Công ty TNHH Phước Thành II (phường Tân Khánh, TP.Tân An) chú trọng sản xuất gạo theo hướng chất lượng
Xuất khẩu tăng về lượng lẫn giá trị
Hiện trên địa bàn tỉnh có 25 thương nhân XK gạo, trong đó, có 3 DN được phép XK gạo trực tiếp sang Trung Quốc. Trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch XK gạo đạt 353.859 tấn với trị giá 182,9 triệu USD, tăng 27,23% về lượng và tăng 29,31% về giá trị so cùng kỳ năm 2022. Giá XK bình quân đạt 517 USD/tấn, tăng khoảng 8 USD/tấn so với giá XK bình quân cùng kỳ năm 2022. Thị trường XK chủ yếu là Trung Quốc, Singapore, Indonesia, Ghana, Hồng Kông, Malaysia, Philippines, châu Phi và một số thị trường khó tính như EU (Đức, Anh, Hà Lan, Pháp,...), Mỹ, Canada, Úc, UAE,... Chủng loại gạo XK chủ yếu là gạo thơm, gạo trắng, gạo nếp, gạo Japonica,...
Công ty (Cty) TNHH Hoàng Gia Nhựt Quang (ấp Bình Cang 2, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) là một trong những DN trên địa bàn tỉnh được phép XK gạo. Theo Phó Giám đốc Cty - Nguyễn Nhựt Quang, được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng trong tỉnh, Cty có điều kiện xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới nhưng không chú trọng số lượng mà tập trung xây dựng chất lượng. Hiện Cty có vùng nguyên liệu lớn vài trăm hécta tại các huyện: Vĩnh Hưng, Tân Hưng và một số khu vực khác ở miền Tây. Ngoài ra, Cty còn đầu tư nhiều trang thiết bị phục vụ sản xuất.
Hiện nay, sản phẩm chủ lực của Cty là gạo thơm, nếp. Ngoài bán hàng nội địa, Cty còn đẩy mạnh XK sang một số thị trường ở châu Âu, Singapore, Đài Loan,... Trong 6 tháng qua, Cty XK khoảng 10.000 tấn, tăng khoảng 20% sản lượng so cùng kỳ; đồng thời, giá bán cũng tốt hơn cùng kỳ từ 20-30 USD/tấn.
Cũng giống như Cty TNHH Hoàng Gia Nhựt Quang, nhiều năm nay, Cty TNHH Phước Thành II (phường Tân Khánh, TP.Tân An) chú trọng nâng cao chất lượng gạo và xây dựng thương hiệu cho việc XK. Phó Giám đốc Cty - Nguyễn Tuấn Khoa chia sẻ, gạo, nếp Cty XK ra nước ngoài chủ yếu phục vụ các nhà hàng, quán ăn, các cơ sở chế biến bánh, thức ăn các loại,...
Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Phước Thành II
Để có thể duy trì khách hàng cũ, tiếp cận khách hàng mới, Cty TNHH Phước Thành II chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu, dự trữ lượng hàng dồi dào và không ngừng nâng cao năng lực sản xuất. Ông Nguyễn Tuấn Khoa cho biết, nhu cầu của khách hàng ngày càng cao. Nếu như trước đây, khách hàng chuộng loại bao bì 25-50kg/bao thì nay, họ chuộng loại từ 1-2-3-5kg/bao. Với loại này, sau khi nhập về, khách hàng có thể đưa sản phẩm vào cửa hàng bán luôn mà không cần phân chia, đóng gói lại.
Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, Cty vừa đầu tư máy đóng gói có hút chân không. Máy này có nhiều ưu điểm, có thể đóng dấu ngày sản xuất, hạn dùng, tránh mối mọt, côn trùng tấn công vào túi gạo. Chính vì chịu khó đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất, 6 tháng đầu năm 2023, Cty XK gạo tăng khoảng 20% sản lượng so cùng kỳ năm 2022, đạt khoảng 12.000 tấn.
Xây dựng, phát triển vùng lúa chất lượng cao
Việt Nam có diện tích gieo trồng lúa đứng thứ 6 trên thế giới. Diện tích gieo trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm 54% diện tích gieo trồng lúa cả nước. Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam luôn giữ vị trí thứ 3 thế giới về XK gạo, dao động từ 5-7 triệu tấn. ĐBSCL đóng góp 90% lượng gạo XK. Một số chủng loại gạo đặc sản của Việt Nam đã có giá XK tương đương với gạo thơm Thái Lan. Với gạo trắng, gạo Việt Nam gần đây có lúc giá vượt trên gạo Ấn Độ và Thái Lan. Gạo Việt Nam đã thâm nhập được các thị trường khó tính như EU và bước đầu có thương hiệu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai xây dựng Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh Vùng ĐBSCL”. Đề án nhằm hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, tạo thuận lợi để tổ chức lại sản xuất lúa gạo của Vùng ĐBSCL theo hướng hiện đại, đáp ứng đa mục tiêu là nâng cao giá trị gia tăng chuỗi lúa gạo và thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ chế biến, XK gạo đạt hiệu quả cao, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng cao với biến đổi khí hậu.
Căn cứ đề án này và Quyết định số 12561/QĐ-UBND, ngày 30/12/2022 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án Chuyển đổi cơ cầu cây trồng, nuôi thủy sản vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An giai đoạn 2021-2030, tỉnh đăng ký diện tích canh tác lúa Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh Vùng ĐBSCL”. Theo đó, Long An đăng ký đến năm 2025 có diện tích canh tác lúa đạt 60.000ha; đến năm 2030, diện tích canh tác lúa đạt 120.000ha.
Thông tin từ Sở Công Thương, thực hiện Quyết định số 583/QĐ-TTg, ngày 26/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường XK gạo của Việt Nam đến năm 2030 và Công điện số 610/CĐ-TTg, ngày 03/7/2023 về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, XK gạo, Sở Công Thương tiếp tục tham mưu UBND tỉnh phối hợp ngành Nông nghiệp quy hoạch, xây dựng lại vùng trồng, xác định được chủng loại, tiêu chuẩn chất lượng cho từng thị trường. Qua đó, hướng dẫn người dân, các hợp tác xã và DN sản xuất, chế biến bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Đặc biệt, Sở Công Thương tiếp tục hỗ trợ các DN xuất khẩu gạo về các thông tin, tình hình, nhu cầu các thị trường; đặc biệt đối với thị trường mới, các thị trường Việt Nam đã ký kết Hiệp định Thương mại Tự do (FTA); tăng cường hỗ trợ trong xúc tiến thương mại qua các hội chợ, triển lãm quốc tế đối với ngành lương thực, thực phẩm để tiêu thụ sản phẩm bền vững.
Kỳ vọng, cùng với việc quy hoạch xác định lại vùng trồng các tiêu chuẩn của gạo XK, hỗ trợ các DN, DN liên kết với người sản xuất lúa xây dựng vùng nguyên liệu, gạo XK của tỉnh sẽ ngày càng tăng sản lượng, tăng giá trị thông qua đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường khó tính./.
Mai Hương