Khẳng định sản phẩm chủ lực
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (LMHTX) tỉnh - Nguyễn Thanh Hải khẳng định: "Thời gian qua, các ngành chức năng nỗ lực trong việc hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết doanh nghiệp (DN) tiêu thụ với người sản xuất nông sản, thực phẩm đến gần nhau hơn. Tuy có nhiều cố gắng nhưng thực chất việc "liên kết tiêu thụ nông sản" đến thời điểm này vẫn chưa tạo kết quả đột phá rõ nét".
Một số sản phẩm chủ lực của Long An: Lúa, chanh, thanh long, rau các loại đang tìm đầu ra ổn định
Ông Nguyễn Văn An, thành viên nhóm GAHP ở xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ cho biết: "Thời gian qua, mô hình chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thịt heo theo quy trình VietGAP tạo cầu nối liên kết từ khâu chăn nuôi heo an toàn, cơ sở giết mổ đủ điều kiện vệ sinh và hệ thống phân phối thành vòng khép kín về an toàn thực phẩm làm cho người tiêu dùng an tâm sử dụng sản phẩm thịt heo sạch, an toàn. Tuy nhiên, sự liên kết sản xuất - tiêu thụ này vẫn còn quá ít so với nhu cầu chăn nuôi của người dân hiện nay".
Thông qua các lần xúc tiến thương mại nông sản trên địa bàn tỉnh, đến nay, có hơn 10 hợp đồng được ký kết giữa các DN tiêu thụ nông sản và các HTX, tổ hợp tác (THT). Lượng nông sản tiêu thụ thông qua hợp đồng chưa nhiều so thực tế nhưng bước đầu rất khả quan, nông dân phấn khởi tăng gia sản xuất. Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hiệp (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) - Trần Thanh Minh phấn khởi cho biết: “Hiện nay, ngành Công Thương cùng ngành nông nghiệp tiếp tục xúc tiến thương mại, mở lối ra bền vững cho nông sản. HTX Phước Hiệp đầu tư nhà sơ chế gần 150 triệu đồng, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, được Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Ngoài tiêu thụ sản phẩm thông qua các DN đầu mối, thời gian qua, HTX còn được LMHTX tỉnh hỗ trợ tham gia giới thiệu và bán sản phẩm tại các hội chợ nông sản tại TP.HCM và các tỉnh miền Tây nhằm quảng bá thương hiệu, tìm đầu ra ổn định".
LMHTX Việt Nam có văn bản chỉ đạo LMHTX các tỉnh, thành phố đăng ký sản phẩm chủ lực của tỉnh để lựa chọn tiến tới xây dựng hàng hóa chủ lực quốc gia, tạo nền móng vững chắc để xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa có quy mô lớn, trong đó, tập trung xây dựng HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương, quy hoạch vùng nguyên liệu sản phẩm chủ lực, quy mô lớn, phát triển bền vững, xây dựng các liên hiệp HTX theo hướng liên kết vùng.
Theo đó, Long An có nhóm sản phẩm chủ lực: Lúa, rau các loại, quả (chanh, thanh long) và một số sản phẩm thịt gia súc, gia cầm. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, nông sản chủ yếu của Long An hàng năm đạt: Lúa trên 2,9 triệu tấn; mía 850.000 tấn; bắp 28.600 tấn; đậu phộng 20.400 tấn; thanh long 98.000 tấn; chanh 95.880 tấn; rau thực phẩm 169.000 tấn và nhiều loại cây trồng phong phú, đa dạng khác.
Cần có những giải pháp đồng bộ
“Trước khó khăn trong xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản, thực phẩm, tỉnh cần ban hành cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng chuỗi và vùng sản xuất; hỗ trợ DN tham gia chuỗi nông sản nhằm tạo sự liên kết giữa các địa phương với nhau và tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng, hỗ trợ nông sản đặc sản đủ sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh nhấn mạnh như thế.
Gạo Long An tham gia Hội chợ Xúc tiến thương mại nhằm quảng bá sản phẩm
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường cho biết: Tỉnh cần xây dựng các cơ chế, chính sách đủ mạnh hỗ trợ DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm tăng cường mối liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, nhất là chi phí xây dựng thương hiệu, tiền thuê cửa hàng tiêu thụ sản phẩm;... hỗ trợ nông dân trong khâu sản xuất từ việc lựa chọn cây, con giống đến chăm sóc cây trồng, vật nuôi đúng quy trình.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và nông dân khi xây dựng chuỗi liên kết, cùng với cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ, tổ chức sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, các sở, ngành cần tăng cường kiểm tra nông sản, thực phẩm mất an toàn tiêu thụ trên thị trường, nhất là tại chợ tự phát, chợ dân sinh; xử phạt nghiêm trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm nhằm tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho sản phẩm an toàn. Hy vọng thời gian tới, mối liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa nông dân với DN ngày càng bền vững./.
Song Hồng-Hải Phong
Bài 2: Muốn sản xuất hiệu quả, cần có sự liên kết tiêu thụ |