Núi Cấm là ngọn núi cao nhất trong dãy Thất Sơn. (Ảnh Internet)
Về Thất Sơn nghe giai thoại
Là tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long nhưng An Giang lại có dãy Thất Sơn huyền bí với những câu chuyện tâm linh ly kỳ. Theo dòng phát triển, An Giang có nhiều đổi thay nhưng một số nơi vẫn giữ được nét đẹp hoang sơ. Không ngoa khi nói rằng đây cũng là một trong những địa điểm du lịch “chữa lành”.
Khác với Đà Lạt, du khách tìm đến “chữa lành” bởi vẻ đẹp mộng mơ và không gian lãng mạn. Sự “chữa lành” ở An Giang mang ý nghĩa tâm linh nhiều hơn. Đến Miếu Bà Chúa Xứ, thắp nén nhang cầu bình an,... để cảm thấy nhẹ lòng hơn sau những bộn bề của cuộc sống.
Nhắc đến du lịch An Giang, điểm đầu tiên du khách nhớ đến là Miếu Bà Chúa Xứ. Câu chuyện về Miếu Bà, sự linh thiêng của Bà Chúa Xứ mang đến sự tò mò cho du khách. Tương truyền, tượng Bà là một pho tượng cổ rất thiêng nằm trên đỉnh núi Sam và nhiều du khách sẽ bất ngờ khi biết thêm tượng Bà Chúa Xứ thật ra là nam, được ghi nhận là pho tượng bằng đá sa thạch xưa nhất Việt Nam. Đáng tiếc, phần đầu của tượng hiện thờ tại miếu Bà không phải là nguyên gốc mà được chế tác bằng loại đá khác với thân tượng.
Đến An Giang, nhớ xuống Tịnh Biên, đến chùa Bánh Xèo thưởng thức món bánh đặc sắc của miền Tây
Khoảng năm 1820, quân Xiêm thường sang quấy nhiễu nước ta. Mỗi khi giặc giã hoành hành, người dân quanh vùng lại trốn chạy lên núi lánh nạn. Có lần, quân giặc đuổi theo lên đến đỉnh núi Sam thì gặp tượng Bà Chúa Xứ. Chúng hì hục cạy ra, khiêng xuống để mang về nước nhưng khi vừa khiêng được một đoạn, tượng Bà Chúa Xứ bỗng dưng nặng trĩu không thể nào nhấc lên được. Khi đó, một tên trong bọn giặc tức giận, đập vào cốt tượng, làm gãy một phần cánh tay trái và ngay tức khắc, hắn bị Bà Chúa Xứ trừng phạt.
Người dân nơi đây kể lại, vị trí đặt tượng hiện nay cũng là do Bà Chúa Xứ chọn. Khoảng 200 năm trước, Bà Chúa Xứ thường hiện về bảo dân làng phải khiêng xuống núi lập miếu thờ cúng, Bà sẽ phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Thấy vậy, dân làng họp nhau lên núi khiêng tượng nhưng mấy chục thanh niên trai tráng gắng sức vẫn không lay chuyển nổi tượng Bà. Trong lúc mọi người chưa biết làm sao thì một cô gái trong làng bỗng dưng “lên đồng”, cho biết: “Bà chỉ cần 9 cô gái đồng trinh lên khiêng”. Dân làng làm theo lời và quả đúng thật, 9 cô gái đồng trinh khiêng tượng Bà Chúa Xứ đi xuống một cách nhẹ nhàng. Khi đến chân núi, tượng Bà Chúa Xứ trở nên nặng trĩu, không thể khiêng đi được nữa, mọi người hiểu rằng, Bà Chúa Xứ đã chọn nơi đây để an vị nên lập miếu thờ tại đó. Hàng năm, từ ngày 23 đến 27/4 Âm lịch diễn ra Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ, rất đông khách thập phương đến chiêm bái, cúng viếng.
Nhắc đến Thất Sơn không thể nào không nhắc đến những giai thoại về các vị đạo sĩ, rắn hổ mây, ông hổ,... Tương truyền, thời đó, vùng Bảy Núi này có vài đạo sĩ đến ẩn tu, một trong số họ là những sĩ phu yêu nước. Ở vùng “rừng thiêng nước độc”, những tu sĩ phải giỏi võ nghệ để có thể đánh lại thú rừng. Nổi tiếng và được người dân Thất Sơn nhắc đến nhiều nhất là đạo sĩ Ba Lưới với 2 lần diệt rắn hổ mây khổng lồ. Chuyện kể về rắn hổ mây vùng Thất Sơn luôn gây tò mò và lôi cuốn, nào là rắn thân to như khúc gỗ, mỗi lần di chuyển gây giông gió, khi cuộn lại thì to như cái lu,...
Đạo sĩ Ba Lưới là nhân vật có thật, ẩn tu tại vùng núi này nổi tiếng với thế võ “Bình phong lạc nhạn”. Ông còn được biết đến là người giỏi y thuật khi sử dụng các loài cỏ cây có sẵn trên núi để trị bệnh cứu người. Còn giai thoại ông 2 lần diệt rắn hổ mây khổng lồ thì chỉ nghe tương truyền.
Thất Sơn là tên gọi chung của vùng núi phía Tây Nam, cận biên giới Campuchia, thuộc 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, tỉnh An Giang (thường được gọi là Bảy Núi). Vùng đồng bằng này có gần 40 ngọn núi nhưng chỉ có 7 ngọn nổi bật: Ngọa Long Sơn (núi Dài), Ngũ Hồ Sơn (núi Dài năm giếng), Phụng Hoàng Sơn (núi Cô Tô), Thủy Đài Sơn (núi Nước), Anh Vũ Sơn (núi Két), Liên Hoa Sơn (núi Tượng) và Thiên Cấm Sơn (núi Cấm, cao nhất trong Thất Sơn, 716m). |
Vùng đất Thất Sơn có rắn hổ mây (hổ mang chúa). Năm 2019, trong lúc san lấp công trình điện năng lượng dưới chân núi Cấm, nhóm công nhân đã bắt được cặp rắn hổ mây, nặng khoảng 30kg/con. Sau đó, cặp rắn này được thả về núi Cấm. Còn rắn hổ mây to bằng thân cây, vươn mình tới ngọn cây cũng chỉ là tương truyền, chưa ai gặp bao giờ.
Thưởng thức món ngon
Là vùng đất có nhiều dân tộc sinh sống nên ẩm thực ở An Giang cũng khá đa dạng với nhiều món ngon nổi tiếng. Vang tiếng gần xa và được nhiều người biết đến có lẽ là bún cá Châu Đốc. Có người cho rằng, đến An Giang mà chưa thử qua món bún cá Châu Đốc thì kể như chưa đến.
Bún cá Châu Đốc thật ra là một “biến thể” của món bún Xiêm Lo (Campuchia). “Linh hồn” của món ăn này là cá lóc, ngải bún, mắm ruốc, nghệ tươi và các loại rau ăn kèm. Theo chị Hoa Yên, bán bún cá tại chợ Châu Đốc, tùy theo khẩu vị và cách nấu của mỗi người mà cho ra tô bún với hương vị khác nhau. Món bún cá chị Hoa Yên nấu nhất định phải có mắm ruốc. Mắm ruốc mua về, gói lá chuối tươi, nướng trên than hồng cho dậy mùi rồi lọc lấy nước, nấu cùng nước lèo. Mắm ruốc sẽ làm hương vị bún cá thêm đậm đà. Cá lóc sau khi nấu chín đem gỡ thịt, xào qua với nghệ tươi và sả sao cho miếng cá không bị nát. Bỏ ít bún vào tô, thêm ít cá, rau răm rồi chan nước lèo vào. Bún cá mà ăn kèm với bông điên điển, bắp chuối bào thì đúng điệu bún cá Châu Đốc.
Tung lò mò ngon nhất khi được nướng trên than hồng (Ảnh: Internet)
Nếu bún cá Châu Đốc đã quá quen thuộc với du khách thì tung lò mò là món khá lạ, lạ từ cái tên đến hương vị. Đây là món đặc sản của người Chăm. Thật ra, tung lò mò là lạp xưởng nhưng được làm từ thịt bò thay vì thịt heo như thường thấy. Theo tiếng của người Chăm, “tung” nghĩa là ruột, “lò mò” nghĩa là thịt bò. Tung lò mò nghĩa là thịt trong ruột bò. Tung lò mò chế biến khá kỳ công. Phần thịt ngon nhất để làm tung lò mò chính là thịt đùi. Sau khi khử mùi bò bằng rượu và gừng, thịt bò được loại bỏ hết gân, xắt nhuyễn và trộn theo tỷ lệ 8 thịt 2 mỡ. Tùy theo bí quyết gia truyền của từng nhà mà món tung lò mò có hương vị khác nhau. Khi ăn chỉ cần nướng trên than hồng, tung lò mò sẽ tỏa ra mùi thơm khó cưỡng. Đến vùng đất tâm linh này, nếu chọn món ăn làm quà mang về cho người thân, nhiều người sẽ chọn tung lò mò.
Sẽ là một thiếu sót nếu đến An Giang mà bỏ qua món gỏi sầu đâu
Bắp chuối mà gói sầu đâu
Vừa đắng vừa chát, mời nhau làm gì?
Lá sầu đâu kết hợp khô cá lóc tạo nên hương vị đặc biệt (Ảnh: Internet)
Đắng, chát vậy nhưng lại làm nên món đặc sản của vùng đất này. Cây sầu đâu trồng khá nhiều ở An Giang. Để có món gỏi sầu đâu phải chọn những đọt lá non, trụng nước sôi rồi đem trộn gỏi. Gỏi sầu đâu có thể trộn với tôm, thịt nhưng “bén” nhất vẫn là trộn khô cá lóc. Không hẳn 2 món này “sinh ra để dành cho nhau” mà do ngày trước, mùa nước lũ nhiều cá, tôm, người dân làm mắm, làm khô nên nhà nào cũng có sẵn khô cá lóc. Vậy là, cứ hái nắm lá sầu đâu, nướng khô trộn gỏi, lai rai. Món ăn dân dã, bình dị đó mà lại tạo nên “cái hồn” rất riêng mà ai đã thử qua đều nhớ về An Giang.
Linh hồn” của món bún cá Châu Đốc là cá lóc, nghệ, ngải bún, mắm ruốc,... (Ảnh: Internet)
Thất Sơn và những câu chuyện kỳ bí luôn có sức hút riêng, để rồi ghé chợ Châu Đốc, ghé ngang gánh bún cá, vừa thưởng thức tô bún, vừa nghe cô bán bún kể về những giai thoại bởi như lời cô nói “mấy chuyện này, dân ở đây đầy một bụng, kể đến sáng mai chưa hết!”./.
Tỉnh An Giang có hàng ngàn cơ sở thờ tự lớn, nhỏ với hàng trăm ngôi chùa nổi tiếng, kiến trúc độc đáo: Miếu bà Chúa Xứ, chùa Hang (TP.Châu Đốc), chùa Tam Bửu, chùa Phi Lai, chùa Tà Pạ (huyện Tri Tôn), An Hòa tự (huyện Phú Tân), chùa Giồng Thành (thị xã Tân Châu), chùa Hòa Thạnh, chùa Lầu, chùa Kim Tiên, chùa Bánh Xèo (huyện Tịnh Biên), chùa Phước Thành (huyện Chợ Mới), chùa Linh Ẩn (huyện An Phú), Nam Linh Sơn tự, Thiền viện Trúc Lâm An Giang (huyện Thoại Sơn), chùa Ông Bắc (TP.Long Xuyên),... |
Mi Vân