Cần nhiều hơn các phòng tư vấn tâm lý học đường. Trong ảnh: một buổi tư vấn tâm lý cho học sinh Trường THPT Trần Phú, quận Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Chúng ta đồng cảm, thấu hiểu điều đó khi chứng kiến ngày càng nhiều vụ đánh đấm hội đồng khiến trẻ tổn thương đau đớn, uất nghẹn đến tận cùng.
Liên tiếp những vụ việc đau lòng
Chiều 18-10, mạng xã hội lan truyền video ghi lại cảnh một nữ sinh mặc đồng phục Trường THCS T. đánh và lột quần áo của một bạn nữ trong tiếng hò reo cổ vũ, xúi giục của đám đông bạn bè.
Tiếp đó là thông tin nam sinh lớp 7 Trường THCS Đ. bị bạn học vây đánh hội đồng suốt nhiều tháng từ trong cửa lớp đến tận bên ngoài nhà trường. Hình ảnh camera ghi thêm hình ảnh nam sinh bị bạo hành đang điều trị trong bệnh viện, hoảng loạn và mất kiểm soát hành vi, có biểu hiện co giật, không nhớ họ tên, địa chỉ của mình ở đâu.
Rồi mới đây là clip một nam sinh của Trường THCS khác bị bạn đánh liên tiếp vào mặt, vào đầu... Đáng nói là vụ việc xảy ra ngay trong lớp học, trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác nhưng không hề có ai can ngăn...
Những câu chuyện bạo lực học đường dồn dập gần đây dội thêm bao trăn trở, âu lo khiến dư luận một lần nữa băn khoăn đặt câu hỏi: Vì sao nên nỗi?
Xã hội hãi hùng, nhà trường bất an, gia đình nơm nớp lo khi bước chân con trẻ đến trường. Những vết bầm tím trên thân thể, nỗi đau đớn dằn xé tâm hồn hẳn là đeo mang dai dẳng trong ký ức kinh hoàng của vô số bạn nhỏ tuổi học trò.
Thêm nhiều vụ đánh đấm kéo theo những cái chết tức tưởi và tổn thương kinh hoàng là dồn ứ thêm muôn nỗi bất an trong cộng đồng. Và chúng tôi là mẹ cha, lòng như lửa đốt khi con đến trường, nơm nớp lo con gây thù chuốc oán rồi bị lôi kéo vào bạo lực học đường.
"Thuốc" đã có, nhưng...
Sau bao nhiêu công văn chấn chỉnh, bạo lực học đường vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Sau bao nhiêu "đơn thuốc" được kê, vẫn đầy rẫy cảnh đánh đấm inh ỏi.
Sau bao nhiêu nỗ lực neo giữ văn hóa học đường và tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và vui tươi, bạo lực học đường vẫn đang vùi dập biết bao đứa trẻ vào đòn thù đớn đau...
"Thuốc" trị căn bệnh đánh đấm tuổi học trò đã kê đơn, nhưng chúng ta đã chú tâm cho trẻ uống một cách kiên nhẫn và chân thành thuyết phục trẻ hướng về điều tử tế, cảm hóa trẻ tránh xa hành xử xấu xí?
Nhà trường phải chăm lo nhiều hơn cho nhiệm vụ uốn nắn tâm hồn trẻ, nhưng công việc chuyên môn bạt ngàn nhiệm vụ mới toanh đang cuốn người thầy đi mải miết.
Chuyên đề, hội thảo hướng dẫn học sinh sử dụng mạng xã hội, tập huấn kỹ năng điều tiết cảm xúc và tổ chức các hoạt động gắn kết tình cảm bạn bè đã có nhưng vẫn còn khan hiếm lắm. Các phòng tư vấn tâm lý học đường đang thiếu giáo viên chuyên trách, hoạt động cầm chừng và đối phó thì trẻ biết trút bầu tâm sự và tìm địa chỉ nào để "gỡ rối"?
Xã hội quan tâm nhiều hơn đến việc tạo môi trường sống lành mạnh, tích cực, tử tế cho trẻ, nhưng hành vi xấu xí từ người lớn trong đời thực lẫn mạng ảo vẫn đang ngày ngày trưng ra trước mắt bọn trẻ biết bao tấm gương mờ đục.
Hở chút lại dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn lúc va quẹt xe, lúc chờ cấp cứu, lúc vượt đèn đỏ bị nhắc nhở... Thử hỏi "luồng khói độc" ấy đập vào mắt, chui vào tai trẻ có để lại mầm mống bạo lực không?
Gia đình là cái nôi vun bồi nên nhân cách trẻ, nhưng bức tranh gia đình hiện đại lại phớt lên gam màu u tối bởi nơi này áp lực học hành dồn xuống đầu trẻ như đá tảng, nơi kia bỏ mặc trẻ "tự bơi" trong mớ bòng bong của cảm xúc ở chính khoảnh khắc thay đổi tâm sinh lý lứa tuổi quan trọng của đời người.
Bạo lực học đường ngày càng bất thường và đáng lo ngại. Chúng ta đã chú tâm phòng ngừa mầm mống bạo lực manh nha trong lứa tuổi học trò chưa?
Cha mẹ đã bỏ điện thoại xuống chưa?
Chúng ta luôn kêu gọi cha mẹ làm bạn cùng con, chia sẻ và tâm sự cùng con, đồng hành và định hướng để con khôn lớn khỏe mạnh và an toàn. Vậy mà thử ngẫm lại chính mình, bạn đã bỏ cái điện thoại xuống để nhìn sâu hơn vào mắt trẻ chưa?
Bạn đã rời mắt khỏi màn hình di động để quan sát đứa trẻ trước mặt đang thay đổi ra sao, để thong dong tản bộ bàn luận chuyện học hành, bè bạn, áp lực với con chưa?
|
Theo TTO
Nguồn: https://tuoitre.vn/bao-luc-hoc-duong-van-dang-vui-dap-biet-bao-dua-tre-20231104084446785.htm