Tiếng Việt | English

20/04/2016 - 09:38

Xây dựng ngành nông nghiệp hàng hóa có sức cạnh tranh cao

Nhằm đáp ứng nhu cầu nông sản cho thị trường tiêu dùng và chế biến, huyện Thạnh Hóa triển khai xây dựng những cánh đồng lúa chất lượng cao, vùng chuyên canh sản xuất lúa tập trung theo hướng hàng hóa, bảo đảm năng suất, chất lượng và cho thu nhập cao. Đến nay, việc xây dựng ngành nông nghiệp hàng hóa có sức cạnh tranh cao mang lại nhiều kết quả thiết thực. Qua đó, khẳng định được hướng đi đúng của chương trình đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra.

Hiệu quả cánh đồng lớn và vùng chuyên canh

Trưởng Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa-Nguyễn Kinh Kha chia sẻ: Để thực hiện thắng lợi chương trình đột phá về “Xây dựng ngành nông nghiệp hàng hóa, có sức cạnh tranh cao, gắn với công nghiệp chế biến nông sản”, huyện Thạnh Hóa tập trung thực hiện chương trình xây dựng cánh đồng lớn, xây dựng cánh đồng chuyên canh đi đôi với xây dựng hệ thống đê bao lửng và trạm bơm điện. Vụ Đông Xuân năm 2015-2016, Cty Cổ phần Tân Đồng Tiến, Cty Cổ phần lương thực, thực phẩm Long An và cơ sở vật tư nông nghiệp Ba Tiếp (xã Thạnh Phú) phối hợp thực hiện cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm với tổng diện tích 1.800/1.700ha ở các xã Tân Đông, Tân Tây, Thạnh An, Thủy Tây, Thạnh Phú, Thạnh Phước và thị trấn. Trong đó, Cty Cổ phần Tân Đồng Tiến thực hiện với hình thức đầu tư và bao tiêu sản phẩm, còn Cty Cổ phần lương thực, thực phẩm Long An thực hiện với hình thức ký hợp đồng bao tiêu. Giá tiêu thụ của doanh nghiệp cao hơn bên ngoài 100 đồng/kg.


Sản xuất trong cánh đồng lớn giúp người dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận

Đến nay, việc thực hiện cánh đồng lớn trên địa bàn huyện từng bước được nhân rộng và được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Riêng xã Tân Đông hiện có 450ha nằm trong cánh đồng lớn với 511 hộ tham gia (toàn xã có 2.010ha đất sản xuất nếp). Diện tích đất nằm trong cánh đồng lớn đều được Cty Cổ phần lương thực, thực phẩm Long An bao tiêu. Dự kiến, vụ Hè Thu 2015-2016 này, diện tích sản xuất trong cánh đồng lớn ở xã sẽ là 650ha. Ngoài ra, xã còn đầu tư xây dựng 2 trạm bơm điện, phục vụ 120ha đất sản xuất trong cánh đồng.

Ông Huỳnh Văn Mạng, SN 1959, ngụ ở ấp 3, xã Tân Đông cho biết: “Tôi có 2ha đất trồng nếp trong cánh đồng lớn 2 năm nay. Vụ sản xuất đầu tiên, tôi được Nhà nước hỗ trợ 30% giá lúa giống và phân, thuốc. Sản xuất trong cánh đồng lớn, người dân gieo sạ đồng loạt nên né được sâu, bệnh; yên tâm vì giống lúa chất lượng, phân thuốc không mua nhầm hàng giả.

Đặc biệt, đầu ra sản phẩm dễ dàng và ổn định. Trong quá trình sản xuất, nếu gặp khó khăn thì có nhà khoa học hỗ trợ kỹ thuật, bón phân và xử lý sâu, bệnh đúng, kịp thời. Nhờ vậy, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận bình quân so với ngoài cánh đồng từ 3 đến 4 triệu đồng/ha/vụ”.

Vụ Đông Xuân 2015-2016, huyện thực hiện cánh đồng lớn được 1.800ha/1.700ha so với kế hoạch. Ngoài ra, huyện còn thực hiện mô hình cánh đồng lớn sản xuất theo hướng bền vững trên địa bàn các xã Thạnh Phước, Thủy Tây và Tân Tây với diện tích 150ha, có 50 hộ tham gia. Thạnh Hóa được quy hoạch vùng chuyên canh khóm 600ha tại xã Tân Tây; đến nay, thực hiện được 375,7ha; khoai mỡ trồng được 2.856,5ha, trong đó có 1.000ha thuộc vùng chuyên canh tại xã Thủy Đông. Chanh trồng được 214,2ha (quy hoạch vùng chuyên canh 200ha), trong đó có 60ha được công nhận sản xuất đạt chuẩn VietGap. Vụ Đông Xuân 2015-2016, người dân thu nhập bình quân từ 20 đến 25 triệu đồng/ha đối với sản xuất lúa; 20 đến 40 triệu đồng/ha đối với khoai mỡ và 60 triệu đồng/ha đối với khóm và chanh.

Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình liên kết 4 nhà còn nhiều khó khăn. Vì người đại diện nông dân chưa đủ khả năng đứng ra ký hợp đồng và tự chịu trách nhiệm với doanh nghiệp trong các điều khoản như tiếp nhận vốn đầu tư, tìm doanh nghiệp cung ứng vật tư, điều hành các khâu từ sản xuất đến thu hoạch và thanh toán vốn đầu tư ban đầu. Vì vậy, để cánh đồng lớn được duy trì và nhân rộng đòi hỏi phải có một người trung gian hoặc một tổ chức trung gian làm cầu nối giữa doanh nghiệp với nông dân. Yêu cầu này đặt ra cho các cấp lãnh đạo, ngành chuyên môn, nhất là nông dân về lời giải phát triển kinh tế tập thể với các hình thức hợp tác phù hợp.

Xây dựng đê bao lửng trạm bơm điện phục vụ sản xuất

Trưởng Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Nguyễn Kinh Kha cho biết thêm: Đi đôi với xây dựng cánh đồng lớn, vùng chuyên canh, huyện tập trung xây dựng hệ thống đê bao lửng và trạm bơm điện nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân sản xuất, tăng lợi nhuận. Đến cuối năm 2015, toàn huyện có 416 khu đê bao, với diện tích trên 21.000ha, chiếm trên 81% diện tích đất gieo trồng của toàn huyện.

Tuy nhiên, hiện nay, một số khu đê bao chưa khép kín nên chưa bơm nước đồng loạt để gieo sạ. Trong năm 2016, huyện tiếp tục xây dựng thêm đê bao phục vụ 1.000ha đất sản xuất. Đến thời điểm này, các xã đăng ký triển khai 21 khu, với tổng diện tích trên 1.600ha. Hiện Trạm Quản lý khai thác Công trình thủy lợi huyện đang phối hợp các xã lập khái toán để triển khai và thi công. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện còn chậm do các xã chưa chủ động trong tổ chức họp dân.

Về trạm bơm điện, tính đến cuối năm 2015, toàn huyện có 22 trạm bơm điện (trong đó có 21 trạm đi vào hoạt động) phục vụ trên 2.300ha. Trong đó, có 13 trạm phục vụ sản xuất lúa, 8 trạm phục vụ cho sản xuất khóm, khoai mỡ). Trong năm 2016, huyện sẽ triển khai đầu tư xây dựng 6 trạm bơm điện mới. Đến thời điểm hiện tại, hạ bình điện 1 trạm tại xã Thủy Tây, 5 trạm còn lại ở xã Thạnh Phước, Tân Tây, Thuận Nghĩa Hòa, Tân Hiệp, hiện đang triển khai họp dân. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện còn phối hợp với các xã quy hoạch thêm 5 trạm mới ở xã Thạnh Phước, Tân Đông, Thuận Bình. Để thực hiện đạt kế hoạch, ngành sẽ phối hợp với các ngành liên quan tổ chức họp dân để lấy ý kiến, lập dự toán và triển khai thi công.

Nhằm nâng cao hiệu quả và khắc phục hạn chế trong sản xuất nông nghiệp, huyện tiếp tục chú trọng thực hiện phát triển sản xuất gắn liền với tiêu thụ nông sản. Từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao thu nhập, đời sống người dân, từng bước thực hiện thắng lợi chương trình đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra./.

Quang Nguyên

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích