Vào ở rồi lại đi
Trở lại tuyến dân cư vượt lũ (TDCVL) ở ấp Mương Khai, xã Tân Thành, huyện Mộc Hóa, những căn nhà bỏ hoang vẫn còn đó. TDC này dài gần 2km, có vị trí đẹp vì nằm sát bên trục đường chính dẫn về trung tâm huyện nhưng có vẻ chưa thực sự “níu giữ” được các hộ dân định cư. Theo ghi nhận, TDCVL này có gần 200 nền; đến nay, có gần 80 hộ dân cất nhà ở. Nhưng qua quan sát, có gần chục căn nhà quanh năm đóng cửa im ỉm hoặc bỏ hoang.
Có những căn nhà “vượt lũ” bị bỏ hoang hư hỏng nặng
Căn nhà nằm phía đầu TDC bỏ hoang đã lâu, hiện hư hỏng nặng, tường nhiều chỗ bị nứt nẻ. Căn nhà này được người hàng xóm tận dụng làm kho chứa vỏ dừa. Theo chị Nguyễn Thị Thu - một hộ dân sinh sống gần đó, những căn nhà này bị bỏ hoang cả chục năm nay. Có trường hợp, chủ nhà quay trở về nhà cũ, gần ruộng, vườn, thuận tiện trong việc canh tác, có người lên thành phố làm công nhân để kiếm thu nhập.
Tại TDCVL ở ấp Cà Dăm, xã Vĩnh Đại và TDCVL tại ấp Cả Nổ, xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng, tình hình cũng không khá hơn. 2 TDC này có hơn 400 căn nhà được xây dựng. Thế nhưng, hiện có khoảng vài chục căn nhà không có người ở. Những căn nhà bỏ hoang rất dễ nhận ra vì cửa luôn đóng chặt, bên trong đầy mạng nhện, rác; nhiều nhà, tường nứt nẻ; phía trước, cỏ mọc um tùm, cao quá đầu người.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng - Nguyễn Văn Hùng, hiện trên địa bàn có 303 hộ xây dựng nhà ở trên CTDCVL nhưng không ở. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng có 156 hộ làm đơn xin trả lại lô nền CTDC.
Do thiếu việc làm
Lý do chính khiến người dân xây nhà trên CTDCVL nhưng không ở, hay chỉ ở một thời gian rồi bỏ đi được xác định vì thiếu việc làm, không có nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Vân ở TDCVL Mương Khai, xã Tân Thành, huyện Mộc Hóa cho biết, đa phần những hộ ở đây đều nghèo, không đất đai sản xuất. Sống bằng nghề làm mướn nhưng sản xuất nông nghiệp cơ giới hóa nhiều nên việc làm cũng khan hiếm dần. Tại đây, cũng có hộ mưu sinh bằng nghề may mặc, sửa xe Honda nhưng khó ổn định vì nhu cầu không nhiều. Vì vậy, có những hộ quay về nhà cũ, ở gần ruộng hoặc đóng cửa nhà lên TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai,... làm công nhân.
Đóng cửa im ỉm quanh năm để đi kiếm việc làmCòn ông Lê Văn Vinh - hộ dân định cư ở TDCVL ấp Cà Dăm, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng cho rằng, dù có nhà ở, không phải lo ngập lũ, xét về địa lý thì ở đây, con cháu đi học, người dân tiếp xúc, giao lưu văn hóa,... thuận tiện, tốt hơn. Thế nhưng, ở đây không thuận lợi cho buôn bán. Mặt khác, đất đai chật hẹp, muốn chăn nuôi gà, vịt cải thiện cuộc sống như lúc ở ngoài đồng cũng không được. Trong khi đó, những năm qua, lũ nhỏ, nguồn lợi thủy sản khan hiếm, cạn kiệt nên nhiều người dân vốn mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá cũng thất nghiệp. Vì vậy, việc làm, nguồn thu nhập đang là nỗi lo, nhu cầu cấp bách của người dân ở CTDCVL.
Chị Nguyễn Thị Thanh Trúc, xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh cho biết: “Hôm nay, vừa có người đến thuê chồng đi xịt thuốc cho lúa nhưng mưa phải dừng lại. Điều đó cũng có nghĩa là mất thu nhập, trong khi cuộc sống cả gia đình 4 người có nhiều chuyện để lo. Tôi luôn hy vọng cuộc sống gia đình sẽ khác nhưng tình hình này thì có lẽ còn phải nghèo dài dài!”.
Về vấn đề việc làm cho người dân ở CTDCVL, cử tri vẫn “than phiền” rất nhiều qua những lần tiếp xúc với đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội. Thế nhưng dường như, việc làm ở CTDCVL đang là “bài toán” khó chưa có lời giải. Như huyện Tân Hưng có 28 CTDCVL, số hộ dân vào định cư cao nhất tỉnh với 4.628 hộ (đạt 72%). Dù vậy, giải quyết việc làm vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Phó Chủ tịch UBND huyện - Huỳnh Thanh Hiền cho biết: “Những năm qua, huyện tổ chức nhiều lớp dạy nghề đan lát, may gia công,... Tuy nhiên, người dân được đào tạo không thể sống với những nghề này vì không có đầu ra”.
Theo tìm hiểu, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tân Hưng nhiệm kỳ 2015-2020 cũng đưa ra mục tiêu quy hoạch quỹ đất hơn 20ha ở thị trấn Tân Hưng và xã Hưng Điền B để kêu gọi nhà đầu tư về mở nhà máy, xí nghiệp, tạo việc làm cho người dân. Thế nhưng, chưa biết kế hoạch này sẽ ra sao bởi đến nay, ngay cả công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cũng chưa xong.
“Hiện, các địa phương đang rà soát, kiểm tra và tiếp tục vận động các hộ sinh sống bám theo kênh, rạch, thiếu an toàn đi dời vào CTDC. Tuy nhiên, những năm gần đây, lũ không cao cộng với thiếu việc làm,... nên việc vận động đưa dân lên CTDCVL đang gặp khó khăn” - Giám đốc Sở Xây dựng - Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm.
Từ đó cho thấy, vấn đề tạo việc làm cho người dân trên CTDCVL đang cấp thiết hơn bao giờ hết. Giải quyết được bài toán khó mang tên “việc làm” thì có lẽ, các CTDCVL mới thực sự thu hút được người dân lên an cư, lạc nghiệp./.
Lê Đức
(còn tiếp)
Bài 3: Sang nhượng trái phép, cấp giấy sai quy định