Ngại sinh vì nhiều lý do
Lập gia đình nhiều năm, đến nay, tuy con đã hơn 8 tuổi nhưng chị Nguyễn Thị Trang (xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) vẫn chưa có ý định sinh thêm. Chị Trang chia sẻ: “Chồng làm công nhân, công việc của tôi thu nhập bấp bênh, trong khi còn phụng dưỡng cha mẹ hai bên nên chi tiêu hàng tháng phải tiện tặn, tính toán kỹ lắm mới không thiếu hụt. Tôi lo nếu sinh thêm con thì sẽ không kham nổi nên quyết định dừng ở 1 con để có thể chăm sóc cho gia đình, nuôi con học hành đến nơi, đến chốn”.
Chị Nguyễn Thị Trang (xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức) chỉ muốn sinh một con để chăm sóc, nuôi dạy tốt hơn
Tương tự chị Trang, chị Huỳnh Thị Thúy Loan (xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức) cũng quyết định dừng lại ở 1 con dù rất muốn có thêm 1 đứa con gái. Vợ chồng chị có con trai 3 tuổi, do sinh non nên bé phát triển chậm hơn các bạn cùng trang lứa. Việc chăm sóc con cũng vất vả hơn. Chị Thúy Loan bộc bạch: “Chăm sóc trẻ sinh non cực hơn các trẻ bình thường gấp đôi, ba lần. Vì vậy, tôi sợ có thêm 1 bé thì tình thương và sự quan tâm sẽ phải chia đôi, các con không được chăm sóc tốt. Cùng với đó, kinh tế gia đình tôi cũng chưa ổn định, nếu sinh thêm sẽ gặp nhiều khó khăn".
Cũng ngại sinh thêm con do điều kiện kinh tế chưa bảo đảm, chị Nguyễn Thị Ngọc Hằng (xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa) cho biết, chị đi hái chanh mướn, chồng chạy xe ba gác thuê. Năm nay, chị đã 35 tuổi và có 1 cậu con trai 10 tuổi. Nhiều người khuyên chị nên sinh thêm con để “có anh, có em” nhưng chị vẫn quyết định chỉ sinh 1 con. “Sinh thêm thì tôi phải nghỉ làm một thời gian, một mình chồng không lo xuể. Đó là chưa kể việc chăm con nhỏ, lo cho 2 con ăn uống, học hành,... vợ chồng tôi sợ sẽ không lo nổi. Ngoài ra, nếu sinh thêm thì cũng không có người trông coi vì mẹ ruột đã trên 60 tuổi, mẹ chồng thì thường xuyên đau bệnh” - chị Ngọc Hằng trải lòng.
Cần thay đổi quan niệm
Một số chuyên gia dân số cho rằng, trì hoãn sinh con hoặc sinh 1 con đang là lựa chọn của không ít gia đình trẻ bởi họ đang chú trọng hơn đến việc phấn đấu có công việc, thu nhập ổn định và tận hưởng cuộc sống. Tuy nhiên, cần thay đổi quan niệm này. Anh Nguyễn Thiên Phúc (phường 5, TP.Tân An) cho biết, năm 2018, cha anh bệnh nặng, mẹ anh đã mất, vợ anh thì đang chăm con nhỏ nên mọi việc trong, ngoài đều do một tay anh lo liệu. “Lúc đầu, vợ chồng tôi nghĩ sinh 1 con là đủ. Nhưng khi cha tôi nằm viện, chỉ một mình tôi chăm sóc, lúc đó, tôi mới nghĩ đến việc sau này khi vợ chồng tôi già yếu, bệnh tật thì cũng chỉ có một mình con trai chăm sóc, như vậy thì đơn chiếc và vất vả lắm!” - anh Phúc chia sẻ. Hiện vợ chồng anh đã có thêm bé gái hơn 2 tuổi.
Nỗi lo không có người trông con làm cho người trẻ ngại sinh (ảnh minh họa)
Tâm lý ngại sinh con hoặc chỉ sinh 1 con của giới trẻ đang ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, cần sớm thay đổi suy nghĩ này bởi việc sinh con không còn là chuyện riêng của mỗi gia đình mà còn là vấn đề về phát triển KT-XH trong tương lai. Cụ thể, khi mức sinh thay thế ngày càng thấp thì tỷ lệ dân số già sẽ càng tăng, tạo ra áp lực đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi như lương hưu, bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp xã hội, chế độ chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí,... Cùng với đó là suy giảm về nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ, làm ảnh hưởng đến sự phát triển KT-XH của địa phương.
Để hạn chế thực trạng ngại sinh con của giới trẻ, nhất là giới trẻ ở thành thị, thiết nghĩ, thời gian tới, ngành Y tế tỉnh và các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế làm công tác kế hoạch hóa gia đình. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con; đẩy mạnh các biện pháp giảm mất cân bằng giới tính khi sinh; triển khai, thực hiện chương trình sàng lọc trước sinh, sơ sinh để phòng ngừa dị tật bẩm sinh, nâng cao chất lượng dân số; có chính sách khuyến khích phụ nữ sinh đủ 2 con;... Qua đó, góp phần tạo nguồn nhân lực khỏe mạnh để đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH địa phương./.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2021, tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) của tỉnh là 1,77 con. Trong 8 tháng năm 2022, toàn tỉnh có 7.972 trẻ được sinh ra, trong đó, có 4.100 trẻ sinh nam và 3.872 trẻ sinh nữ. |
Minh Tuệ