Tiếng Việt | English

06/06/2016 - 11:04

Tai nạn đuối nước

Bài 1: Báo động tình trạng đuối nước - hiểm họa rình rập trẻ em

Liên tiếp trong thời gian qua, những cái chết thương tâm do đuối nước cướp đi nhiều sinh mạng trẻ thơ. Làm cách nào để kéo giảm tai nạn đuối nước khi các em chưa được phổ cập về bơi lội, thiếu kỹ năng an toàn khi xuống nước? Đó là câu hỏi bức thiết cần được trả lời trước tình trạng đau xót do đuối nước gây ra!

Tai nạn thương tâm liên tiếp xảy ra!

Câu chuyện đuối nước thương tâm xảy ra ở sông Trà Khúc (thành phố Quảng Ngãi) cướp đi mạng sống của 9 học sinh lớp 6 Trường THCS Nghĩa Hà đè nặng tâm can của chúng ta và xới lên nhiều câu hỏi nhói lòng. Và mới đây, trong tỉnh Long An xảy ra vụ đuối nước tập thể cướp đi sinh mạng của 3 em học sinh lớp 1 trên địa bàn xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa. Các em mãi mãi không thể cùng bạn bè cắp sách tới trường sau khi cùng nhau ra kênh Nam Lộ 62 thuộc ấp 1, xã Tân Tây để tắm.

Theo số liệu thống kê của Phòng Chăm sóc và bảo vệ trẻ em (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An), trong năm 2014 và 2015, toàn tỉnh có đến 49 trường hợp trẻ em chết do đuối nước. Riêng từ đầu năm 2016 đến nay có 3 trường hợp bị tử vong do đuối nước.

Vẫn còn một số trẻ phải đi bằng xuồng để đến lớp nên nguy cơ đuối nước luôn “rình rập”

Chị Lê Thị Hồng Thắm, ngụ thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ chia sẻ: “Khác với trẻ em thành thị có nhiều điều kiện tiếp cận với các khu vui chơi hiện đại, trẻ em nông thôn hiện nay vẫn đang thiếu những sân chơi an toàn và lành mạnh, nhất là vào dịp nghỉ hè. Vì vậy, nhiều trẻ em tại các vùng nông thôn thường rủ nhau ra sông, kênh, rạch để tắm. Thú vui này đã lấy đi sinh mạng của nhiều trẻ em”.

Giật mình đến bao giờ?

Nhu cầu vui chơi giải trí, đặc biệt hoạt động bơi lội của trẻ em là điều không thể thiếu được trong cuộc sống tuổi thơ, nhất là vào những ngày thời tiết nóng bức. Tuy nhiên, song hành cùng với nhu cầu trên là những mối nguy hiểm, đe dọa rình rập sức khỏe và tính mạng trẻ nhỏ khi mà hiện nay việc phổ cập, giáo dục kỹ năng bơi lội an toàn cho trẻ em vẫn rất hạn chế, dẫn tới những vụ tai nạn đuối nước tập thể rất thương tâm.

Thầy giáo Lê Ngọc Vượng, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Dinh, huyện Mộc Hóa cho biết: “Ở đây, các em còn thiếu thốn nhiều thứ, chỗ vui chơi hầu như không có. Việc dạy bơi chưa có điều kiện để dạy trong trường học mà phải dạy tại các ao, hồ của các xã. Tôi hy vọng, Nhà nước sớm quan tâm đầu tư xây dựng hồ bơi trong nhà trường và xem đây là môn học bắt buộc để rèn luyện sức khỏe cũng như kỹ năng bơi lội cho các em”.

Trẻ em đuối nước chủ yếu do không biết bơi. Nhưng thực tế có nhiều em biết bơi vẫn đuối nước vì chủ quan tắm ở những nơi có dòng nước chảy xiết, ao hồ sâu, vắng người, không có người lớn trông coi và chơi đùa, ngâm mình quá lâu dưới nước.

Bên cạnh đó, người lớn cũng ít có thời gian quan tâm con em vì còn bận rộn với việc mưu sinh. Do thiếu quản lý nên các em tụ tập vui chơi ở những nơi không an toàn, gần kênh, sông, ao, hồ. Hậu quả là những vụ tai nạn thương tâm vẫn tiếp diễn năm này qua năm khác.

Chủ tịch UBND xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa - Lê Văn Lợi cho rằng: “Để phòng tránh đuối nước, ngoài tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân thì cấp trên cần quan tâm, có chủ trương đầu tư xây dựng một hồ bơi cho xã hoặc cụm xã để dạy bơi cho trẻ và đưa môn bơi lội trở thành một môn thể dục trong các trường tiểu học và THCS”.

Thực trạng trẻ chết do đuối nước gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ trẻ em cũng như trang bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ nhằm phòng tránh bị đuối nước, đây là trách nhiệm của cả gia đình, nhà trường và xã hội.

Mỗi khi có đuối nước xảy ra thì chúng ta lại giật mình vì những nguy cơ đối với các em. Liệu rằng, còn “giật mình đến bao giờ?” nếu chúng ta không tích cực tìm ra những giải pháp thiết thực nhằm giảm được tỷ lệ đuối nước trẻ em, nhất là trẻ em vùng sâu, vùng xa./.

Hùng Anh – Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết