Tiếng Việt | English

11/10/2021 - 10:13

Bảo đảm an sinh xã hội, góp phần đẩy lùi dịch Covid-19

Xác định bảo đảm an sinh xã hội chính là một trong những “mũi giáp công” trong “trận chiến” với đại dịch Covid-19, Long An chủ động triển khai nhiều gói an sinh và vận động xã hội hóa chăm lo người nghèo, công nhân, người lao động bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Nhiều chính sách hỗ trợ được triển khai kịp thời

Ngay sau khi Nghị quyết (NQ) số 68/NQ-CP, ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định (QĐ) số 23/2021/QĐ-TTg, ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, Long An là một trong những tỉnh, thành phố triển khai, thực hiện nhanh nhất. Đến ngày 06/10/2021, tỉnh đã hỗ trợ theo NQ68 và QĐ số 23 trên 357 tỉ đồng cho 435.461 đối tượng.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) - Nguyễn Hồng Mai cho biết: “NQ68 của Chính phủ và QĐ số 23 của Thủ tướng Chính phủ là chính sách mang tính nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo, các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Do đó, các cấp, các ngành nhanh chóng triển khai nhằm hỗ trợ kịp thời cho người dân trong cơn đại dịch”.

Phó Bí thưThường trực Tỉnh ủy - Nguyễn Thanh Hải trao túi an sinh cho người dân xã Long Trạch, huyện Cần Đước (ảnh: Thanh Mỹ)

Ngoài triển khai kịp thời NQ68 của Chính phủ và QĐ số 23 của Thủ tướng Chính phủ, Long An còn nhanh chóng ban hành QĐ số 8434/QĐ-UBND, ngày 24/8/2021 của UBND tỉnh về việc tiếp nhận gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh hỗ trợ trên 53.800 nhân khẩu thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, mỗi nhân khẩu được nhận 15kg gạo/tháng, thời gian hỗ trợ 1 tháng. Tổng số gạo hỗ trợ 807.000 tấn. Ngay sau khi có QĐ số 8434 của UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH phối hợp các huyện, thị xã, thành phố tiếp nhận và đến tận nhà trao cho hộ nghèo, cận nghèo.

Bà Nguyễn Thị Kim Mai (ấp 1, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành) cho biết: “Gia đình thuộc diện cận nghèo với 4 nhân khẩu, trong đó chỉ có 2 người còn khả năng lao động nhưng mấy tháng nay dịch bệnh diễn biến phức tạp nên không có việc làm. Riêng tôi thì bị bệnh ung thư phải uống thuốc thường xuyên, cuộc sống gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Mấy tháng qua, gia đình chỉ sống nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm. Nhờ đó, gia đình mới có thể trang trải trong lúc khó khăn”.

Liên đoàn Lao động tỉnh triển khai nhiều gói an sinh xã hội chăm lo cho công nhân, lao động

Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, khi đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh kịp thời triển khai và chỉ đạo thực hiện công tác chăm lo cho người lao động. Cụ thể, LĐLĐ tỉnh hỗ trợ trên 3.690 công nhân, viên chức, lao động là F0, F1, F2 và tử vong do Covid-19 với tổng số tiền trên 5,1 tỉ đồng; chuẩn bị 160.000 suất quà (mỗi suất gồm 5kg gạo và 100.000 đồng tiền mặt), trong đó đã trao trên 139.700 suất với trên 13,9 tỉ đồng và gần 700 tấn gạo; thực hiện gói an sinh “Trao sữa yêu thương - Ấm tình Công đoàn” với hơn 6.000 nữ công nhân, lao động mang thai và 1.200 trẻ em là con công nhân, lao động được hỗ trợ, tổng số tiền trên 2,2 tỉ đồng.

Không chỉ chăm lo cho người nghèo, công nhân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh còn đặc biệt quan tâm đến những trẻ có cha, mẹ bị mất do dịch bệnh Covid-19 bằng những việc làm thiết thực. Được biết, qua thống kê, đến nay, tỉnh có 86 trẻ em bị mồ côi vì đại dịch, trong đó có 2 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, còn lại là mồ côi cha hoặc mẹ. Trước mắt, Sở LĐ-TB&XH sẽ hỗ trợ 2 triệu đồng/trẻ đối với trường hợp có cha, mẹ tử vong do Covid-19, nguồn kinh phí được trích từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.

Huy động nhiều nguồn lực tham gia

Đợt dịch thứ 4 bùng phát, nhiều người phải mất việc, không có thu nhập, cuộc sống lâm vào cảnh khó khăn, nhất là người nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thế nhưng, họ không đơn độc trong hành trình vượt qua đại dịch Covid-19 bởi không chỉ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước mà còn có rất nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp luôn cùng đồng hành. Đại đức Thích Lệ Ngôn - Trụ trì chùa Ân Thọ (phường 5, TP.Tân An), cho biết: “Khi chùa phát động các phong trào hỗ trợ địa phương chống dịch, chăm lo tuyến đầu hay người lao động nghèo, các phật tử tích cực tham gia, đóng góp trên 4 tỉ đồng hỗ trợ địa phương trong các hoạt động an sinh xã hội, động viên các lực lượng tuyến đầu”.

Từ đợt dịch thứ 4 đến nay, chùa Ân Thọ vận động trên 4 tỉ đồng chăm lo các hoạt động an sinh xã hội ở địa phương

Được biết, khi dịch bệnh bùng phát tại tỉnh, chùa Ân Thọ chủ động thực hiện chương trình Túi gạo nghĩa tình nhằm tặng cho người nghèo có nhu cầu trên địa bàn TP.Tân An mỗi túi gạo 2kg, thời gian thực hiện từ tháng 6 đến 7/2021 với trên 20 tấn gạo.

Chị Đỗ Thị Hai (phường 5, TP.Tân An) bộc bạch: “Từ khi nghỉ bán vé số, tôi sống nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, trong đó có sự giúp đỡ của chùa Ân Thọ. Biết hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn nên mỗi khi có chương trình từ thiện, chùa đều dành tặng tôi một phần quà. Nhờ đó, gia đình tôi trang trải được trong lúc khó khăn”.

Trong “cuộc chiến” chống dịch, nhiều tổ chức, cá nhân đã cùng chung tay, góp sức như Câu lạc bộ Thiện Tâm (TP.Tân An); nhóm thiện nguyện Cỏ 4 Lá; nhóm từ thiện Minh Tâm; nhóm thiện nguyện Hoa Sen;... Chính sự đồng hành đó đã góp phần chăm lo cho những hoàn cảnh khó khăn, giúp họ vượt qua đại dịch.

Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tân Trụ - Nguyễn Thị Phúc chia sẻ: “Thời gian thực hiện giãn cách xã hội, huyện luôn đặt công tác an sinh xã hội lên hàng đầu với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Theo đó, huyện vừa triển khai, thực hiện tốt các gói an sinh xã hội của địa phương, vừa vận động xã hội hóa chăm lo cho người nghèo. Cụ thể, huyện vận động xã hội hóa trên 10 tỉ đồng gồm tiền mặt và nhu yếu phẩm để hỗ trợ người nghèo. Ngoài ra, các hội thiện nguyện còn giúp người nghèo bằng rất nhiều mô hình, trong đó chủ yếu là tặng nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm,...”.

Các cấp, các ngành quan tâm chăm lo cho trẻ em có cha hoặc mẹ hoặc cả cha mẹ đều mất vì Covid-19

Thông tin từ Sở LĐ-TB&XH, trong đợt dịch thứ 4, các địa phương tùy theo khả năng của mình vận động xã hội hóa chăm lo cho người nghèo với trên 235 tỉ đồng gồm tiền mặt và nhu yếu phẩm. Đây là con số không hề nhỏ khẳng định sức mạnh, sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội trong công cuộc đẩy lùi dịch Covid-19.

Đến nay, tỉnh cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19. Sự giúp đỡ kịp thời, nhanh chóng của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân đã giúp các hoàn cảnh khó khăn trang trải cuộc sống trong những ngày xảy ra dịch bệnh. Qua đó, góp phần rất lớn vào công tác phòng, chống dịch. Hiện nay, hoạt động an sinh xã hội vẫn được các cấp, các ngành tiếp tục triển khai./.

"Đến ngày 06/10/2021, tỉnh đã hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Quyết định số 23 trên 357 tỉ đồng cho 435.461 đối tượng”.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết