Tiếng Việt | English

11/02/2021 - 17:05

Ấm áp bữa cơm chiều cuối năm

Gác lại bao bộn bề, lo toan của một năm dài tất bật mưu sinh, mọi người trở về sum họp, quây quần bên nhau trong bữa cơm chiều cuối năm. Không khí gia đình càng thêm vui tươi, ấm áp. Bữa cơm chiều 30 tết vì thế như “sợi lạt mềm” buộc chặt tình thân.

Ông Nghĩa nhổ mớ rau cải trồng trước nhà để chuẩn bị bữa cơm chiều cuối năm

Ông Nghĩa nhổ mớ rau cải trồng trước nhà để chuẩn bị bữa cơm chiều cuối năm

Sum họp ngày cuối năm

Cuối năm, ông Hồ Văn Nghĩa (62 tuổi), ngụ ấp 2, xã Bình Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An tạm gác lại công việc còn dang dở để chuẩn bị “cúng tất niên, rước ông bà tổ tiên ngày 30 tết”. Ông Nghĩa làm thợ hồ kiếm tiền lo cho cuộc sống gia đình. Còn vợ ông, bà Võ Thị Kim Bơi ở nhà chăm cháu nhỏ, lo chuyện nội trợ. Thỉnh thoảng, vào ngày cuối tuần, bà bán xôi, bánh mì kiếm thêm thu nhập. Vợ chồng ông có 3 người con, tất cả đều có gia đình riêng. Năm nào cũng vậy, cứ đến 30 tết, các con đều về đông đủ. Không ai bảo ai, mỗi người một việc cùng chuẩn bị cho bữa cơm chiều cuối năm thêm tươm tất. Hái mớ rau cải tự trồng trước nhà, ông Nghĩa cười nói: “Tôi nhổ cải xà lách để cuốn bánh tráng với thịt luộc, mắm tép. Tết năm nào vợ tôi cũng làm món này. Không chỉ có mấy ngày tết, tôi tận dụng khoảng đất trống quanh nhà gieo hạt cải để gia đình có rau sạch dùng quanh năm”. Ngày cuối năm, những lo toan của ngày thường tạm gác lại, chỉ còn những nụ cười tươi của người lớn, tiếng vui đùa của trẻ thơ trong căn nhà cấp 4. Không khí gia đình trở nên ấm áp, rộn ràng hơn. Tình cảm ông bà, cha mẹ, chồng vợ và con, cháu càng thêm khắng khít.

Tình cảm gia đình thật thiêng liêng mà đi xa ai cũng nhớ. Để rồi, khi một năm dần khép lại, nghe phố phường nhộn nhịp khúc ca xuân, lòng người lại càng chộn rộn ngày về sum họp gia đình. 10 năm gắn bó với mảnh đất thành thị nhưng giáp tết, chị Nguyễn Thị Tố Loan (thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ) lại nôn nao và nhớ da diết bữa cơm chiều cuối năm ở quê nhà. Đó là bữa cơm với những món quen thuộc của ngày tết: Thịt kho, dưa hành, củ kiệu, khổ qua hầm,... “Những món này đều do mẹ nấu. Dưa hành, củ kiệu mẹ tự làm trước chiều 30 tết vài hôm. TP.HCM - Đức Huệ chẳng xa nhưng ngày thường, vì công việc bận rộn nên tôi ít về quê. Tết đến, lòng thêm xốn xang, nôn nao ngày về quây quần cùng mẹ trong bữa cơm tất niên, kể mẹ nghe những buồn, vui sau một năm dài làm việc xa nhà” - chị Loan trải lòng.

Bữa cơm chiều cuối năm như sợi “lạt mềm” buộc chặt tình thân

Bữa cơm chiều cuối năm như sợi “lạt mềm” buộc chặt tình thân

Nhắc nhớ tổ tiên, nguồn cội

Trong lúc bà Kim Bơi cùng 2 con gái dọn mâm cỗ thì ông Nghĩa và con trai lau dọn bàn thờ gia tiên sạch sẽ. Mâm cỗ với nhiều món truyền thống, hoa, quả được sắp xếp lên bàn thờ, ông Nghĩa bắt đầu cúng tất niên, khấn vái “ông bà, tổ tiên về ăn tết cùng con, cháu và cầu một năm bình an, may mắn”. Còn ông Nguyễn Văn Nguyện (ấp Đức Hạnh 2, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa), từ trưa 30 tết đã bận bịu cùng những người hàng xóm làm thịt heo mà con trai ông nuôi trước đó vài tháng, sau đó chia nhau mỗi người vài ký để dùng trong mấy bữa tết. Mấy năm nay, việc làm này trở thành nếp quen, mang nét đẹp cộng đồng, làng xóm. Dọn bữa cơm chiều cuối năm với những món truyền thống được chế biến từ thịt heo nhà nuôi, ông Nguyện mời thêm vài người họ hàng, chòm xóm sang chơi. Theo ông Nguyện, bữa cơm chiều cuối năm ngoài ý nghĩa về mặt tình cảm gia đình còn thắt chặt tình làng, nghĩa xóm. “Con cháu đi làm xa, ngày cuối năm trở về dùng bữa cơm tất niên cùng gia đình, chòm xóm sẽ biết và nhớ họ hàng, những người xung quanh để đối đãi cho tốt” - ông Nguyện cho biết.

Thật ấm áp, ý nghĩa biết bao bữa cơm chiều cuối năm với đông đủ thành viên trong nhà. Để rồi, chiều 30 tết, những ai đi xa lại nhớ, lại thương và nôn nao ngày về sum họp gia đình bên mâm cơm đong đầy yêu thương./.

Thùy Vân

Chia sẻ bài viết