Tiếng Việt | English

19/10/2017 - 21:26

“Nóng” chuyện xử lý rác

Thời gian qua, xử lý rác là một trong những vấn đề nóng bỏng trên địa bàn tỉnh Long An. Lượng rác thải quá nhiều, “đầu ra” khó khăn, nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa đang quá tải, gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, các địa phương cũng cho rằng mức phí dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý rác còn thấp, phải sử dụng ngân sách để bù vào.

Nhà máy quá tải triền miên
Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa (thuộc xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) được đầu tư từ năm 2011, dự kiến công suất xử lý 300 tấn rác/ngày. Đến tháng 1/2012, nhà máy bắt đầu tiếp nhận rác. Sau thời gian đi vào hoạt động, nhà máy xử lý rác nhưng...trở thành bãi rác vì luôn trong tình trạng quá tải.

Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa luôn quá tải và gây ô nhiễm môi trường

Cụ thể, từ năm 2012 đến hết 2016, nhà máy chỉ có một lò đốt rác công suất trên 100 tấn/ngày, trong khi lượng rác tiếp nhận khoảng 200 tấn/ngày từ các huyện: Tân Thạnh, Bến Lức, Châu Thành, Tân Trụ, TP.Tân An. Cứ thế, lượng rác tồn đọng ngày càng tăng, mùi hôi lan xa thu hút ruồi nhặng, nước rỉ thải thường tràn ra bên ngoài gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Trước tình trạng này, lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng nhiều lần làm việc với Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa. Phía nhà máy cũng than phiền về việc các địa phượng nợ tiền, đồng thời, cho rằng mức phí xử lý rác chi trả cho nhà máy quá thấp.

Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan tính toán lại, quyết định nâng mức xử lý rác cho nhà máy lên 400 ngàn đồng/tấn, yêu cầu các địa phương nhanh chóng thanh toán đầy đủ số tiền còn nợ.

Trong quý 1/2017, nhà máy đưa vào vận hành lò đốt rác thứ hai với công suất trên 120 tấn/ngày, nâng công suất xử lý lên khoảng 220 tấn/ngày. Thế nhưng, khi đang vất vả xử lý lượng rác tồn đọng của những năm qua thì đầu tháng 5/2017 đến nay, nhà máy lại “gồng mình” tiếp nhận thêm gần 100 tấn rác từ huyện Đức Hòa. Lý do toàn bộ rác từ địa phương này bị UBND TP.HCM từ chối tiếp nhận.

Như vậy, nhà máy tiếp nhận khoảng 300 tấn/ngày nhưng công suất xử lý chỉ khoảng 220 tấn. Từ đó, theo thời gian, lượng rác tồn đọng tiếp tục tăng . Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An – Nguyễn Tân Thuấn, đến đầu tháng 10/2017, lượng rác tồn đọng tại nhà máy ước khoảng 20.000 tấn.

Với thực trạng trên, rõ ràng, việc xử lý rác ở tỉnh vẫn phụ thuộc nhiều vào Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa. Trong khi đó, dự án xây dựng nhà máy xử lý rác ở huyện Thủ Thừa do Cty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam đầu tư chưa biết đến bao giờ mới hoàn thành?

Lại phải nhờ TP.HCM giúp đỡ

Đầu tháng 10/2017, Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa dừng tiếp nhận rác từ huyện Đức Hòa (do còn nợ nhà máy tiền xử lý rác). Từ đó, nhiều ngày liền, rác sinh hoạt trên địa bàn huyện bị tồn ứ dọc các tuyến đường, cổng khu công nghiệp, chợ,...khá nhiều, gây ô nhiễm môi trường.


Long An còn nhiều khó khăn trong “đầu ra” cho rác sinh hoạt

Trước tình hình trên, UBND huyện Đức Hòa phải “cầu cứu” Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh. Sau đó, nhà máy Tâm Sinh Nghĩa lại tiếp tục nhận rác của huyện để xử lý.

“Vì đường xa, chi phí vận chuyển rác về Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa cao hơn nhiều so với đưa về TP. HCM. Tổng chi phí vận chuyển, xử lý rác tại Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa gần 1,3 triệu đồng/tấn, cao hơn 3 đến 4 lần so với tại TP.HCM. Trước vấn đề này, chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh làm việc với UBND TP.HCM để hỗ trợ tiếp nhận xử lý rác của huyện” - Bí thư Huyện ủy Đức Hòa – Nguyễn Văn Út cho biết.

Nhằm giảm chi phí và hạn chế tình trạng quá tải của Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa, UBND tỉnh gửi công văn đến UBND TP.HCM chỉ đạo đơn vị xử lý rác giúp đỡ tiếp nhận, xử lý rác của huyện Đức Hòa.

Từ kiến nghị này, ngày 12/10/2017, UBND TP.HCM có công văn trả lời “chấp thuận chủ trương hỗ trợ tiếp nhận xử lý chất thải rắn sinh hoạt của huyện Đức Hòa tại nhà máy của Cty Cổ phần Vietstar đến hết năm 2017. Theo đó, nhà máy sẽ tiếp nhận khoảng 100 tấn rác/ngày của huyện Đức Hòa”.

Phí thu gom, vận chuyển quá thấp

Tại huyện Đức hòa, rác sinh hoạt trên địa bàn huyện chỉ gom trung bình gần 84 tấn/ngày, trong khi thực tế khoảng 140 tấn/ngày. Thế nhưng, kinh phí thu từ hộ dân theo Quyết định 5612/2016/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của UBND tỉnh quy định chỉ đạt hơn 1,67 tỉ đồng/tháng. Trong khi mỗi tháng, chi phí hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý rác tại Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa tốn hơn 3,17 tỉ đồng. Như vậy, ngân sách huyện phải chi thêm 1,49 tỉ đồng/tháng.

“So với dự toán kinh phí sự nghiệp môi trường được UBND tỉnh phân bổ 6,8 tỉ đồng/năm sẽ không bảo đảm” - Bí thư huyện ủy Đức Hòa – Nguyễn Văn Út nêu khó khăn.

Để giải quyết tình trạng ùn ứ rác, huyện Đức Hòa kiến nghị UBND tỉnh Long An điều chỉnh mức giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn, rác thải sinh hoạt để bảo đảm nguồn chi cho đơn vị thu gom thực hiện. Ngoài ra, huyện cũng xin chủ trương cho tạm ứng ngân sách để các đơn vị thanh toán nợ với Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa. Về lâu dài, nếu được UBND tỉnh đồng ý, UBND huyện Đức Hòa kêu gọi xã hội hóa đầu tư thí điểm khu xử lý rác khoảng 100 tấn/ngày đêm, rộng từ 3 - 5 ha, đặt ở vị trí phù hợp.

Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường, lượng rác sinh hoạt trên toàn tỉnh thu gom được khoảng 550 tấn/ngày. Ngoài đưa về xử lý ở Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa thì rác thải tại huyện Cần Đước và Cần Giuộc được chuyển về Khu Xử lý chất thải rắn Đa Phước (TP.HCM), một vài nơi xử lý tại lò đốt của địa phương.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên, không riêng Đức Hòa, các địa phương khác trong tỉnh cũng cho rằng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác theo quy định hiện nay còn quá thấp, đề nghị UBND tỉnh xem xét điều chỉnh cho phù hợp. Các huyện Bến Lức, Cần Đước, TP.Tân An...đều thu không đủ chi nên phải lấy một phần kinh phí khá nhiều từ ngân sách để bù vào./.

Với các hộ không kinh doanh ở phường, thị trấn, mức thu là 15.000 đồng và 20.000 đồng/tháng (tùy mặt tiền đường chính hay hẻm). Mức thu ở xã là 10.000 đồng và 15.000 đồng/tháng (tùy vào mặt tiền đường và hẻm).

(Theo Quyết định 5612 ngày 30/12/2016 của UBND tỉnh về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn, rác sinh hoạt trên địa bàn tỉnh).

Lê Đức

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích