Ông Châu Đường đã xây dựng nhà xưởng trái phép trên đất lúa tại ấp 2, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức
Xây dựng nhà xưởng trên đất lúa
Năm 2016, ông Châu Đường, ngụ quận 6, TP.HCM, mua và nhận chuyển nhượng 2.150m2 đất lúa ở ấp 2, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức. Sau đó, ông đã lên thổ hơn 350m2 và xây dựng nhà ở. Trên diện tích đất lúa còn lại 1.800m2, ông xây dựng một nhà xưởng để sản xuất, kinh doanh gia công bản lề, cửa.
Trước việc xây dựng trái phép này, chính quyền địa phương và ngành chức năng huyện Bến Lức đã tiến hành lập biên bản vi phạm, xử phạt hành chính và yêu cầu tháo dỡ. Mặc dù chịu nộp phạt nhưng ông Châu Đường lại không đồng ý tháo dỡ nhà xưởng xây dựng trái phép để trả lại hiện trạng ban đầu.
Trước thực trạng này, Chủ tịch UBND huyện Bến Lức ra quyết định cưỡng chế. Tuy nhiên, ông Châu Đường đã khiếu nại nhiều lần, dù ngành chức năng khẳng định việc cưỡng chế tháo dỡ công trình trái phép là đúng quy định pháp luật.
“Theo quy định, việc xây dựng nhà xưởng sản xuất, kinh doanh phải có chủ trương đầu tư, thỏa thuận địa điểm đầu tư và phải bảo đảm các thủ tục về đất đai, giấy phép xây dựng, phòng cháy, chữa cháy,... Vì vậy, ông Châu Đường tự ý xây dựng nhà xưởng sản xuất, kinh doanh trên đất lúa là sai quy định pháp luật” - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Nguyễn Văn Thông cho biết.
Tuy nhiên, qua sự việc này cho thấy, chính quyền, ngành chức năng ở địa phương chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc xây dựng công trình trái phép này ngay từ đầu.
Cụ thể, công trình được triển khai xây dựng khá lâu thì mới lập biên bản vi phạm. Cụ thể, theo hồ sơ, ông Đường xây dựng công trình nhà xưởng trái phép trong tháng 6/2018 nhưng đến tháng 8/2018, ông mới bị lập biên bản vi phạm vì xây dựng công trình nhà xưởng trái phép trên đất lúa. Vấn đề này cũng được Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Nguyễn Văn Thông chỉ ra. “Việc xử lý xây dựng trái phép nếu được kịp thời phát hiện, ngăn chặn ngay từ đầu, khi công trình vừa đặt những viên gạch đầu tiên thì sẽ dễ dàng hơn” - ông Thông nói.
Không chỉ riêng trường hợp này mà thực tế qua ghi nhận của phóng viên, có thời gian, công tác quản lý xây dựng từ cơ sở có nhiều lỏng lẻo, thiếu quyết liệt dẫn đến tình trạng san lấp, xây dựng trái phép xảy ra ở nhiều địa bàn trong tỉnh, gây bức xúc trong dư luận. Năm 2017, báo chí trong và ngoài tỉnh đã phản ánh rất nhiều về tình trạng các công trình nhà xưởng, nhà kho không phép mọc lên trên đất nông nghiệp, đất ở. Từ thực tế và những tồn tại, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND, ngày 28/6/2017 về việc tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm về chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng trái phép trên địa bàn tỉnh.
Quyết định cưỡng chế là đúng quy định pháp luật
Theo Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Trần Văn Tươi, thực hiện chỉ thị này, huyện đã tiến hành thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra thì phát hiện 72 trường hợp vi phạm; trong đó có trường hợp phù hợp quy hoạch nên được hướng dẫn thực hiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục để tồn tại. “Cũng trong 72 trường hợp vi phạm thì có 34 trường hợp xây dựng trái phép trên đất lúa (trong đó có trường hợp của ông Châu Đường). Theo đó, ngành chức năng yêu cầu phải tiến hành tháo dỡ, trả lại hiện trạng. Đến nay, có 5 trường hợp tự nguyện tháo dỡ theo yêu cầu” - ông Tươi nói.
Cũng theo ông Trần Văn Tươi, khu vực ông Châu Đường xây dựng nhà xưởng trái phép trên đất lúa, hoàn toàn không phù hợp quy hoạch đất ở, đất sản xuất, kinh doanh.
Mặc dù biết xây dựng trái phép trên đất ở là sai nhưng ông Châu Đường vẫn nhiều lần khiếu nại quyết định cưỡng chế. Trong cuộc đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh vào ngày 18/4, ông Châu Đường vẫn mong muốn được hợp thức hóa, cho công trình nhà xưởng trái phép của mình tiếp tục được tồn tại, hoạt động sản xuất. Trước khi đề xuất mong muốn này, ông cũng thắc mắc vì sao vẫn còn những công trình vi phạm tương tự như ông chưa bị tháo dỡ?
Sau khi nắm rõ trình bày, ý kiến của ông Châu Đường, nghiên cứu hồ sơ và những thông tin về vụ việc từ các sở, ngành, UBND huyện Bến Lức, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần nhấn mạnh, quan điểm của tỉnh là kiên quyết xử lý nghiêm những công trình xây dựng trái phép. Về vấn đề này, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 12, ngày 28/6/2017 về việc tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm về chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng trái phép trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, tỉnh luôn yêu cầu, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương kiên quyết tiến hành lập lại kỷ cương, trật tự trong lĩnh vực xây dựng theo tinh thần của Chỉ thị 12.
Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần khẳng định, tỉnh luôn kêu gọi và tạo điều kiện tốt để các tổ chức, cá nhân đầu tư vào Long An. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. “Trường hợp ông Châu Đường xây dựng nhà xưởng để sản xuất, kinh doanh trên đất lúa là sai quy định. Như vậy, việc Chủ tịch UBND huyện Bến Lức ra quyết định cưỡng chế là đúng quy định pháp luật và không có gì để bàn cãi” - Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần khẳng định.
Tuy nhiên, để đưa ra kết luận đối với khiếu nại của ông Châu Đường thì Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo và giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND huyện Bến Lức rà soát, báo cáo kế hoạch xử lý đối với 33 trường hợp khác cũng có công trình xây dựng trái phép trên đất lúa, đất ở.
“Tất cả 34 công trình vi phạm, trong đó có nhà xưởng của ông Châu Đường, chính quyền phải đánh giá, xem xét về thực trạng, quy mô công trình và kế hoạch xử lý thế nào,... Đồng thời, UBND huyện cũng phải rà soát nắm lại quá trình xây dựng trái phép của các công trình và động thái của chính quyền địa phương khi phát hiện, xử lý xây dựng trái phép ra sao” - ông Trần Văn Cần yêu cầu.
Ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ có cuộc làm việc với huyện Bến Lức để nhanh chóng có kết luận cuối cùng về hướng giải quyết đối với trường hợp ông Châu Đường. Đồng thời, cũng có kế hoạch, biện pháp xử lý đối với những trường hợp vi phạm xây dựng trái phép tương tự như ông Châu Đường theo đúng quy định, bảo đảm công bằng, tránh sự so sánh, thắc mắc giữa các hộ./.
Lê Đức