Tiếng Việt | English

20/11/2019 - 20:15

Vĩnh Hưng: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả cao

Những năm gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An mạnh dạn chuyển đổi những diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng một số loại cây ăn quả như xoài, bưởi, cam,… và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Nông dân mạnh dạn chuyển đổi

Theo Trưởng phòng Nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Tô Văn Chảnh, qua hơn 5 năm triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đến nay, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, có khoảng 100ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả được nông dân mạnh dạn chuyển đổi sang trồng một số loại cây ăn quả như cam, bưởi, xoài, ổi,... Nhìn chung, những loại trái cây này đều mang lại lợi nhuận cho nông dân cao hơn gấp 2 - 3 lần lúa.

Ông Nguyễn Văn Phi, ngụ xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng cho biết: “Năm 2015, tôi quyết định lên liếp, đầu tư hệ thống tưới nước tự động trên phần đất 4ha của gia đình để trồng các loại cây ăn trái có múi như quýt, bưởi và cam. Thông qua tìm hiểu trên sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng, tôi tìm đến các mô hình canh tác hiệu quả trong và ngoài tỉnh để học tập, rút kinh nghiệm. Sau hơn 2 năm, vườn cây của tôi bắt đầu cho trái. Hiện tại, với khoảng 2.500 gốc cam, quýt, bưởi, mỗi đợt thu hoạch được khoảng 10 tấn (3 tháng thu hoạch 1 lần), giá bán từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, gia đình tôi có thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm”.

Cũng giống như ông Phi, anh Nguyễn Tấn Dũng, ngụ cùng địa phương cũng mạnh dạn chuyển đổi hơn 5ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có múi. Hiện, vườn nhà anh Dũng được gần 3 năm và đang bước vào giai đoạn thu hoạch.

Anh Dũng chia sẻ: “Nhận thấy nhiều người cùng địa phương trồng cây ăn quả mang lại lợi nhuận cao nên tôi mạnh dạn đầu tư gần 2 tỉ đồng để cải tạo 5ha đất lúa. Nhìn chung, các loại cây ăn quả có múi rất phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây, điển hình là sản lượng và chất lượng trái qua những vụ thu hoạch đều rất khả quan và tăng đều qua từng vụ. Theo ước tính, trung bình mỗi vụ, gia đình tôi thu hoạch được khoảng 10 tấn bưởi, cam và quýt. Và với giá bán dao động từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, tôi sẽ có lãi khoảng 60 triệu đồng/vụ”.

Bên cạnh các loại cây ăn quả có múi, các loại cây ăn quả khác như xoài, ổi,... cũng mang lại hiệu quả cao cho người nông dân. Anh Trần Trường Chinh, ngụ ấp Rọc Đô, xã Vĩnh Trị, cho biết: “Do đất gia đình tôi thuộc loại đất cát, rất dễ thoát nước nên nhiều năm liền trồng lúa không đạt hiệu quả. Năm 2017, tôi đã mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi 1ha đất lúa sang trồng xoài cát Hòa Lộc. Đến nay, dù mới thu hoạch được vụ đầu tiên nhưng kết quả rất khả quan”. Được biết, vụ vừa qua, gia đình anh Chinh thu hoạch được gần 2 tấn xoài, bán với giá 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí anh có lãi gần 40 triệu đồng.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại lợi nhuận cao cho nông dân

Anh Nguyễn Phạm Thế An, quê Tiền Giang, hiện đang trồng 1,3ha xoài ở ấp Rọc Đô, xã Vĩnh Trị chia sẻ: “Trước đây, tôi mua đất ở ấp Rọc Đô này để trồng lúa. Tuy nhiên, nhiều vụ liền gặp cảnh được mùa, rớt giá và ngược lại nên năm 2017, tôi quyết định chuyển sang trồng xoài. Đến nay, vườn xoài của gia đình tôi bắt đầu ra hoa, dự kiến sẽ kịp bán trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới”. Được biết, vườn xoài của anh An được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap nên đã được thương lái ký hợp đồng bao tiêu với giá 35.000 đồng/kg. Theo anh ước tính, vụ thu hoạch này, sau khi trừ hết chi phí, gia đình anh sẽ có lãi trên 70 triệu đồng.

Tiếp tục định hướng chuyển đổi cho nông dân

Trưởng ấp Rọc Đô, xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Văn Chắc cho biết: “Đến nay, nông dân trên địa bàn ấp chuyển từ cây lúa sang trồng cây ăn quả được hơn 35ha. Trong đó, xoài và ổi là hai loại trái cây chiếm diện tích lớn và mang lại hiệu quả cao nhất. Địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện để nông dân gặp gỡ, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Đồng thời, phối hợp với chuyên môn của xã, huyện tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân nhằm tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường và góp phần tăng lợi nhuận cho nông dân”.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Tô Văn Chảnh thông tin, những năm gần đây, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực, các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao được người dân mạnh dạn chuyển đổi, đưa vào trong sản xuất, nhiều vùng sản xuất lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, việc áp dụng khoa học - kỹ thuật và đưa cơ giới hóa vào sản xuất góp phần nâng cao chất lượng nông sản và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

“Thời gian tới, để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tiếp tục phát huy hiệu quả, đặc biệt là sản xuất ứng dụng công nghệ cao thực sự trở thành yếu tố đột phá năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp các xã nắm lại những diện tích đã chuyển đổi và có nhu cầu chuyển đổi để xây dựng các phương án hỗ trợ, vận động thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã. Đồng thời, tiếp tục tăng cường tập huấn, chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ cho người dân và thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trong sản xuất nông nghiệp để bảo đảm chất lượng đầu ra cho nông sản” - ông Chảnh thông tin thêm./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết