Tiếng Việt | English

20/05/2020 - 10:46

ASEAN 2020: Gắn kết và chủ động nâng cao khả năng thích ứng

Việt Nam tham vấn các nước và cuối cùng đưa ra chủ đề ASEAN 2020 “Gắn kết và chủ động thích ứng” đã được các nước rất hoan nghênh và tán thành, cho rằng rất trúng vào thời điểm này.


Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, Đại sứ Phạm Quang Vinh. (Nguồn: TTXVN)

Từ ngày 1/1/2020 Việt Nam chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN.

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam lựa chọn chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng,” thể hiện trong các trọng tâm ưu tiên nhằm đóng góp tích cực cho môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng, tận dụng cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN; đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững, phát huy vai trò, đóng góp của ASEAN trong cộng đồng quốc tế; và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của ASEAN.

"Chủ động thích ứng" là một trong những nội hàm của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, lần đầu tiên được đưa vào chủ đề năm ASEAN nhằm phản ánh nhu cầu nâng cao tính chủ động, sáng tạo, sự chuyển biến và khả năng vươn lên mạnh mẽ, hướng về phía trước của ASEAN.

Phép thử cho năm chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam

Đánh giá về chủ đề ASEAN 2020, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh, người đã có 7 năm đảm nhiệm ví trí Trưởng SOM của ASEAN, cho biết sau khi Việt Nam tham vấn các nước và cuối cùng đưa ra chủ đề ASEAN 2020 “Gắn kết và chủ động thích ứng” đã được các nước rất hoan nghênh và tán thành, cho rằng rất trúng vào thời điểm này.

Trước hết thế giới đang biến chuyển rất nhanh, trong cục diện cả thế giới biến chuyển từ địa chính trị, địa kinh tế cho đến những biến động ở khu vực này.

Thứ hai, “gắn kết” trước hết là đoàn kết, bám sát vào những mục tiêu, nguyên tắc và những ưu tiên của ASEAN, như về xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cả ba trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, đồng thời phải đề cao vai trò chủ động của ASEAN trong quan hệ với các đối tác, cùng phấn đấu vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.

Gắn kết đó phải thấy rằng gắn kết vừa là đoàn kết, nhất trí với nhau dựa trên những nguyên tắc, mục tiêu, ưu tiên và định hướng xây dựng của Cộng đồng ASEAN và trong quan hệ của ASEAN với các đối tác vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực này.

Chủ động thích ứng trước tình hình khu vực và thế giới có những biến đổi rất nhanh và rất phức tạp, trong đó có cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước lớn.

Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát có chiến tranh thương mại giữa hai nước lớn là Trung Quốc và Mỹ, sau đó là sự phát triển rất nhanh của khoa học kỹ thuật, để phát triển kinh tế được đòi hỏi các nước phải có những đổi mới cải cách thích ứng với chuyển động của chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay.

Tiếp đó là những thách thức an ninh phi truyền thống, từ nước biển dâng, biến đổi khí hậu đến thiên tai.

Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, trong năm nay chính chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” đã làm phép thử cho năm chủ tịch ASEAN của Việt Nam, đó là việc không ai lường trước được đại dịch COVID-19 bùng phát.

Chỉ trong vòng hơn một tháng từ khi bắt đầu vào cuối tháng 12 sau đó đã lây lan ra toàn thế giới. Làm thế nào để chủ động thích ứng trong bối cảnh dịch bệnh chưa từng có, cùng một lúc tất cả các nước lớn nhỏ ở tất cả các châu lục đều bị nhiễm bệnh và bắt buộc phải đóng cửa đất nước, đóng cửa biên giới, đóng cửa giao lưu.

Đây là một thách thức lớn cần có cái nhìn một chiều dài tình hình quốc tế và khu vực, đòi hỏi vừa phải đoàn kết ASEAN, vừa phải xây dựng cộng đồng và vừa phải thích ứng với những thay đổi đó.

Gắn kết và chủ động thích ứng bao gồm việc có thể ngang tầm với cả nhiệm vụ, tức đứng trước những thách thức có thể có những biện pháp ứng phó.

Dịch bệnh COVID-19 lây lan trên phạm vi toàn cầu. (Nguồn: TTXVN)

Ngay từ tháng đầu tiên của năm chủ tịch ASEAN 2020 dịch bệnh COVID-19 bùng phát.

Dịch bệnh trực tiếp tác động đến nền kinh tế các nước ASEAN, nhất là các ngành kinh doanh dịch vụ, vốn chiếm đến 30% tổng GDP của ASEAN, gây gián đoạn chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Nhiều người dân đứng trước nguy cơ bị mất việc làm, an sinh xã hội bị thách thức. Kể từ đầu năm 2020 nhiều hoạt động của ASEAN đã phải tạm hoãn hoặc lùi thời gian tổ chức, trong đó có Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ và Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36.

Khi dịch COVID-19 mới bùng phát, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã chủ động, tích cực thúc đẩy đoàn kết, thống nhất và điều phối nỗ lực chung của ASEAN ứng phó với dịch bệnh.

Sau khi tham vấn với các nhà lãnh đạo ASEAN, ngày 14/2 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN, khẳng định quyết tâm và cam kết chính trị ở mức cao của ASEAN để kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh.

Hội đồng Điều phối ASEAN, gồm các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh ngày 20/2 và sáng 9/4 đã tổ chức 2 phiên họp để trao đổi về các biện pháp phối hợp và hợp tác trong ASEAN cũng như với các Đối tác để ứng phó dịch bệnh.

Mặt khác, các cơ chế ứng phó dịch bệnh khẩn cấp của khu vực ASEAN và với các Đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (ASEAN+3) đã được khởi động. Ngày 20/2 các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc đã ra Tuyên bố của Hội nghị về COVID-19.

Ngày 19/2 Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN thông qua Tuyên bố chung về Hợp tác Quốc phòng trong ứng phó dịch bệnh.

Ngày 10/3/2020 Bộ trưởng Kinh tế ASEAN thông qua Tuyên bố chung về tăng cường khả năng hồi phục kinh tế của ASEAN để đối phó với dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã chủ trì thành lập và triệu tập họp Nhóm công tác liên ngành thuộc Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) về Ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp (ACCWG-PHE); đóng góp tích cực nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa ASEAN với Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU).

Ngày 14/4, Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về Ứng phó dịch bệnh COVID-19, được tổ chức dưới hình thức trực tuyến để thích ứng với tình hình dịch bệnh và là biện pháp cần thiết, được xem là cơ hội để ASEAN thể hiện những nỗ lực vượt ra ngoài dịch COVID-19.

ASEAN chủ động thích ứng hội nhập và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Đại sứ Phạm Quang Vinh cho biết sự biến động của thế giới và khu vực cũng tạo ra những cơ hội mới, chủ động thích ứng đòi hỏi phải nắm bắt được thời kỳ cơ hội mà sự chuyển động của chuỗi cung ứng toàn cầu mang lại. Làm sao để cộng đồng ASEAN hội nhập và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu đó tốt hơn.

ASEAN đã và đang theo đuổi việc hoàn thiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để trở thành hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới.

RCEP được khởi xướng bởi ASEAN vào năm 2012, việc hoàn tốt hiệp định sẽ giúp củng cố vai trò then chốt của khối ASEAN trong việc thúc đẩy hội nhập khu vực.

Động lực để đạt được một thỏa thuận thương mại đã tăng lên khẩn cấp hơn đối với ASEAN khi các thành viên của khối đang đối phó với tác động kinh tế của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và hiện nay đang ứng phó với đại dịch bệnh COVID-19.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam, cho biết Hiệp định RCEP là một trong những ưu tiên của ASEAN và các đối tác khác, hiện nay có một số vướng mắc đặc biệt là sau khi là Ấn Độ tạm thời rút ra khỏi đàm phán RCEP, dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán.

Tuy nhiên các nước rất quyết tâm đặc biệt là càng trong hoàn cảnh dịch bệnh này, các nước càng cần thiết có được hiệp định này và các nước hạ quyết tâm sớm đạt được thỏa thuận RCEP, hy vọng trong năm nay và nếu có sự tham gia đầy đủ của 16 nước trong đó có Ấn Độ nữa thì đó là điều tuyệt vời.

ASEAN chủ động thích ứng với những thách thức phi truyền thống

ASEAN vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có sự cạnh tranh của các nước lớn trong khu vực, thách thức về an ninh biển, bao gồm vấn đề Biển Đông, sự nổi lên của các thách thức an ninh phi truyền thống, dịch bệnh.

Các thách thức an ninh phi truyền thống, điển hình như vấn đề an ninh môi trường, tội phạm công nghệ cao, di cư bất hợp pháp...

Đặc biệt, sự bùng phát và lan rộng nhanh chóng của dịch COVID-19 đã đặt ra thách thức chung của cả khu vực, thế giới chứ không riêng ASEAN.

Bên cạnh đó là việc phát tán thông tin giả mạo trên mạng xã hội cũng đã trở thành một thách thức cần phải chung tay ứng phó; cùng với đó là dịch bệnh, tình trạng buôn người, cướp biển, cứu hộ thiên tai, hỗ trợ nhân đạo.

Các mối đe doạ an ninh phi truyền thống không chỉ là vấn đề cấp bách, mà còn là vấn đề thường xuyên, lâu dài, liên quan tới toàn nhân loại.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng chia sẻ đứng trước những thách thức phi truyền thống này thường không một nước nào có thể một mình để đứng ra đương đầu tốt được, nó đòi hỏi sự đoàn kết quốc tế và sự phối hợp rất chặt chẽ giữa các nước với nhau.

Chính vì vậy ASEAN cũng xác định rằng điểm quan trọng nhất là sự đoàn kết, kết hợp với nhau để phối hợp chính sách, phối hợp các hành động và có các cơ chế hỗ trợ lẫn nhau.

ASEAN đã có những cơ chế hợp tác để chống các tình huống khẩn cấp xảy ra, hỗ trợ những lúc thiên tai hoặc những vấn đề nhân đạo.

Trong dịch COVID-19 này các nước đều đề nghị thành lập thêm Quỹ chống COVID-19 của ASEAN.

Việt Nam đề nghị thành lập kho dự trữ về các trang thiết bị y tế, để sử dụng cho cái tình huống cần nhất. Ngoài ra, xây dựng các quy trình, quy chế, như quy chuẩn khi xử lý các vấn đề, ASEAN đã có một quy trình tiêu chuẩn để xử lý các vấn đề như là về thiên tai, hiện tại ASEAN cần một quy trình như vậy để ứng xử với các vấn đề về y tế khẩn cấp.

Đó là những biện pháp mà ASEAN thấy là cần phải làm để có thể áp dụng lần này với COVID-19, lần sau áp dụng với việc khác, như vậy ASEAN sẽ chủ động hơn và có cơ chế sẵn sàng để đối phó với những việc đó.

Tóm lại, gắn kết và chủ động thích ứng là chủ đề rất trúng của ASEAN trong năm nay. Gắn kết tức là đoàn kết về những mục tiêu của ASEAN nhưng đồng thời có thể ứng phó được với những đổi thay của khu vực và thế giới.

Đó là phép thử ngay đối với dịch bệnh diễn ra, chính chủ đề này đã giúp cho Việt Nam cùng các nước ASEAN có những hành động kịp thời cùng nhau hợp tác phối hợp và ứng phó với COVID-19.

Chủ đề ASEAN 2020 “Gắn kết và chủ động thích ứng” khẳng định đoàn kết có ý nghĩa quyết định với sự vững bền của ASEAN.

Một Cộng đồng ASEAN gắn kết và phát triển mới có thể thích ứng hiệu quả với các yếu tố tác động bên ngoài và ngược lại, chủ động thích ứng sẽ giúp ASEAN gắn kết chặt chẽ, nhờ đó tăng cường sức mạnh tổng thể./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết