Câu chuyện Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu 408 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) năm 2013 đối với Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) hâm nóng cuộc họp báo của Kiểm toán Nhà nước sáng nay (10/7).
Lỗ hổng trong cách tính thuế TTĐB
Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước vừa kiến nghị truy thu thuế Sabeco vì cơ quan thuế trước đó đã áp mức giá của công ty mẹ là đơn vị sản xuất thay vì áp giá của công ty thương mại trước khi bán ra ngoài hệ thống.
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu Sabeco 408 tỷ đồng thuế TTĐB (Ảnh minh họa: KT)
Theo bà Trương Thị Việt Hương, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước Khu vực 4, thực ra, thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào khâu sản xuất và xác định ở giá bán ra cuối cùng của khâu sản xuất. Với mô hình tổ chức sản xuất của Sabeco, thì Sabeco đã thành lập Công ty TNHH MTV Thương mại Sài gòn Sabeco để tiêu thụ sản phẩm của Bia Sài Gòn. Đối với các sản phẩm của Bia Sài Gòn, mô hình tổ chức sản xuất này là 100% vốn của công ty mẹ. Sau đó, công ty TNHH một thành viên thương mại Sài gòn thành lập nên các công ty liên kết, các công ty con có vốn nhà nước là vốn của công ty mẹ từ 90-94,95%. Và các công ty TM khu vực thì bán các sản phẩm của Bia Sài Gòn ra đại lý cấp 1.
Với mô hình này, bà Hương cho biết, Kiểm toán Nhà nước xác định đây là một mô hình khép kín của Tổng công ty Bia Sài Gòn. Công ty mẹ quyết định giá mua các sản phẩm từ khâu đầu vào đến giá bán ra, kể cả quyết định giá bán cho đại lý cấp 1. Và lợi nhuận cuối cùng của các công ty sẽ được chuyển về cho Sabeco.
Do đó, “trong báo cáo của mình, Kiểm toán Nhà nước xác định khâu cuối cùng là ở các công ty thương mại khu vực trước khi bán ra cho các đại lý”- bà Hương nhấn mạnh.
Trước những nhùng nhằng liên quan đến kiến nghị truy thu thuế TTĐB đối với Sabeco, dư luận đặt nghi vấn đây là một hình thức chuyển giá, một lỗ hổng trong cách tính và thu thuế tiêu thụ đặc biệt. Bà Hương khẳng định: “Đây là một lổ hổng. Chính vì thế mà KTNN đã kiến nghị lên Bộ Tài chính để điều chỉnh quy định. Tuy nhiên, nếu xét từng đơn vị thì có thể coi đây là một hình thức chuyển giá. Nhưng do xem xét hết một quá trình của Sabeco, thì lợi nhuận thu được sau khi xác định giá tính thuế, của các công ty con lại chuyển về cho công ty mẹ, cho nên không xác định đây là hình thức chuyển giá của Sabeco”.
Mặc dù vậy, bà Hương cũng cho biết “Thông tư 05 chỉ quy định chung là cơ sở thương mại chứ không quy định rõ độc lập hay không độc lập. Vì thế, chúng tôi đã kiến nghị Bộ Tài chính để sửa đổi thông tư theo hướng thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó xác định rõ các công ty thương mại là công ty con là công ty độc lập để tính thuế cho cụ thể”.
“Chắc chắn Sabeco sẽ thực hiện kiến nghị của KTNN”
Theo quy định, bia sản xuất ra sẽ phải nộp thuế TTĐB với mức 50% tại thời điểm năm 2013, song giá nào để làm mốc tính thuế rất quan trọng, quyết định mức thuế phải nộp. Để tránh trường hợp doanh nghiệp sản xuất bia (hay các mặt hàng chịu thuế TTĐB khác) chuyển giá, khai giá bán ra thấp để được nộp thuế ít đi, Bộ Tài chính đã có thông tư 05/2012 quy định: nếu nhà sản xuất bán hàng qua cơ sở kinh doanh thương mại thì giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá bán của cơ sở sản xuất nhưng không thấp hơn 10% giá bán bình quân của cơ sở thương mại bán ra...
Trước kiến nghị của KTNN, Sabeco đã đưa ra nhiều lý do để đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, không thu thêm thuế TTĐB của tổng công ty này. Dư luận đang dấy lên câu hỏi về tình huống Sabeco sẽ không chấp hành thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước thì trách nhiệm thuộc về cơ quan nào? Bà Hương khẳng định, “theo luật quy định, trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về Sabeco, sau đó là các cơ quan liên quan”. Hơn nữa “Kiểm toán Nhà nước không phải chỉ căn cứ 1 điều trong Thông tư 05 để kết luận về kiến nghị truy thu thuế TTĐB đối với Sabeco mà còn căn cứ vào cơ sở sản xuất, cơ cấu điều hành của Sabeco”- bà Hương nhấn mạnh.
Bà Hương còn cho biết: “Bản thân công ty Sabeco cũng đã nói rằng, trước khi thực hiện kiến nghị, đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương làm việc với Kiểm toán Nhà nước xem xét Sabeco chưa thực hiện hoặc nếu thực hiện thì phải có thêm cả công ty này công ty kia vào để đảm bảo đồng bộ thị trường, chứ họ không từ chối thực hiện trách nhiệm của mình”.
Còn ông Cao Tấn Khổng – Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, cho rằng: “Chắc chắn Sabeco sẽ thực hiện kiến nghị của KTNN. Nhưng vì ban đầu, quyền khiếu nại là của đơn vị. Tuy nhiên, được biết, lãnh đạo Bộ Tài chính thống nhất cao với ý kiến, quan điểm, phương pháp giải quyết của KTNN. Tôi nghĩ Bộ Tài chính đã có ước lượng về vấn đề này nên đã có trình Chính phủ Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi bổ sung, và Luật này cũng đã được Quốc hội thông qua, sẽ có hiệu lực từ 1/1/2016. Do đó, trong giai đoạn chuyển tiếp này, Bộ Tài chính đang dự thảo một nghị định để trình Chính phủ cụ thể hóa luật để ứng dụng”.
Còn về lỗ hổng chính sách, ông Khổng cho biết: “bây giờ chúng ta cùng có trách nhiệm để phục vụ công tác quản trị. Thực ra, lỗ hổng chính sách có nhiều nguyên nhân, hiện không có điều kiện để bình luận hết. Tuy nhiên, phát hiện được lỗ hổng thì chúng tôi kiến nghị Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước thực hiện. Nhiều năm qua, kiến nghị nhiều và cũng thấy Chính phủ, các bộ ngành đã có những chỉ đạo rất cải tiến để các quy định đi vào cuộc sống tốt”./.
Xuân Thân/VOV.VN