Ý thức trong bảo vệ môi trường
Vấn đề BVMT luôn được các cấp, các ngành quan tâm. Bên cạnh việc chủ đầu tư xây dựng các nhà máy XLNT cho toàn khu, cụm công nghiệp (K,CCN), một số DN thứ cấp hoạt động tại đây cũng được ngành chức năng cấp phép cho xây dựng nhà máy XLNT riêng, dưới sự giám sát trực tiếp của K,CCN và sự quản lý, kiểm tra thường xuyên của các ngành chức năng.
Nhà máy Xử lý nước thải giai đoạn 1, Khu công nghiệp Hòa Bình được thiết kế 2.000m3/ngày đêm
Tại KCN Anh Hồng (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), BVMT luôn được chủ đầu tư hạ tầng và DN thứ cấp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khu thực hiện nghiêm túc. Khu đi vào hoạt động gần 10 năm với diện tích khoảng 55ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 70%, trong đó có 3 DN vốn đầu tư nước ngoài.
Hệ thống XLNT được chủ đầu tư xây dựng đúng chuẩn quy định với công suất thiết kế 2.000m3/ngày đêm, vận hành thực tế khoảng 600-800m3/ngày đêm, bảo đảm xử lý hết nước thải cho các DN thứ cấp hoạt động tại đây (toàn khu chỉ có một điểm xả thải).
Các DN thứ cấp có nhà máy XLNT để xử lý ban đầu trước khi về khu xử lý chung. Riêng Công ty (Cty) TNHH Một thành viên SIGMA - Long An vận hành hệ thống XLNT giai đoạn I 1.800m3/ngày đêm được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cấp phép, dưới sự kiểm tra, giám sát của KCN, có lắp đặt trạm quan trắc truyền dữ liệu tự động 24/24 truyền về Sở TN&MT để theo dõi. Ngoài ra, Cty còn báo cáo đầy đủ các hoạt động môi trường về Sở TN&MT. Thời gian tới, Cty sẽ xây dựng nhà máy XLNT giai đoạn II với công suất 3.000m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu sản xuất cũng như phục vụ XLNT, tránh gây ô nhiễm.
Giám đốc Cty Cổ phần Đầu tư Anh Hồng (chủ đầu tư hạ tầng KCN Anh Hồng) - Lê Anh Hồng cho biết: “Ngoài việc hàng quí báo cáo Sở TN&MT về tình hình môi trường, Cty còn tuyên truyền cho các DN thứ cấp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong KCN tuân thủ đúng quy định hiện hành. Các chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt được KCN ký kết hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý đúng quy định. Hiện, chúng tôi chưa lắp đặt trạm quan trắc vì lượng nước thải trong khu còn thấp.Khi lượng nước thải nhiều hơn, Cty sẽ tiến hành lắp đặt.Ngoài ra, trong khu còn trồng cây xanh, bố trí các thùng đựng rác sinh hoạt đầy đủ nhằm cải thiện cảnh quan môi trường”.
Thực hiện nghiêm túc
CCN Kiến Thành (huyện Cần Đước) đi vào hoạt động khá lâu, có tỷ lệ lấp đầy đạt 100%, chủ đầu tư hạ tầng, DN thứ cấp ý thức cao và phối hợp chặt chẽ ngành chức năng trong việc bảo đảm an toàn về môi trường.
Giám đốc Cty TNHH XD-DV-TM Kiến Thành (chủ đầu tư hạ tầng CCN Kiến Thành) - Châu Văn Phe thông tin: “Chúng tôi nhận thức rõ môi trường có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống. Khi CCN đi vào hoạt động, Cty hoàn thành nhà máy XLNT đúng quy định và bảo đảm theo tiêu chuẩn, xử lý toàn bộ nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất. Nhà máy hoạt động với công suất 250m3/ngày đêm, vận hành thực tế hơn 100m3/ngày đêm, ký kết đầy đủ với các đơn vị đủ chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại và rác sinh hoạt. Định kỳ hàng quí, theo hợp đồng giữa Cty với Trung tâm Quan trắc TN&MT, trung tâm sẽ lấy mẫu về kiểm tra và báo cáo tình hình môi trường về Sở TN&MT theo dõi. BVMT là trách nhiệm chung và chúng tôi luôn đồng hành thực hiện tốt công việc này”.
Nhà máy Xử lý nước thải giai đoạn 1, Khu công nghiệp Hòa Bình được thiết kế 2.000m3/ngày đêm, bảo đảm xử lý toàn bộ nước thải trong khu
Tương tự, chủ đầu tư KCN Hòa Bình (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) cũng nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm trong vấn đề BVMT. Chủ đầu tư xây dựng hệ thống XLNT hiện đại, đúng chuẩn theo quy định, có khu chứa chất thải nguy hại riêng, lắp đặt trạm quan trắc truyền dữ liệu về Sở TN&MT theo dõi, trồng các cây xanh, bố trí thùng đựng rác sinh hoạt để cải thiện môi trường, cảnh quan trong KCN.
“Cty tổ chức tập huấn cho người lao động biết cách phân loại rác đầu nguồn, xây dựng hệ thống XLNT (xử lý ban đầu trước khi vào hệ thống XLNT tập trung của KCN với công suất thiết kế 300m3/ngày đêm, vận hành 100m3/ngày đêm). Chúng tôi luôn nhận thức cao vấn đề BVMT, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, tránh ảnh hưởng đến môi trường và tham gia đầy đủ hoạt động BVMT trên địa bàn hoạt động” - đại diện Cty TNHH SX-TM Tân Thành Hòa Long An chia sẻ.
Theo Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Đầu tư Xây dựng hạ tầng Hòa Bình (chủ đầu tư hạ tầng KCN Hòa Bình) - Lê Viết Hà, Cty cũng như các DN thứ cấp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong KCN rất ý thức BVMT, chủ động xây dựng hệ thống XLNT sơ bộ trước khi chuyển về hệ thống XLNT tập trung cho toàn khu. Hệ thống XLNT công suất thiết kế 4.000m3/ngày đêm, trong đó, giai đoạn I 2.000m3/ngày đêm (vận hành thực tế gần 1.000m3/ngày đêm). Cty ký hợp đồng với đơn vị đủ chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý các loại rác thải theo quy định. Hiện, KCN lấp đầy khoảng 80%, 23 DN đang hoạt động (17 DN có vốn đầu tư nước ngoài).
Bảo đảm an toàn môi trường
Phó Giám đốc Sở TN&MT - Nguyễn Tân Thuấn thông tin: K,CCN tiếp nhận đầu tư phải có hệ thống XLNT đúng tiêu chuẩn và quy định của Chính phủ, một số doanh nghiệp xây dựng hệ thống riêng phải được Bộ TN&MT cấp phép nhưng dưới sự kiểm tra, giám sát, quản lý của các ngành chức năng. Công tác BVMT tại K,CCN được quan tâm, đặt lên hàng đầu và bảo đảm an toàn về vấn đề này.
Có 11 khu công nghiệp, 3 doanh nghiệp lắp đặt trạm quan trắc truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi
Đến tháng 4/2018, môi trường tại K,CCN trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt, không có vi phạm. Sở dĩ được như vậy là do công tác quản lý có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành TN&MT và các ngành liên quan theo từng năm, từng quí. Sở luôn có kế hoạch thanh tra, kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất môi trường tại các K,CCN trên địa bàn. Ngoài ra, sở còn phối hợp Bộ TN&MT kiểm tra trực tiếp việc thực hiện, luôn theo dõi, nắm thông tin, tình hình nhằm chủ động phát hiện vi phạm và có biện pháp xử lý kịp thời, bảo đảm an toàn môi trường K,CCN trên địa bàn tỉnh.
“Hiện nay, sở tập trung xử lý, khắc phục triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường tại một số đơn vị trước đây và chỉ đạo việc lắp đặt trạm quan trắc truyền dữ liệu về sở để theo dõi; tăng cường thông tin, tuyên truyền và phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương, người dân phối hợp cùng ngành chức năng trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động môi trường trên địa bàn tỉnh. Tin tưởng, thời gian tới, vấn đề môi trường trên địa bàn tỉnh được quản lý tốt hơn, an toàn, góp phần thu hút đầu tư, phát triển KT-XH địa phương” - ông Nguyễn Tân Thuấn nhấn mạnh./.
Hiện nay, toàn tỉnh Long An có 19 KCN, 12 CCN đang hoạt động với lượng nước thải mỗi ngày 22.000m3/ngày đêm (KCN), 2.000m3/ngày đêm (CCN). 11 KCN, 3 doanh nghiệp ngoài K,CCN lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường. |
Thanh Mỹ