Tiếng Việt | English

20/06/2023 - 14:28

Xu hướng phát triển của báo chí trong kỷ nguyên số 

Những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ phát thanh, truyền hình, nhất là Internet đã tạo ra sự bùng nổ thông tin. Vì vậy, các cơ quan báo chí buộc phải thay đổi để thích ứng làm báo trong kỷ nguyên số.

1.

Đón đầu xu thế mới, những năm gần đây, Hội Nhà báo Việt Nam thường tổ chức những đợt tập huấn cho đội ngũ những người làm báo về việc ứng dụng báo chí dữ liệu vào tác phẩm báo chí. Nhà báo, Thạc sĩ Phan Kim Sơn - giảng viên kiêm chức của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam), từng chia sẻ, báo chí dữ liệu xuất hiện từ lâu bằng những biểu đồ, hình vẽ để minh họa cho các bài viết nhưng được nhắc đến nhiều trong hơn 1 thập niên trở lại đây, khi công nghệ kỹ thuật số và Internet phát triển. Báo chí dữ liệu chính là việc sử dụng con số, dữ liệu để tạo ra một tác phẩm báo chí một cách bao quát, hấp dẫn nhất có thể.

Thời đại công nghệ số, nhiều người đọc báo trên điện thoại thông minh

So với các tác phẩm báo chí truyền thống cách trình bày có “quá nhiều chữ” khó có thể thu hút sự chú ý của công chúng hiện đại, nói đến báo chí dữ liệu là nói đến hình ảnh hóa dữ liệu bằng các biểu đồ, infographic,... Hình ảnh hóa dữ liệu kết hợp với khả năng phân tích báo chí trong tác phẩm báo chí dữ liệu tạo ra sự cuốn hút so với các bài báo thông thường. Trong thời đại kỹ thuật số, mọi thứ đều được mô tả bằng những con số.

Trưởng cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Long An - nhà báo Trần Thanh Bình cho hay, chuyển đổi số (CĐS) trong báo chí là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình tòa soạn từ quản trị nhân lực, sản xuất, tối ưu hóa dữ liệu đến quy trình xuất bản, phân phối nội dung nhằm tạo một tòa soạn/tổ hợp báo chí hội tụ đa phương tiện, kết nối thuận tiện tới độc giả. Ngay từ khi thành lập, Vietnamplus xác định lấy đa dạng hình thức chuyển tải thông tin trên nền tảng số với đủ text, video, ảnh, infographic, báo chí dữ liệu tạo tin tức sống động. Trong giai đoạn CĐS hiện nay, Vietnamplus tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm báo chí của tòa soạn, nhất là trên nền tảng số, tiến tới tăng doanh thu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và sản phẩm báo chí MC ảo, text to voice, video gắn phụ đề tự động hướng tới tăng trải nghiệm cho độc giả,…

“CĐS không nằm ở vấn đề công nghệ mà ở con người và tư duy vì để vận hành CĐS, cần có người làm chuyên môn mới am hiểu. Số hóa các nội dung không phải đưa lên nền tảng số mà phải tạo ra cả một quy trình sản xuất mới. Từ đó, tạo ra những thông tin mới, hay, thậm chí có cả văn hóa tòa soạn phù hợp trong CĐS. Gần đây, Thông tấn xã nhờ áp dụng CĐS vào thực hiện đưa tin, ảnh, truyền hình nên rất thuận lợi, nhanh, phù hợp với xu thế” - nhà báo Thanh Bình nói.

2.

Trước những thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, báo chí có nguy cơ bị truyền thông xã hội chi phối. Vì vậy, để tồn tại và nâng chất phục vụ bạn đọc, báo chí cần phải CĐS. Trong xu hướng CĐS, có rất nhiều cơ quan báo chí tận dụng được nền tảng công nghệ mới gắn với việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của các nhà báo nên tạo ra được những hướng đi mới, bắt kịp xu hướng phát triển của thời đại. Tuy nhiên, việc đổi mới, sáng tạo phải được gắn với trách nhiệm của người làm báo.

VnExpress ứng dụng công nghệ số để làm báo

Nhà báo Hoàng Nam công tác tại Báo điện tử VnExpress chia sẻ, VnExpress khởi đầu phụng sự cộng đồng trên nền tảng công nghệ và tiếp tục giữ vững vị thế tiên phong này suốt hơn 2 thập niên qua. Đón đầu xu thế tiếp nhận thông tin theo cách mới, trang Podcast sau hơn 2 năm ra mắt có khoảng 2 triệu người nghe mỗi tháng. Đặc biệt, Văn phòng VnExpress được thiết kế theo không gian mở phù hợp với mô hình vận hành của một tòa soạn hội tụ. Trung tâm là bàn thư ký (super desk), xung quanh là các ban chuyên môn được bố trí theo từng khối.

2022 là năm đánh dấu VnExpress vận hành một hệ thống chỉ số riêng cho báo, tự chủ hoàn toàn về công nghệ. VnExpress tiếp tục đi đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động biên tập, kinh doanh và nghiên cứu nhu cầu độc giả. AI đang giúp các nhà báo tự động hóa một số phân đoạn sản xuất. Điển hình, AI hỗ trợ chương trình điểm tin của Podcast, giúp giảm 75% quy trình. Nhờ đó, nhà báo chỉ tập trung vào nghĩa vụ quan trọng nhất - xây dựng nội dung chất lượng cho độc giả.

Từ năm 2020 đến nay, Báo Long An từng bước “làm mới”, cải tiến một số chuyên mục, hướng đến đáp ứng nhu cầu đa dạng của độc giả. Là mũi nhọn trong tuyến thông tin thời sự, Báo Long An điện tử đã có sự “chuyển mình” rõ rệt cả về giao diện và nội dung. Với lượng người dùng ngày càng tăng và các thiết bị điện tử ngày càng phổ biến, Podcast dù có tuổi đời non trẻ nhưng đang trở thành một xu thế phát triển không nên bỏ lỡ của báo chí thế giới. Bắt nhịp được xu hướng đó, Báo Long An điện tử cũng khai thác Podcast, gồm tin và bản tin phát thanh theo ngày, bên cạnh duy trì bản tin truyền hình tuần, E-Magazine, đồ họa,...

Báo Long An điện tử khai thác Podcast

Theo Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh, Phó Tổng Biên tập Báo Long An - Châu Hồng Khá, thông tin trên báo điện tử được khai thác và triển khai theo hướng tập trung vào thông tin “nóng”, thông tin chủ đề, ưu tiên sử dụng các hình ảnh thể hiện nội dung thông tin thay cho văn bản. Hình thức thể hiện các tin, bài trên báo điện tử cũng được thay đổi, từ việc sử dụng cùng một nội dung như tác phẩm đăng báo in, chuyển tải, bổ sung minh họa phù hợp trên báo mạng; các tin, bài trên ấn phẩm báo điện tử được xây dựng theo bố cục phù hợp với việc đọc báo trên các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại di động,... Đảng ủy, Ban Biên tập Báo Long An tạo điều kiện cho đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên được tham gia các lớp tập huấn, trau dồi kiến thức, kỹ năng làm báo trong thời đại công nghệ số.

Tỉnh đang thực hiện CĐS trên các ngành, lĩnh vực, trong đó có báo chí. Vì vậy, đội ngũ những người làm báo cũng không đứng ngoài xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0 mà “hòa mình” vào “dòng chảy” ấy để bắt kịp xu hướng của thời đại./.

Ngày 06/4/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Hồng Hà ký Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược “CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, CĐS báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin, tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; bảo đảm vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số;...

Theo mục tiêu đặt ra, đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số; 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo;...

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết