‘Sứ giả’ ở vùng biên
Long An có đường biên giới quốc gia giáp với Campuchia, ở đó, người dân không chỉ chăm lo phát triển kinh tế mà còn chú trọng công tác đối ngoại cùng nước bạn. Nơi biên giới nắng, gió, có những người lặng lẽ đóng góp cho hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị bền chặt giữa hai dân tộc. Ông Nguyễn Văn Hoàng (Phó Trưởng ấp 1, xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa) là một người như thế! Với vốn tiếng Khmer lưu loát, ông như “chiếc cầu nối”, "sứ giả" không chuyên góp phần xây dựng tình đoàn kết giữa hai nước.
Ông Nguyễn Văn Hoàng (Phó Trưởng ấp 1, xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa) đọc lại thư mời chuẩn bị gửi sang bạn
1. 20 giờ, vừa xong bữa cơm tối, ông Hoàng định nghỉ ngơi thì có tiếng chuông điện thoại. Nghe xong, ông vội vã thay quần áo rồi ra ngoài. Trước khi đi, ông dặn vợ: “Bà với mấy đứa nhỏ ở nhà cứ ngủ trước, có dân bên nước bạn đi lạc qua đây, tôi phải đưa họ về!”. Việc nhận được tin báo về những người dân nước bạn đi lạc sang bên mình trong đêm như vậy đã trở nên quá quen thuộc với ông Hoàng trong suốt mấy mươi năm qua. Với tấm lòng nhân hậu, ông cùng bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương sẵn sàng hỗ trợ họ bất cứ lúc nào.
Với sự hướng dẫn của người dân, ông Hoàng cùng đoàn cán bộ đến nơi có người dân nước bạn đi lạc. Người đàn ông Campuchia đang trong trạng thái khá kích động. Với ánh nhìn dịu dàng, ông Hoàng từ tốn ngồi xuống bên cạnh người đàn ông luống tuổi. Giọng nói ấm áp, ông Hoàng bắt chuyện với người đàn ông nước bạn bằng tiếng Khmer, nhắc anh ấy bình tĩnh lại, ông sẽ đưa về nhà. Nghe được tiếng nói quen thuộc, người đàn ông Campuchia dần bình tĩnh, đồng ý để ông Hoàng rửa mặt mũi, tay chân trước khi lên xe để ông Hoàng đưa ra phía biên giới. Sau khi đã bàn giao người cho chính quyền nước bạn, ông Hoàng mới trở về nhà.
Ông Hoàng cho biết, do ở khu vực biên giới nên việc người dân nước bạn (người không làm chủ được ý thức) đi lạc sang Việt Nam khá thường xuyên. Trong các trường hợp đó, cơ quan chức năng của ta phối hợp nước bạn đưa họ đến biên giới an toàn. Hầu như lần nào ông Hoàng cũng có mặt để trấn an người đi lạc bởi ông thạo tiếng Khmer. “Họ thường đi lạc vào buổi tối. Nhận thông tin lúc nào thì chúng tôi hỗ trợ ngay lúc đó, dù đêm tối, mưa gió gì cũng đi, riết rồi quen, với lại khi đi thì có anh em bộ đội biên phòng, công an xã cùng đi, tôi không khi nào đơn độc hết!” - ông Hoàng tâm sự.
Giấy khen của chính quyền nước bạn dành cho ông Nguyễn Văn Hoàng vì có thành tích trong việc xây dựng mối quan hệ hòa bình, hữu nghị giữa 2 bên biên giới
Sinh ra và lớn lên ở xã biên giới Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, thường xuyên qua lại, giao lưu với người dân Campuchia nên ông Hoàng thông thạo tiếng Khmer từ rất sớm. Không chỉ nghe, nói tốt, ông còn có thể đọc, viết. Chính vì vậy, khi về định cư tại xã Tân Hiệp, với vai trò Phó Trưởng ấp, ông thường hỗ trợ địa phương trong công tác ngoại giao nhân dân, hỗ trợ người dân làm ruộng dọc đường biên thỏa thuận các vướng mắc trong cuộc sống hàng ngày cũng như nắm bắt thông tin từ nước bạn.
Kể về chuyện ông Hoàng giúp mình thỏa thuận việc trâu, bò bên nước bạn sang ăn lúa, ăn khoai của mình, anh Nguyễn Thái Học (ấp 1, xã Tân Hiệp) nói: “Tôi làm ruộng dọc đường biên nên đôi khi cũng bị trâu, bò bên nước bạn sổng chuồng qua ăn lúa. Mới đầu, tôi cũng xót của lắm, mồ hôi nước mắt của mình mà! Nhưng khi nghe chú Ba (ông Nguyễn Văn Hoàng) giải thích, tôi đồng ý mức hỗ trợ của bạn vì dù gì cũng là sự việc ngoài ý muốn. Quan trọng vẫn là sự hòa hiếu của người dân hai bên”.
Góc "tự hào" nho nhỏ của ông Nguyễn Văn Hoàng
Có lợi thế nói giỏi tiếng Campuchia, ông Hoàng có nhiều bạn bè bên kia biên giới. Những mối quan hệ bạn bè đó giúp ông Hoàng dễ dàng nắm bắt tình hình an ninh, chính trị bên kia biên giới, góp phần vun đắp cho hoạt động đối ngoại tại địa phương.
Vốn tính cẩn trọng, ông cũng thường nhận nhiệm vụ đưa và nhận thư mời đối ngoại. Bộ đội và cán bộ các địa phương nước bạn hầu hết đều quen thuộc và thân thiết với ông Hoàng. “Mỗi lần tôi sang bên đó đưa thư đều được tiếp đãi rất nhiệt tình. Dịp nước bạn tổ chức bầu cử, tôi cũng thường xuyên qua lại, còn được tặng chiếc đồng hồ đeo tay khá đẹp. Mỗi lần sang nước bạn, tôi đều đeo chiếc đồng hồ này” vừa nói, ông Hoàng vừa chìa chiếc đồng hồ có in hình Chủ tịch thượng viện Hun Sen cho chúng tôi xem.
Tính đến nay, ông Hoàng có hơn 20 năm tham gia hoạt động đối ngoại tại địa phương với những công việc đưa thư đối ngoại, đưa đón đoàn đối ngoại nước bạn vào nước ta, hòa giải các vấn đề phát sinh, hỗ trợ người Campuchia đi lạc trở về nhà,... Bất cứ lúc nào có việc cần đến, ông đều có mặt, không quản ngày đêm. Đối với ông, đó là việc đương nhiên như một phần trong cuộc sống.
2. Không chỉ tham gia công tác đối ngoại, ông Hoàng còn là Phó Trưởng ấp, từng là dân phòng, công an bán chuyên trách,... Nhiều công trình, phần việc trong ấp đều có sự tham gia, hỗ trợ của ông. Các hoạt động vận động, tuyên truyền người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chính sách địa phương, ít nhiều ông Hoàng đều tham gia hỗ trợ. Đưa chúng tôi đến cầu giao thông nông thôn bắc qua kênh Trung Tâm đến khu vực gò Ông Xuân bên kia kênh, ông Hoàng cho biết: “Hồi trước chưa có cầu này, bà con làm ruộng phía bên kia phải đi vòng khá xa. Thấy vậy, tôi với Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp cùng nhau vận động kinh phí xây cầu. Giờ có cầu này, bà con qua lại, vận chuyển vật tư nông nghiệp và nông sản thuận lợi lắm!”. Ngoài ra, ông Hoàng còn tham gia vận động kinh phí lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng trên tuyến đường Trung Tâm thuộc địa bàn ấp 1.
Với vai trò Phó Trưởng ấp 1, xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa, ông Nguyễn Văn Hoàng thường xuyên tham gia vận động người dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước
Mỗi ngày, ở một góc biên giới, ông Hoàng vẫn miệt mài và thầm lặng với những phần việc của mình. Bất cứ khi nào địa phương cần đến, ông cũng sẵn sàng “nhín" chút thời gian ưu tiên cho công việc chung. Niềm vui, động lực của ông chính là lợi ích mà người dân nhận được và những giấy khen, bằng khen ông được nhận từ các cấp chính quyền trong tỉnh và cả từ nước bạn./.
Anh Nguyễn Văn Hoàng trước nay vẫn hỗ trợ hết sức nhiệt tình cho lực lượng bảo vệ biên giới hai bên cũng như cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, người dân trong hoạt động đối ngoại hai bên biên giới. Anh thường phiên dịch khi có các hoạt động đối thoại giữa ta và bạn; phiên dịch, hỗ trợ người dân thỏa thuận khi xảy ra các vấn đề dân sự giữa người dân sống và sản xuất hai bên biên giới, góp phần xây dựng mối quan hệ hòa bình, hữu nghị”. Thiếu tá Mai Thành Dững - Chính trị viên Đồn Biên phòng Thuận Bình |
Quế Lâm
- Ngôi trường đặc biệt nơi đảo xa (19/11)
- Công tác tuyên truyền góp phần bảo đảm an ninh, trật tự (15/11)
- Đại đội Huấn luyện, Tiểu đoàn Huấn luyện Cơ động Bộ đội Biên phòng tỉnh – lá cờ đầu huấn luyện chiến sĩ mới (13/11)
- Các đồn biên phòng tuyên truyền pháp luật cho người dân, học sinh (13/11)
- Những người thầy âm thầm 'gieo chữ' (13/11)
- Chi bộ 2, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao (12/11)
- Bến Lức: Phát huy các nguồn lực xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc (12/11)
- Thanh niên xung kích bảo đảm an ninh, trật tự (12/11)