Tiếng Việt | English

09/03/2016 - 16:57

"...Quyết chí ắt làm nên"

Dù không phải là họa sĩ chuyên nghiệp cũng không được đào tạo bài bản, song với niềm đam mê nghệ thuật, chị Lưu Kim Lạc, ngụ ấp 3A, xã Phước Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An vươn lên trở thành nữ thợ giỏi về vẽ mỹ thuật trên tượng gỗ, được UBND tỉnh tặng danh hiệu này vào năm 2015.

Gia đình chị Lạc đông anh chị em, ba mẹ lại làm nông nên hoàn cảnh khó khăn. Năm 19 tuổi, chị lập gia đình cùng anh Võ Văn Út. Không đất đai sản xuất, cuộc sống gia đình không mấy dư dả khi 2 đứa con lần lượt chào đời. Ngày ấy, với thu nhập ít ỏi từ nghề điêu khắc tượng của anh Út và đồng lương công nhân eo hẹp của chị, cả gia đình phải gói ghém trong chi tiêu.


Chị Lạc nắn nót sản phẩm của mình

Cơ duyên đến với chị khi một lần theo chồng đi giao tượng Phật điêu khắc tại TP.HCM. Tại đây, chị nhìn thấy nhiều hình vẽ rất đẹp và nảy sinh ý định học nghề. Để theo đuổi đam mê, cứ chiều tối sau giờ tan ca, chị lại tranh thủ lên TP.HCM học. Nhưng được thời gian ngắn, chi phí ăn học cộng thêm việc con nhỏ không người chăm sóc, chị đành bỏ dở. Thấy vợ có năng khiếu về mỹ thuật, anh Út hỗ trợ chị rất nhiều. Chị tham khảo sách, tra cứu thêm tài liệu trên mạng để bổ sung kiến thức và thực hành tại cơ sở của gia đình. 6 năm qua, chị đồng hành cùng chồng trong những lần tham gia hội chợ, triển lãm hoặc các cuộc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Lần nào cũng vậy, vợ chồng chị đều “song kiếm hợp bích” làm nên những sản phẩm độc đáo để tham dự cuộc thi sáng tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ do tỉnh Đồng Nai tổ chức.

Chị Lạc chia sẻ, cái khó nhất của thợ vẽ mỹ thuật trên tượng gỗ là việc pha màu. Bởi theo chị, người thợ vẽ cần tỉ mỉ, nắn nót, tạo màu làm sao để mặt Phật được trang nghiêm, áo Phật mặc không được sặc sỡ nhưng nhìn tổng thể phải hài hòa, tạo thiện cảm với khách hàng. Không chỉ vẽ trên tượng gỗ, chị Lạc còn sáng tạo ra nhiều mẫu sản phẩm, dùng để trong trang trí trong nhà cho hợp phong thủy.

Dù được công nhận là thợ giỏi nhưng chị Lạc rất khiêm tốn. Chị nói: “So với nhiều người, tôi cần học hỏi thêm nhiều. Để có được những sản phẩm mới trên thị trường, đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, tôi cần nỗ lực hơn nữa. Vợ chồng tôi đang ấp ủ ý định sẽ đi học để lấy chứng chỉ. Sau đó, sẽ dạy nghề miễn phí cho trẻ khuyết tật, những người có hoàn cảnh khó khăn nhưng đam mê hoặc một số đối tượng khác để họ có được cái nghề, trang trải cuộc sống”.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh - Đỗ Thái Mười cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện nay, nữ thợ giỏi như chị Lạc không hiếm nhưng mọi người quý chị ở tấm lòng. Vừa qua, hội tổ chức đưa đoàn đến tham quan cơ sở của vợ chồng chị. Chính chị Lạc niềm nở và dạy nghề miễn phí cho một số phụ nữ./.

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết