Mặc dù hệ thống xử lý nước thải nhà máy đang hoạt động nhưng nhiều vị trí trong nhà máy vẫn xuất hiện tình trạng nước rác rò rỉ
10 phần, đốt chỉ 1 phần!
Ngày 25/10/2017, đại diện Tổ công tác của Sở Tài Nguyên và Môi trường đến kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại NMXLR Tâm Sinh Nghĩa. Có mặt cùng đoàn kiểm tra, phóng viên Báo Long An ghi nhận, thời điểm này, khu vực xung quanh nhà máy vẫn còn phát sinh mùi hôi, nhiều ruồi nhặng. Mặc dù hệ thống xử lý nước thải của nhà máy đang hoạt động nhưng nhiều nơi trong nhà máy vẫn xuất hiện tình trạng nước rác rò rỉ tại các vị trí như kho số 1 (giáp với hệ thống xử lý nước thải), hầm ủ và khu nhà sàn lồng trong khuôn viên nhà máy. Đường đi xung quanh khuôn viên nhà máy xuống cấp, sình lầy.
Nước rò rỉ từ nguồn rác thải làm cho người dân sống gần khu vực này rất bức xúc vì môi trường sống bị ô nhiễm. Ông Đ.T.Th (68 tuổi) - người dân trong khu vực, cho biết: “Tuyến đường bên kia kênh 3 - khu vực nhà máy, trước khi chưa che chắn, ngày nào chạy xe ngang đó, tôi cũng thấy họ đào hầm chôn rác. Sống ở đây lâu năm, tôi và bà xã cũng từng làm trong nhà máy nên biết được nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng. Nếu một ngày nhà máy thu vô 10 phần rác thì chỉ đốt 1 phần.
Nước rỉ từ rác thải tràn ra bên ngoài nên môi trường ngày càng bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt của khoảng 20 hộ dân sinh sống tại kênh 3 (vì chưa có nước hợp vệ sinh). Không chỉ làm cho người dân khổ vì mùi hôi thối, nước thải từ hoạt động xử lý rác còn làm cho người dân sản xuất lúa thất mùa. Khi chưa có bãi rác, 1ha lúa ở đây cho năng suất từ 7-10 tấn, nhưng nay chỉ còn khoảng 5 tấn (vụ Đông Xuân)”.
Tương tự ông Đ.T.Th, chị N.T.L, ngụ cùng địa phương, không giấu sự bực bội: “Từ xưa đến giờ, người dân nơi đây sử dụng nước kênh 3 để sinh hoạt trong gia đình, nay nhà máy thường xả thải xuống kênh 3 vào ban đêm, nhất là khi trời mưa nên có những lúc nguồn nước bị ô nhiễm. Giặt giũ, rửa tay chân đều có mùi hôi, đến mức ăn cơm cũng phải giăng mùng để tránh ruồi nhặng. Người dân nơi đây ai cũng rất bức xúc, nhưng tình trạng này vẫn chưa được khắc phục”.
Nói về hoạt động của NMXLR, Chủ tịch UBND xã Tân Đông - Bùi Văn Dũng thông tin: “Chính quyền địa phương luôn quan tâm thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên lĩnh vực môi trường. UBND xã phối hợp các ngành chức năng huyện, tỉnh thường xuyên kiểm tra, phát hiện nhà máy còn để nước rỉ rác lẫn nước mưa tràn ra bên ngoài. Phần rác lộ thiên chưa được phủ kín bạt. Vì vậy, chúng tôi nhiều lần đề nghị nhà máy thường xuyên xử lý mùi hôi của rác và xây dựng hệ thống đê bao bằng bêtông để chống tràn, ngăn sự thẩm thấu nước rỉ rác thải ra bên ngoài. Đồng thời, đề nghị cần vệ sinh xe chở rác, tránh để nước rác thải chảy tràn trong quá trình vận chuyển, gây ô nhiễm môi trường. Nhưng nhà máy chưa nghiêm túc nhìn nhận cái sai, chưa khắc phục”.
Còn về nghi vấn doanh nghiệp không đốt 100% rác thải mà xử lý bằng cách chôn lấp, theo ông Bùi Văn Dũng thì không có chuyện đó.
Tuy nói là xử lý nhưng công nghệ xử lý rác của nhà máy còn lạc hậu, cách thức xử lý phổ biến vẫn là đốt, phân loại rác còn mang tính thủ công.
"Từ xưa đến giờ, người dân nơi đây sử dụng nước kênh 3 để sinh hoạt trong gia đình, nay nhà máy thường xả thải xuống kênh 3 vào ban đêm, nhất là khi trời mưa nên có những lúc nguồn nước bị ô nhiễm. Giặt giũ, rửa tay chân đều có mùi hôi, đến mức ăn cơm cũng phải giăng mùng để tránh ruồi nhặng. Người dân nơi đây ai cũng rất bức xúc, nhưng tình trạng này vẫn chưa được khắc phục." Chị N.T.L |
Xây thêm lò đốt rác
Quản lý NMXLR Tâm Sinh Nghĩa - Đỗ Văn Khánh thông tin, hiện nhà máy có 2 lò đốt rác hoạt động với công suất 220-250 tấn/ngày. Thế nhưng, lượng rác nhà máy tiếp nhận trong những tháng gần đây từ 370-400 tấn/ngày. Rác được thu gom từ các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Tân Thạnh, Châu Thành, Thạnh Hóa, Tân Trụ; xã Mỹ An, Mỹ Phú của huyện Thủ Thừa và TP.Tân An. Do khối lượng rác vượt xa công suất thiết kế nên nhà máy luôn trong tình trạng quá tải. Hiện, lượng rác tập kết trong các kho chứa có mái che khoảng 19.800 tấn và rác tập kết ngoài trời khoảng 18.200 tấn.
Theo biên bản kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của nhà máy vào ngày 25/10/2017 của Tổ công tác Sở Tài nguyên và Môi trường, lượng rác tại vị trí gần lò đốt chưa phủ bạt - do nhà máy đang thực hiện chuyển rác vào kho và lò đốt. Riêng lượng rác ngoài trời gần kho số 3 có che phủ bạt nhưng một phần bạt bị gió cuốn.
Đoàn yêu cầu nhà máy duy trì vận hành liên tục 2 lò đốt nhằm nhanh chóng xử lý lượng rác tồn đọng. Nhà máy phải bảo đảm xử lý khí thải từ 2 lò đốt đạt quy chuẩn quy định trước khi thải ra ngoài; đồng thời, duy trì phun xịt hóa chất hàng ngày tại các vị trí tồn đọng rác; khẩn trương hoàn thành kho chứa rác số 3 trước ngày 15/11/2017 và phủ bạt phần rác chưa được che phủ còn để ngoài trời.
Nhà máy phải thường xuyên kiểm tra, rà soát, thu gom nước thải trước khi bơm lên hệ thống xử lý, bảo đảm xử lý nước thải đạt quy chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường, không để lượng nước rỉ rác và nước mưa nhiễm bẩn chảy tràn vào đường thoát nước và thoát trực tiếp ra kênh 3.
Do quá tải nên nhà máy xử lý rác trở thành bãi chứa rác, gây ô nhiễm môi trường và bức xúc cho người dân
Trước tình trạng quá tải, gây ô nhiễm môi trường ở NMXLR Tâm Sinh Nghĩa, UBND tỉnh có cuộc làm việc với các sở, ngành liên quan bàn về công tác xử lý rác.
Theo thông báo kết luận của UBND tỉnh tại cuộc họp bàn về công tác xử lý rác ngày 13/10/2017, UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì phối hợp Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường xác định lại giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác phù hợp với tình hình thực tế. Chậm nhất trong tháng 10/2017, Sở Xây dựng trình UBND tỉnh ban hành khung giá dịch vụ về rác.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương làm việc với nhà đầu tư Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam xúc tiến ngay việc đầu tư xây dựng lò đốt rác 250 tấn/ngày. UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành tạm ngưng thỏa thuận kêu gọi đầu tư thêm các NMXLR. Sở Tài nguyên và Môi trường, với chức năng được giao tiếp tục nghiên cứu chiến lược đầu tư xây dựng các lò đốt rác trên địa bàn toàn tỉnh, bảo đảm phù hợp tình hình thực tế, giá xử lý rác phù hợp, cự ly vận chuyển thích hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường tích cực kiểm tra, đôn đốc các lò đốt rác tại huyện Vĩnh Hưng, thị xã Kiến Tường khẩn trương hoạt động, đáp ứng kịp thời nhu cầu xử lý rác, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường.
Liên quan đến việc xử lý rác thải, UBND tỉnh có văn bản gửi UBND TP.HCM chỉ đạo đơn vị xử lý rác giúp đỡ tiếp nhận xử lý rác của huyện Đức Hòa. Từ kiến nghị này, UBND TP.HCM chấp thuận tiếp nhận xử lý chất thải rắn sinh hoạt của huyện Đức Hòa tại nhà máy của Công ty Cổ phần Vietstar đến hết năm 2017. Theo đó, nhà máy tiếp nhận khoảng 100 tấn rác/ngày của huyện Đức Hòa.
Đối với khu vực xung quanh NMXLR Tâm Sinh Nghĩa hiện hữu, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Thạnh Hóa tuyệt đối không cho mở rộng, không cho xây thêm các nhà máy, xí nghiệp trên tuyến đường từ Quốc lộ 62 đi vào NMXLR. Về lâu dài, phải dời hết các nhà máy chế biến thực phẩm ra khỏi khu vực gần NMXLR.
Rác thải và xử lý rác thải từ lâu không còn là chuyện nhỏ và việc xử lý triệt để vấn đề rác thải không phải đơn giản,... Dư luận hoan nghênh thiện chí của doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng NMXLR, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động,… Nhưng, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là NMXLR Tâm Sinh Nghĩa nên chủ động khắc phục những “lỗi kỹ thuật” chỉ ra ở trên. Bởi người dân, không có lý do gì khi vừa đóng tiền xử lý rác lại vừa phải gánh chịu hậu quả của quá trình xử lý ấy,...
Trường hợp cần thiết, cơ quan chức năng phải có biện pháp chế tài để doanh nghiệp này chấn chỉnh hoạt động, không để nước thải không đạt tiêu chuẩn chảy ra ngoài như bấy lâu nay.
Ô nhiễm môi trường đã, đang và sẽ là vấn đề nóng. Trong phiên họp cách nay chưa lâu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, không vì phát triển kinh tế mà đánh đổi môi trường.
Trong quí I-2017, nhà máy đưa vào vận hành lò đốt rác thứ hai với công suất trên 120 tấn/ngày, nâng công suất xử lý từ 220-250 tấn/ngày. Thế nhưng, khi đang vất vả xử lý lượng rác tồn đọng của những năm qua thì đầu tháng 5/2017 đến nay, nhà máy lại “gồng mình” tiếp nhận thêm từ 150-170 tấn/ngày từ huyện Đức Hòa. Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường, lượng rác sinh hoạt trên toàn tỉnh thu gom khoảng 550 tấn/ngày. Ngoài một số địa phương đưa rác về xử lý tại nhà máy Tâm Sinh Nghĩa thì rác thải tại huyện Cần Đước và Cần Giuộc được chuyển về Khu Xử lý chất thải rắn Đa Phước (TP.HCM), một vài nơi xử lý tại lò đốt của địa phương./. |
Ngọc Mận