Tiếng Việt | English

24/09/2023 - 10:24

10 homestay xây trái phép trên núi Cấm: An Giang có tháo dỡ?

Hàng loạt homestay xây trái phép trên núi Cấm bị chính quyền tỉnh An Giang yêu cầu tháo dỡ vì xây cất trên đất rừng, không được cấp phép. Chủ các cơ sở này đang vin vào lý do tháo dỡ thì ngành du lịch sẽ bị ảnh hưởng, người dân mất việc làm.

Các homestay xây trái phép trên núi Cấm thường tạm bợ ở vị trí cheo leo - Ảnh: B.ĐẤU

Khoảng vài năm nay, trên núi Cấm (thuộc ấp Thiên Tuế, xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) xuất hiện nhiều homestay tự phát lớn, nhỏ. Đa số các homestay này, rải rác trên diện tích hàng ngàn mét vuông, được xây dựng bằng vật liệu tạm như tre, gỗ, lá và chỉ một số hạng mục bằng bê tông. Giá thuê lều, phòng tại đây khoảng vài trăm ngàn đồng/đêm và có khá đông khách đặt trước.

Homestay Núi Cấm chỉ nộp phạt, không tháo dỡ

Theo UBND thị xã Tịnh Biên, các homestay trên núi Cấm hình thành và đi vào hoạt động từ năm 2019. Khi đó, UBND xã An Hảo đã có kiểm tra, nhắc nhở đăng ký hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch theo quy định. 

Trong các năm 2022 - 2023, chính quyền xã An Hảo tiếp tục ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 10 chủ homestay do chuyển đất rừng phòng hộ là rừng trồng sang đất phi nông nghiệp. Các chủ homestay đã chấp hành quyết định xử phạt nhưng không khôi phục tình trạng ban đầu của đất.

Gần đây, núi Cấm xảy ra một số vụ sạt lở sườn núi, trong khi các homestay đều được xây dựng tại các vị trí có địa hình lồi lõm, cheo leo trên các mỏm đồi có độ dốc cao với kết cấu tạm bợ, không đồng bộ nên UBND xã An Hảo tiếp tục buộc dừng hoạt động.

Chính vì lý do này mà đồng loạt các chủ homestay bắt đầu "kêu cứu". Họ cho rằng việc dừng "đột ngột" làm ảnh hưởng đến kinh doanh, phải hoàn trả tiền đặt cọc cho khách, đồng thời bày tỏ nguyện vọng được hướng dẫn làm thủ tục pháp lý.

Chị Vân, chủ homestay "Nhà Của Mây", cho biết gia đình chị đã kinh doanh loại hình này gần bốn năm nay và đã được địa phương cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lưu trú, ăn uống và đóng thuế cho Nhà nước bình thường. Tuy nhiên, đầu năm 2023, chị bị lập biên bản về xây dựng trái phép trên đất núi. Gần đây, gia đình chị bị yêu cầu tháo dỡ khắc phục lại hiện trạng ban đầu.

Ngoài ra các chủ homestay cho biết do khách đặt phòng trước đó rất lâu, thậm chí đã nhận cọc tiền phòng đến Tết và họ cảm thấy khó khăn khi phải hồi lại giao dịch đã ký. "Nếu phải dừng, chúng tôi bị ảnh hưởng vì hầu hết mọi người đều vay để đầu tư", chủ nhân homestay "Nhà Của Mây" biện luận.

Ông Đặng Phú Sĩ, chủ homestay Phú Sĩ, nêu lập luận tương tự: "Chỗ của tôi hoạt động từ ngày 30-4-2022, bình quân đón 400 - 600 lượt khách/tháng. Nếu dừng hoạt động sẽ mất thu nhập 120 - 150 triệu đồng/tháng. Rất nhiều khách đã đặt phòng trước từ vài tháng. Nếu dừng tiếp khách thì chúng tôi sẽ bồi thường hợp đồng".

Các homestay xây trái phép trên núi Cấm thường tạm bợ ở vị trí cheo leo - Ảnh: B.ĐẤU

An Giang nói gì?

Một lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh An Giang cho hay vừa qua đơn vị có buổi khảo sát trên núi Cấm về vụ homestay xây dựng trái phép ở núi Cấm cùng với lãnh đạo UBND thị xã Tịnh Biên và các ngành chức năng tỉnh. 

"Qua khảo sát thì các homestay này hoàn toàn sai. Họ xây cất trên đất rừng nhưng không có giấy phép gì cả. Địa phương có lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính nhưng họ không tháo dỡ mà vẫn hoạt động", lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh An Giang chỉ ra.

Hiện nay, các homestay nói trên đều nằm trên phạm vi được quy hoạch là đất rừng tự nhiên, đất đồi núi và đất rừng phòng hộ. UBND thị xã Tịnh Biên xác định có 10 trường hợp (7 cũ, 3 mới) xây dựng, hoạt động tự phát trên núi Cấm. Địa phương này giữ quan điểm buộc tháo dỡ.

Lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh An Giang cho biết dự kiến vào ngày 26-9 tới đây, UBND tỉnh An Giang sẽ họp các sở, ngành và chính quyền thị xã Tịnh Biên để có hướng xử lý dứt điểm vụ việc này. 

"Tỉnh An Giang lúc nào cũng hướng dẫn, hỗ trợ người dân làm du lịch nhưng phải đúng, rõ ràng. Còn việc làm homestay này là bà con làm liều quá. Họ xây cất không phép mà ở khu vực cheo leo, lưng chừng đồi trên đất rừng rất nguy hiểm. Quan điểm của ngành là xử lý đến nơi đến chốn vụ việc này", vị này nói thêm.

Còn ông Nguyễn Thanh Bình, chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cũng khẳng định: "Thứ ba (26-9) tới đây, UBND tỉnh sẽ họp các ngành để bàn giải pháp xử lý vụ việc. Chúng tôi sẽ nghe ý kiến các ngành chuyên môn rồi quyết định. Sau đó sẽ có thông tin chính thức về vụ việc này".

Lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang nói thêm rằng quan điểm là homestay nào đủ điều kiện, đảm bảo an toàn thì cho phép làm thủ tục hoạt động để kích cầu du lịch địa phương. Homestay nào không đảm bảo thì kiên quyết buộc chấm dứt hoạt động./.

Ngay từ đầu, chính quyền xã An Hảo đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với những hộ dân tự xây cất homestay trên núi. Họ đã nộp phạt nhưng không thực hiện tháo dỡ như quyết định của địa phương.

Tôi khẳng định đến nay các homestay này đều sai phạm không được cấp phép, xây cất trên đất rừng. Do họ không tự tháo dỡ nên chúng tôi phải báo cáo và xin ý kiến UBND tỉnh để tổ chức cưỡng chế.

Ông Phạm Thành Nhơn (chủ tịch UBND thị xã Tịnh Biên)

Bị phạt mới biết... mình sai

Ông Đặng Phú Sĩ, chủ homestay Phú Sĩ, cho hay ban đầu ông thuê căn nhà của người dân ở núi Cấm và xây cất một số chòi, tum bằng tranh, tre để làm theo mô hình homestay phục vụ du lịch ở núi Cấm.

"Lúc đầu tôi cứ nghĩ mình sử dụng tranh, tre để cất chòi làm du lịch sẽ không sao. Tuy nhiên, sau đó chính quyền xã An Hảo lập biên bản vi phạm hành chính về xây dựng trái phép, lúc này tôi mới biết mình vi phạm", ông Sĩ nói.

Theo ông Sĩ, sau khi bị lập biên bản lần 1, ông nộp phạt nhưng chính quyền địa phương chưa yêu cầu tháo dỡ. Sau đó, có nhiều nơi cùng làm homestay nên chính quyền yêu cầu ông phải tháo dỡ trả lại hiện trạng.

"Nếu tỉnh An Giang quyết định tháo dỡ thì chúng tôi chỉ đề nghị tháo dỡ phải đồng loạt hết. Vì theo tôi nhẩm tính, toàn núi Cấm có mấy chục homestay chứ không đơn giản là 10 homestay như báo cáo của địa phương", ông Sĩ đề nghị.

Theo TTO

Chia sẻ bài viết