Trong những nhiệm kỳ qua, nhờ xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu, trong đó tiêu chuẩn là chính nên hầu hết cán bộ, đảng viên được bầu vào cấp ủy Đảng các cấp đều là những người có đạo đức, có năng lực, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, quan tâm lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân, lắng nghe và tích cực xử lý, giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng, tín nhiệm.
Để cấp ủy khóa mới đủ tâm, đủ tầm thì việc cơ cấu nhân sự phải bảo đảm về tiêu chuẩn, chất lượng. Không vì chạy theo cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Vì vậy, việc nhận xét, đánh giá, lựa chọn cấp ủy khóa mới phải được thực hiện theo đúng nguyên tắc, quy trình; bảo đảm công tâm, khách quan, phát huy dân chủ, trí tuệ của tập thể; kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cục bộ, bè phái, nể nang, né tránh, ngại va chạm. “Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu, lợi ích nhóm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, quan liêu, tham nhũng; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính”.
“Việc chuẩn bị nhân sự cấp ủy phải trên cơ sở quy hoạch, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và khả năng đáp ứng của cán bộ. Đồng thời, cần chú trọng phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới có đức, có tài, có uy tín, có triển vọng. Trong công tác nhân sự, phải xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu, trong đó tiêu chuẩn là chính, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn; coi trọng cả đức và tài, trong đó đức là gốc” như chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước - Nguyễn Phú Trọng trong bài viết “Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”./.
Nguyễn Minh Cường