Tiếng Việt | English

27/01/2021 - 08:53

Bảo đảm hàng hóa phục vụ tết

Các cấp, các ngành và đơn vị hoạt động trong lĩnh vực liên quan chủ động nguồn cung, dự trữ hàng hóa để bảo đảm cung ứng, phục vụ đầy đủ nhu cầu của thị trường dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sắp tới.

Nhu cầu tăng

Thị trường hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 dự kiến sẽ tăng nhẹ so với những ngày bình thường. Thời điểm này là lúc cao điểm để người tiêu dùng mua sắm các mặt hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ tết. Theo bà Nguyễn Thị Huyền, ngụ phường 1, thị xã Kiến Tường, năm nào cũng vậy, tết đến là bà chuẩn bị thêm một số mặt hàng thiết yếu như: Bánh, mứt, thực phẩm, đồ uống,... phục vụ gia đình cũng như bạn bè. Thuận lợi là những năm gần đây, cửa hàng, siêu thị trên địa bàn nhiều hơn trước nên lượng hàng hóa đầy đủ, phong phú, người mua có nhiều sự lựa chọn hơn và việc khan hiếm hay mua hàng dự trữ như trước cơ bản không còn. Người dân mong muốn các đơn vị kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, quản lý về chất lượng hàng hóa, giá cả để mọi người vui xuân, đón tết trọn vẹn, ấm áp.

Còn bà Trần Thị Hằng Ny, ngụ thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, chia sẻ: “Dù năm nay dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng khá lớn đến đời sống của gia đình, thu nhập bị giảm đáng kể nhưng tết đến, chúng tôi cũng cố gắng chuẩn bị đầy đủ đồ dùng, thực phẩm để vui xuân, đón tết. Hiện nay, tôi đã lên kế hoạch chi tiết để mua những hàng hóa thật sự cần thiết, vừa tiết kiệm, tránh lãng phí, vừa chu đáo phục vụ dịp tết. Thuận lợi là hàng hóa ở một số cửa hàng, siêu thị trên địa bàn rất nhiều, phong phú, giá cả được niêm yết công khai nên người dân yên tâm khi đến mua sắm”.

Sở Công Thương kiểm tra tình hình dự trữ hàng hóa phục vụ tết

Chủ động nguồn cung

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng theo khảo sát đánh giá, nhu cầu hàng hóa thị trường dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 dự kiến có khả năng tăng nhẹ so với trước. Để chủ động nguồn cung, ngay từ những tháng cuối năm 2020, các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chủ động các phương án, giải pháp bảo đảm đáp ứng đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo đại diện Co.opMart Cần Giuộc - Phạm Thị Tuyết Mai, sau khi khảo sát thị trường, đơn vị chủ động dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ mua sắm của người dân dịp tết. Siêu thị tăng lượng hàng hóa 6,2% so với Tết Canh Tý 2020 với tổng giá trị các mặt hàng khoảng 10 tỉ đồng. Trong đó, nhóm hàng lương thực, đồ hộp, thực phẩm khác trị giá 2,9 tỉ đồng, đạt 107%; nhóm hàng thực phẩm tươi sống, trái cây, rau, củ, quả, thịt, cá,... trị giá 1,2 tỉ đồng, đạt 100%; nhóm hàng bánh, kẹo, mứt trị giá 2,2 tỉ đồng, đạt 112%; nhóm hàng sữa, nước giải khát trị giá 2,5 tỉ đồng, đạt 105%; nhóm hàng gia vị trị giá 2,2 tỉ đồng, đạt 107%. Kho chứa hàng được đặt tại xã Mỹ Lộc (huyện Cần Giuộc).

Bên cạnh đó, Co.opMart Cần Giuộc còn chủ động phương án cung hàng hóa khi thị trường biến động. Siêu thị chuẩn bị tốt lượng hàng hóa dự trữ với hơn 10.000 mặt hàng đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm trước, trong và sau tết, bảo đảm kho đủ sức chứa, bổ sung hàng hóa kịp thời, không để thiếu hàng. Giá cả hàng hóa ổn định, có nhiều mặt hàng và chương trình khuyến mại. Co.opmart Cần Giuộc đã phối hợp một số nhà cung cấp tham gia giảm giá hàng ngàn sản phẩm đặc trưng tết với mức khuyến mại từ 10-50% kết hợp với các dịch vụ tiện ích để giúp khách hàng mua sắm tiết kiệm và đầy đủ, góp phần kích thích gia tăng doanh số và lượt khách vào những ngày đầu năm, tạo niềm vui và gia tăng ưu đãi cho khách hàng.

Bảo đảm hàng hóa phục vụ tết

Đại diện Công ty TNHH San Hà - Trần Thị Kim Khánh cho hay, dự kiến khả năng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhu cầu mua sắm các mặt hàng thiết yếu của người dân sẽ tăng so với những ngày bình thường, do đó, công ty chủ động chuẩn bị nguồn hàng để đáp ứng. Năm nay, lượng hàng tăng khoảng 20-30% so với năm trước, tổng lượng hàng hóa lên đến hơn 20 tỉ đồng.

Ổn định thị trường

Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Anh Việt thông tin: Nhằm tạo nguồn hàng hóa dồi dào với giá ổn định, hợp lý cho thị trường trong những tháng cuối năm 2020 và giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, Sở Công Thương đã yêu cầu Công ty CP Thương mại và Xuất Nhập khẩu Long An, Công ty CP Thương mại Mộc Hóa, Co.opMart Tân An, Co.opMart Bến Lức, Co.opMart Cần Giuộc và hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh (75 cửa hàng), hệ thống cửa hàng VinMart Long An (4 cửa hàng), hệ thống cửa hàng tiện lợi San Hà (7 cửa hàng), các công ty kinh doanh lương thực, bánh, kẹo, nước giải khát, rượu, bia xây dựng phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu dồi dào đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Hàng hóa mà các doanh nghiệp tham gia dự trữ là những mặt hàng thiết yếu như: Gạo, đường, bột ngọt, dầu ăn, mì gói, rượu, bia, nước giải khát, hàng thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả các loại, trái cây, thịt, cá, trứng, sữa, lạp xưởng, giò chả, bánh, mứt,... phải bảo đảm các tiêu chí có nguồn gốc rõ ràng, an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng tốt, giá cả hợp lý, mẫu mã đẹp.

Bên cạnh đó, Sở đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh thương mại tăng cường tổ chức mở rộng mạng lưới bán lẻ, phân phối đến các khu vực nông thôn, khu, cụm công nghiệp với hình thức bán hàng lưu động để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân ở vùng sâu, vùng xa và công nhân, lao động, góp phần tăng khả năng tiếp cận hàng hóa cho người có thu nhập trung bình và thấp.

“Đặc biệt, để tránh tình trạng biến động hàng hóa, nhất là dịp giáp tết, Sở Công Thương Long An đã ký kết biên bản thỏa thuận kết nối cung - cầu hàng hóa ổn định thị trường với TP.HCM và các tỉnh, thành Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các doanh nghiệp ký cam kết giữ ổn định giá, không để xuất hiện tình trạng tăng giá đột biến cũng như cung ứng hàng hóa nhằm ổn định thị trường, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân” - ông Nguyễn Anh Việt thông tin thêm.

UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 178/CT-UBND, ngày 15/01/2021 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Công Thương theo dõi diễn biến thị trường hàng hóa, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động giá cao trên địa bàn tỉnh thời gian qua để đề xuất biện pháp chuẩn bị nguồn hàng, cung ứng hàng hóa kịp thời, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp tết.

Khuyến khích, hỗ trợ các DN có kế hoạch sản xuất, chuẩn bị nguồn hàng dự trữ bảo đảm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân, DN trong dịp tết, tập trung các mặt hàng sản xuất trong nước với chất lượng cao, giá cả cạnh tranh; sớm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh sau tết.

Triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp với các chương trình bình ổn thị trường, giá cả, các hoạt động kết nối cung - cầu, kết nối giữa các DN phân phối và các nhà cung cấp thực phẩm thiết yếu, hình thành hệ thống phân phối, bảo đảm thông suốt từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng tạo nguồn hàng ổn định phục vụ tết. Khuyến khích các DN thực hiện các chương trình khuyến mại, kích cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, tăng cường tổ chức mở rộng mạng lưới bán lẻ, phân phối đến các khu vực nông thôn, khu, cụm công nghiệp, với hình thức bán hàng lưu động để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân ở vùng sâu, vùng xa và nhu cầu mua sắm của công nhân.

Chỉ đạo các DN kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn có phương án bảo đảm nguồn cung xăng, dầu cho thị trường dịp Tết Nguyên đán; phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát chất lượng xăng, dầu lưu thông trên thị trường.

Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cung ứng điện, vật tư, nhiên liệu phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, đi lại của nhân dân trước, trong và sau tết. Tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả, bảo đảm việc cung ứng điện liên tục trong dịp tết./.

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích