Hội thảo diễn ra ngày 8 đến 9-6, Phó chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Văn Được; Trưởng ban, Trưởng cơ quan thường trực phía Nam đại diện Liên minh HTX Việt Nam – Lê Binh Hùng, Đại diện Liên đoàn HTX CHLB Đức tại Việt Nam – Christian Staacke, cùng đại diện lãnh đạo, sở ngành tỉnh và đại diện Liên minh HTX các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tham dự.
Đại biểu ý kiến về hiệu quả HTX mang lại
Hội thảo nhằm mục tiêu giúp HTX có những kiến thức cơ bản về xây dựng chuỗi giá trị liên kết sản xuất trong tổ chức sản xuất của HTX theo hướng nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa, phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và cũng cố phát triển HTX kiểu mới. Đồng thời tham gia hội thảo, các đại biểu cũng được nghe và trao đổi kinh nghiệm của Liên đoàn HTX CHLB Đức về kinh nghiệm xây dựng mô hình phát triển HTX nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị; về chính sách hỗ trợ cho việc phát triển HTX; trình bày các tiến sỹ về xây dựng và phát triển HTX trong CĐL, chuỗi giá trị trong nông nghiệp; đánh giá tính bền vững qua kinh tế và tham gia 4 nhà về canh tác lúa giảm khí thải; phát triển liên kết nông dân với doanh nghiệp nâng cấp chuỗi, các cơ hội gia tăng chuỗi giá trị lúa gạo,..
Cánh đồng lớn của HTX Gò Gòn, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng
Hiện nay, toàn tỉnh có 75 HTX nông nghiệp với khoảng 1.588 thành viên và 2 liên hiệp HTX. Trong năm 2015, có 20 HTX đạt doanh thu trên 4 tỉ đồng và có 4 HTX có tổng lợi nhuận hơn 1.4 tỉ đồng. Các thành viên HTX tham gia CĐL được hỗ trợ về kỹ thuật, các chính sách về vốn, phòng trừ dịch bệnh, cơ cấu hạ tầng… Năm 2015, tỉnh phối hợp với 20 doanh nghiệp triển khai thực hiện 63 lượt cánh đồng lớn với diện tích gần 25.000ha, trên 10.000 hộ dân tham gia, vụ Đông xuân 2016 thực hiện được 43 lượt cánh đồng lớn với diện tích gần 15.000ha, hơn 4.600 hộ và 13 doanh nghiệp tham gia. Trong vụ Hè Thu 2016 có 57 CĐL diện tích 13.126 ha, với 5.506 hộ tham gia, có 12 doanh nghiệp tham gia bao tiêu sản phẩm.
Tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Được cho biết:Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo CĐL là cách thức tổ chức sản xuất trên cơ sở hợp tác, liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp, tổ chức đại diện nông dân trong sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản trên địa bàn, có quy mô ruộng đất lớn. Mô hình CĐL gắn với HTX nhằm tạo ra sản lượng nông sản hàng hóa tập trung chất lượng cao, tăng sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân./.
Lê Huỳnh – Thanh Mỹ