân về phương thức thủ đoạn mới này.


Deepfake đang là công nghệ giả khuôn mặt, giọng nói hàng đầu hiện nay. (Ảnh: Reuters)

Phó Cục trưởng A05 khuyến cáo người dân nên cập nhật thêm thông tin về phương thức, thủ đoạn lừa đảo nêu trên. Mọi người cần tăng cường chế độ bảo mật thông tin trên mạng xã hội, nhất là việc đăng nhập các ứng dụng của bên bên thứ ba, đây là nơi rất dễ bị mất quyền sử dụng tài khoản.

Trong nhiều vụ lừa đảo, tội phạm thường thông qua việc chiếm quyền sử dụng tài khoản, sử dụng công nghệ Deepfake để tương tác với người thân của chủ tài khoản, từ đó thực hiện hoạt động lừa đảo.

"Người dân cần đề cao cảnh giác khi có người quen trên mạng xã hội yêu cầu giao dịch về tài chính một cách bất thường. Lúc đó, mọi người nên kiểm tra qua những kênh chính thống, liên hệ trực tiếp với người đó trước khi thực hiện giao dịch". - Trung tá Triệu Mạnh Tùng nhấn mạnh./.

Trọng Phú - Quỳnh Trang/VOV.VN

Chia sẻ bài viết