Tiếng Việt | English

11/07/2017 - 10:07

Liên kết tiêu thụ nông sản - chìa khóa vàng mở rộng cánh cửa hẹp

Bài 2: Muốn sản xuất hiệu quả, cần có sự liên kết tiêu thụ

Hiện nay, các mô hình liên kết: Giữa nông dân (ND) và ND, ND và doanh nghiệp (DN) chưa thể hình thành nên một mô hình phát triển ổn định và bền vững. Ở đây còn có rất nhiều mắc xích trong chuỗi sản xuất nông sản liên kết lại với nhau để hình thành nên mối liên kết "4 nhà": Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và DN.


Hình thức tiêu thụ được xem là an toàn nhất cho nông dân là thông qua hợp đồng, liên kết sản xuất

Liên kết tiêu thụ để phát triển

Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Long An có mức tăng trưởng khá. Nhiều loại nông sản hàng hóa cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều hạn chế: Phân tán, nhỏ, lẻ, chủ yếu là hình thức hộ gia đình, kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức; lĩnh vực chăn nuôi chưa thực sự phát triển theo chiều sâu, chưa có sản phẩm chủ lực; chất lượng và sức cạnh tranh chưa cao; áp dụng công nghệ mới chưa đồng bộ,... Đặc biệt, kênh tiêu thụ hàng hóa chủ yếu vẫn là thông qua hoạt động của hệ thống thương lái.

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Gò Gòn - Trương Hữu Trí chia sẻ: "Theo kênh tiêu thụ này, hàng hóa nông sản của tỉnh từ sản xuất đến tiêu dùng phải trải qua nhiều khâu trung gian. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho nhiều mặt hàng nông sản tiêu thụ không ổn định, điệp khúc "được mùa - rớt giá, được giá - mất mùa" luôn khiến ND lao đao".

Cùng chung tâm trạng, Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hòa - Kiều Anh Dũng cho biết: "Các thành viên HTX Rau an toàn Phước Hòa luôn xác định tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm của mình một cách ổn định, bền vững. Nhờ sự hỗ trợ của các ngành chức năng địa phương, Liên minh HTX tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,... HTX ký kết liên kết, hợp đồng với các DN làm ăn có uy tín, từ đó tăng thu nhập cho thành viên. Các xã viên HTX tổ chức sản xuất hàng hóa nông sản theo yêu cầu của DN và DN bao tiêu sản phẩm đầu ra cho thành viên HTX. Người dân địa phương đang hình thành tập quán sản xuất nông sản hàng hóa theo chuỗi, cung ứng sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn và hơn bao giờ hết, các thành viên HTX chúng tôi hiểu, chỉ có cung ứng ra thị trường nguồn sản phẩm chất lượng cao mới mong tìm được thị trường tiêu thụ ổn định".

Từ sự thỏa thuận hợp tác phát triển KT-XH với TP.HCM, thời gian qua, tỉnh xúc tiến tiêu thụ hàng hóa nông sản với các nhà phân phối lớn: Satra, Saigon Co.op và nhiều đơn vị khác mở ra hướng đi mới cho ND.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Chăn nuôi gà Tân Mỹ (huyện Cần Đước) - Võ Đông Triều cho biết: "Hình thức tiêu thụ được xem là an toàn nhất cho ND hiện nay là thông qua hợp đồng, liên kết sản xuất. Hiện, HTX ký kết hợp đồng với Công ty Gà giống Đại Việt có trụ sở đặt tại Bình Dương. Trong đó, công ty cung cấp gà giống (giống gà Bến Tre) với số lượng 10.000 con gà 1 ngày tuổi và HTX thanh toán tiền mặt 100%, các xã viên HTX thực hiện nuôi gà theo quy trình VietGAP, sau khoảng 4 tháng, Công ty Đại Việt thu mua gà thịt với giá 62.000 đồng/kg. Việc ký hợp đồng cung cấp gà giống, thức ăn và bao tiêu sản phẩm với công ty giúp các xã viên giảm chi phí về thức ăn do không phải qua trung gian, bảo đảm nguồn gốc con giống, đầu ra sản phẩm ổn định giúp xã viên an tâm phát triển sản xuất".


Nông dân đang hình thành tập quán sản xuất hàng hóa theo chuỗi

Cần một cú hích

Thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh tập trung củng cố các HTX trên nhiều lĩnh vực; tuyên truyền, vận động xã viên chấp hành tốt các quy định hợp đồng đã ký. Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh còn tuyên truyền, giải thích cho ND hiểu thế nào là các chuỗi giá trị, có trách nhiệm đối với sản phẩm mình làm ra. “Chúng tôi nâng chất các đối tác trong chuỗi giá trị, nếu HTX mạnh, ND mạnh, chuỗi giá trị mới mạnh” - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh - Nguyễn Thanh Hải cho biết.

Theo Giám đốc HTX Thanh long Tầm Vu - Trương Quang An: "Hiện nay, người dân sản xuất chủ yếu vẫn mang tính nhỏ, lẻ, chưa tuân thủ quy trình sản xuất, chưa tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Các hộ sản xuất chưa chú ý đến việc liên kết nhóm hộ mà vẫn sản xuất tự phát, điều này dẫn đến hậu quả tình trạng "Được mùa - rớt giá, được giá - mất mùa", hiệu quả kinh tế không cao, chưa tạo được tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp".

Việc liên kết giữa DN và người sản xuất chưa bền vững do chưa có cơ chế chia sẻ lợi nhuận, rủi ro, chủ yếu vẫn liên kết theo hình thức thương thảo thuận mua - vừa bán. Tình trạng tiêu thụ sản phẩm vẫn còn qua nhiều khâu trung gian phân phối nên giá bán thực tế cao hơn nhiều so với giá thu mua tại cơ sở sản xuất, sức cạnh tranh chưa cao, chưa tạo được lòng tin của người tiêu dùng. Công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn yếu. DN còn e ngại, đầu tư sản xuất nông nghiệp hiệu quả không cao, tính rủi ro lớn, bên cạnh đó là chính sách hỗ trợ DN đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn chưa cụ thể nên phần lớn DN lớn còn chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Trao đổi cùng chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Gương - thành viên HTX Chăn nuôi bò sữa huyện Đức Hòa, chia sẻ: "Hiện vẫn còn việc người sản xuất trà trộn sản phẩm chưa rõ nguồn gốc, kém chất lượng để cung cấp cho DN. Từ đó, mối liên kết - tiêu thụ vốn lỏng lẻo càng thêm lỏng lẻo”./.

Song Hồng-Hải Phong
(còn tiếp)

Bài 3: Liên kết tiêu thụ nông sản còn nhiều khó khăn

 

Chia sẻ bài viết