Tiếng Việt | English

13/09/2020 - 09:45

Bảo hiểm y tế bảo đảm quyền lợi cho học sinh

Tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên (HSSV) giúp các em và gia đình giảm bớt gánh nặng về viện phí khi không may mắc bệnh phải nằm viện. Đây còn là chính sách nhân văn thể hiện sự sẻ chia trong cộng đồng nhằm giúp những trường hợp bệnh hiểm nghèo có điều kiện trị bệnh, giảm gánh nặng về chi phí điều trị.

Tuy nhiên, một số người do chưa hiểu hết ý nghĩa và sự cần thiết của việc tham gia BHYT HSSV nên tỷ lệ tham gia chưa đạt 100% theo quy định. Theo Luật BHYT được Quốc hội thông qua ngày 14/11/2008, HSSV trở thành đối tượng bắt buộc tham gia từ ngày 01/01/2010. Tại Điều 7 và Điều 8 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định: Hàng tháng, HSSV phải đóng BHYT với mức bằng 4,5% mức lương cơ sở. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 30%; HSSV đóng 70%.

Cụ thể: Mức đóng = mức lương cơ sở x 4,5% x số tháng tham gia. Theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP, từ 01/7/2019, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng. Như vậy, số tiền học sinh tham gia BHYT trong 12 tháng là 804.600 đồng (Nhà nước hỗ trợ 241.380 đồng, HSSV đóng 563.220 đồng).

Để thực hiện mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành Bảo hiểm xã hội đang tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp để phát triển đối tượng tham gia BHYT HSSV, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền nhằm giúp người dân hiểu rõ ý nghĩa và tính nhân văn của chính sách này.

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện chính sách BHYT nói chung và BHYT cho HSSV nói riêng đã được các cấp, ngành và cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đặc biệt chú trọng. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, yêu cầu “bắt buộc” đang dần trở thành ý thức tự giác của HSSV và sự đồng tình ủng hộ của các bậc phụ huynh. Đặc biệt, đối với học sinh từ bậc THPT trở lên, các em đã bắt đầu nhận thức việc tham gia BHYT không chỉ để bảo vệ sức khỏe bản thân mà còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đối với cộng đồng, xã hội./.

Tuệ Lâm

Chia sẻ bài viết