Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Hiện nay, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề, hộ kinh doanh,... tích cực “chạy đua” với thời gian để khẩn trương hoàn thành các công việc chuẩn bị đón Tết Cổ truyền của dân tộc. Trong nhiều việc phải làm, không thể không nhắc đến việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm, hàng hóa, bánh kẹo,... để “ăn tết” bởi đó là truyền thống của dân tộc. Đón tết vui tươi, an toàn gắn liền với “ăn tết” đủ đầy trong đầu năm mới. Do vậy, để ngày tết thực sự vui vẻ, an toàn luôn là mong ước của mọi người và là trách nhiệm của chính quyền các cấp.
Nhằm chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón xuân, vui tết, tạo khí thế, quyết tâm tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh Long An ban hành Chỉ thị số 3893/CT-UBND, ngày 30/12/2022 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Đặc biệt, đối với những nội dung liên quan việc “ăn tết”, UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, các địa phương, đơn vị chức năng và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh triển khai, thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng, cần thiết.
Theo đó, ngành Công Thương tập trung theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động tăng giá nhiều để chủ động có phương án hoặc đề xuất biện pháp chuẩn bị nguồn hàng, cung ứng hàng hóa kịp thời, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung, gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Ngành Công Thương phối hợp ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị chức năng theo dõi sát tình hình sản xuất, đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng thịt heo, thịt bò và các thực phẩm thiết yếu khác cho thị trường dịp Tết Nguyên đán; chủ động có phương án bảo đảm nguồn cung các mặt hàng nông sản thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, tránh tình trạng dư thừa hoặc thiếu cục bộ, ảnh hưởng đến thị trường.
Đồng thời, Sở Công Thương phối hợp các sở, ban, ngành liên quan tổ chức hoạt động kết nối các doanh nghiệp phân phối và nhà cung cấp thực phẩm thiết yếu, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường phục vụ tết. Phối hợp các địa phương khác triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, áp dụng các phương thức mới (trực tuyến, sàn thương mại điện tử,...) tạo nguồn hàng phục vụ tết. Phối hợp các cơ quan có liên quan tăng cường công tác giám sát thương mại biên giới, ngăn chặn các hành vi vận chuyển hàng cấm, hàng hóa nhập lậu qua biên giới thâm nhập vào thị trường trong tỉnh tiêu thụ. Triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước; tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối, thực hiện chương trình khuyến mãi tập trung quốc gia gắn với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, bán hàng lưu động về nông thôn, vùng sâu, vùng xa,... để cung ứng cho nhân dân các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng phục vụ tết với giá bình ổn.
Cùng với đó, Sở Công Thương phối hợp Cục Quản lý thị trường tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường đối với các lĩnh vực giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng trái pháp luật; tập trung bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật. UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp sở, ngành liên quan kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở; xử lý nghiêm các hành vi mang gia súc, gia cầm, các sản phẩm bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh, giết mổ trái phép, buôn bán động vật hoang dã thuộc danh mục cấm buôn bán; kiểm soát sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp. Chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, bảo quản, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật; tăng cường thanh, kiểm tra việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, các mặt hàng thực phẩm được tiêu dùng nhiều trong dịp tết như giò, chả, lạp xưởng, thủy hải sản, trái cây, rau, củ, quả,...
Riêng Sở Y tế tăng cường công tác thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm trong thời gian trước, trong và sau tết; phối hợp kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng. UBND tỉnh cũng giao trách nhiệm cho Sở Thông tin và Truyền thông định hướng cho các cơ quan báo chí, truyền thông trong tỉnh thông tin, tuyên truyền các nội dung công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bình ổn thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả;...
Với nhiều giải pháp chặt chẽ được UBND tỉnh đề ra, là cơ sở để trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, người dân có những ngày vui xuân, đón tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm./.
Tân An